Nhà máy Trung Quốc nợ ĐTM: Nhân nhượng vì ai?

Nếu Việt Nam không kiểm soát chặt về môi trường mà cứ để đầu tư ồ ạt thì tương lai Việt Nam cũng sẽ ô nhiễm nặng nề như Trung Quốc.

Dừng lại là cần thiết

Chiều 10/3, Ban quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang đã tổ chức giải trình cụ thể liên quan đến phản ánh của báo chí về việc Công ty TNHH JA Solar VN (JA Solar) thuộc Tập đoàn JA Solar (Trung Quốc) đang gấp rút xây dựng 1 nhà máy cực lớn ở Bắc Giang với vốn đầu tư 280 triệu USD (khoảng 6.000 tỉ đồng) nhưng đến nay vẫn chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM).

Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Anh Quyền - Trưởng ban quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang đã thừa nhận việc chưa có đánh giá ĐTM mà để doanh nghiệp Trung Quốc xây dựng là sai quy định. Đồng thời ông Quyền cũng khẳng định sẽ chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Giang khi để xảy ra những sai phạm nêu trên.

“Chúng tôi đã cân nhắc kỹ là nếu có một tỷ lệ nhỏ gây hại cho môi trường chúng tôi cũng không đồng ý. Nhưng dù sao khi chưa có báo cáo chính thức mà đã cấp giấy phép xây dựng cũng là chưa đúng quy định và là thiếu sót của Ban quản lý các KCN”, ông Quyền phân trần.

Nếu Việt Nam không kiểm soát chặt về môi trường mà cứ để đầu tư ồ ạt thì tương lai Việt Nam cũng sẽ ô nhiễm nặng nề như Trung Quốc. Ảnh: TTO

Đến nay, công ty TNHH JA Solar Việt Nam đã tự nguyện đình chỉ việc thi công, chờ kết quả phê duyệt của Bộ TN-MT và cam kết nếu không được phê duyệt ĐTM sẽ ngừng triển khai dự án.

Dù Bắc Giang đã nhận sai khi cho phép doanh nghiệp Trung Quốc xây dựng nhà máy mà chưa có báo cáo ĐTM, nhưng trao đổi với Đất Việt, nhiều chuyên gia vẫn bày tỏ những lo ngại.

Ông Đỗ Đức Hồng Hà, Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ Bộ Tư pháp, ĐBQH Hà Nội cho biết đã nắm được thông tin qua báo chí.

Theo ông Hà, việc Bắc Giang cho phép doanh nghiệp Trung Quốc xây dựng nhà máy khi chưa có báo cáo ĐTM và trước khi có sự đồng ý của Thủ tướng là hoàn toàn sai, không đúng các quy định của pháp luật. Vì vậy việc nhà máy đình chỉ thi công, chờ kết quả phê duyệt của Bộ TN-MT rồi mới triển khai dự án là hoàn toàn cần thiết.

“Nếu chưa đúng trình tự, thủ tục quy trình thì không được xây dựng. Chúng ta phải làm rõ nguyên nhân là ở đâu, trách nhiệm thuộc về ai?”, ông Hà nêu quan điểm.

Đặc biệt, vị ĐBQH này cũng thẳng thắn cho rằng việc Bắc Giang “tạo điều kiện” để JA Solar tiến hành xây dựng nhà máy trước để kịp tiến độ theo thiết kế của nhà máy là không thỏa đáng.

Nếu JA Solar được xây dựng nhà máy trước nhưng nếu xây dựng xong mà chưa có ĐTM được cơ quan chức năng phê duyệt thì đơn vị này không được phép sản xuất nên địa phương nói thế cũng chỉ là cách chống chế.

“Giải thích của tỉnh chưa thỏa đáng, việc gì cũng phải đúng theo quy định của pháp luật”, ông Hà khẳng định.

Cùng đưa ra ý kiến, TS. Nguyễn Văn Hiếu, Khoa vật lý, trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng nhấn mạnh, bản thân ủng hộ quyết định tạm dừng triển khai dự án.

Ông Hiếu khẳng định, dù sản xuất pin năng lượng mặt trời được coi là năng lượng sạch, an toàn hơn so với các nguồn khác như hạt nhân, thủy điện, nhiệt điện. Tuy nhiên trong quá trình vận hành, sản xuất ra sản phẩm cũng ẩn chứa các nguy cơ về ô nhiễm môi trường và độc hại.

Hiện trạng đại công trường dự án trăm triệu USD bất chấp pháp luật tại Bắc Giang. Ảnh: Dân trí

“Về mức độc hại, ô nhiễm như thế nào thì phải khảo sát mới biết được chính xác. Nhưng theo đánh giá của tôi khi sản xuất pin năng lượng mặt trời thì nguyên liệu dùng từ silic hoặc hỗ hợp các nguyên tố hóa học.

Trung Quốc sẽ không chuyển từ ở Trung Quốc sang những thứ đó mà họ làm nhà máy sản xuất pin năng lượng mặt trời tại Việt Nam rồi lắp ráp. Họ sẽ bảo trì liên tục và khi đó sẽ phải phủ các lớp hóa học lên để hấp thu năng lượng tốt. Đương nhiên mỗi lần bảo quản như vậy thì sẽ tác động đến môi trường.

“Nếu JA Solar báo cáo ĐTM sớm thì theo tôi chưa chắc dự án này đã được tiến hành. Bất cứ dự án nào không làm báo cáo ĐTM thì theo tôi đã không hợp lý và có thể tiềm ẩn những vấn đề đằng sau”, ông Hiếu nêu quan điểm.

Nhà máy Trung Quốc nợ ĐTM: Đừng xuê xoa, dễ dãi

Lo lắng công nghệ Trung Quốc

Một vấn đề khác mà TS Hiếu nhắc đến đó là các công nghệ được sử dụng trong nhà máy pin năng lượng mặt trời tại Bắc Giang.

Theo vị chuyên gia, nếu nhà máy sử dụng dây chuyền sản xuất của Tây Đức, Nhật Bản hay châu Âu thì không đáng lo ngại, khả năng ảnh hưởng đến môi trường rất ít. Tuy nhiên đối với các công nghệ từ Trung Quốc thì cần phải kiểm soát, đánh giá thận trong hơn.

“Công nghệ các nước tiên tiến thì không có gì đáng lo. Còn với công nghệ Trung Quốc, tôi không biết kiểu gì nên rất nghi ngờ có thể ảnh hưởng đến môi trường.

Nhiều dự án công nghệ của Trung Quốc rất kém nhưng do thành tích đầu tư của các tỉnh nên địa phương chấp nhận. Có thể sản xuất pin năng lượng mặt trời ảnh hưởng đến môi trường chưa trực tiếp, người dân chưa cảm nhận luôn được như sự cố Formosa Hà Tĩnh.

Về lâu dài có thể ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe. Tôi rất lo ngại chuyện đó”, TS Hiếu thẳng thắn.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/nha-may-trung-quoc-no-dtm-nhan-nhuong-vi-ai-3330834/