Nhà nghèo năng nhặt chặt bị chữ

SGTT.VN - Ai thi đỗ vào đại học chả vui. Vậy mà những tân sinh viên tôi gặp lại khác, họ ưu tư khi cầm giấy báo nhập học trong tay. Hai câu chuyện của hai học trò nghèo sau đây khiến chúng tôi day dứt mãi.

Võ Thành Vin, cậu trò nghèo đậu hai trường đại học. Ảnh: Phạm Anh Thế là em Võ Thành Vin, học sinh lớp 12 chuyên Anh trường chuyên Lê Khiết, quê ở xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi đã đỗ vào hai trường đại học: đại học Ngoại thương TP.HCM với số điểm 23,5 và đại học Quốc gia TP.HCM với số điểm 17,5. Lạ thay, hôm Vin đến báo với chúng tôi là em đậu đại học không phải với nụ cười mà với đôi mắt buồn tênh... Cách đây mấy năm, Vin tạm biệt cánh đồng lúa bát ngát và mùi hương cỏ dại ngai ngái ở quê nhà xã Đức Tân để lên TP Quảng Ngãi học trường chuyên Lê Khiết. Đó là kết quả của một lần Vin thi thử sức học của mình, nhưng cũng là bất đắc dĩ, bởi có ở lại nhà thì cũng chẳng còn ai. “Hồi đó, anh trai của em ra Đà Nẵng học, ba mẹ cũng phải theo ra để bán hủ tíu gõ kiếm tiền lo cho bọn em. Mặc dù mẹ em bị bệnh tim nặng, không dám đi chữa chạy nhưng cũng phải ráng sức phụ ba buôn bán”, Vin cho biết. Theo Vin, nếu không bán hủ tíu thì chắc chắn với mấy sào ruộng ở vùng quê nghèo khó này không thể nuôi hai anh em ăn học thành người. Thấy Vin học giỏi nhưng cực khổ, một người phụ nữ cho Vin ở nhờ, lo cả chỗ ăn. Nhưng Vin không muốn “ở không” như vậy, nên Vin giúp cô chủ nhà “nhắc nhở” con cô ấy học tập hàng ngày. Cô quản thủ thư viện ở trường THPT chuyên Lê Khiết luôn “đặc cách” cho Vin được mượn sách không giới hạn số quyển. Một cô giáo khác trong trường thì tháng nào cũng cho Vin tiền để trang trải thêm cho việc học. Cô bán cháo lươn tốt bụng ở ven đường biết được hoàn cảnh của Vin nên cho ăn sáng cháo lươn miễn phí. Để trả ơn cô bán cháo, tranh thủ những buổi sáng rảnh rỗi, cậu bé Vin phụ giúp bưng cháo cho khách. Vin cười bảo: “Ăn không trả tiền hoài em ngại lắm. Thôi thì ra giúp cho cô được gì thì giúp!” Sống trong tình thương, nhưng cậu học trò nghèo Võ Thành Vin vẫn thấy lòng buồn. Bởi vào những ngày cuối tuần, ai cũng về nhà ấm áp trong vòng tay của ba mẹ, thì Vin lủi thủi một mình. Có điều, Vin biết lắm sự cực khổ của ba mẹ, nên em giết thời gian bằng cách… học bài. Với hoàn cảnh của mình, cả trường đều biết, nên các thầy cô giáo thường bảo Vin đi học thêm không lấy tiền, nhưng cậu không muốn “lợi dụng lòng tốt của thầy cô”. Vin giải thích, phần vì thấy tự nghiên cứu, tự học cũng hiệu quả nên cứ tự mày mò. Vin có một mong ước là mong đến kỳ họp phụ huynh, có ba mẹ đến dự để “nghe thầy cô giáo tuyên dương đứa con trai út chăm ngoan – học giỏi”. Tuy nhiên, niềm mong ước nhỏ nhoi ấy chưa bao giờ thành hiện thực. Vin có một mong ước là mong đến kỳ họp phụ huynh, có ba mẹ đến dự để “nghe thầy cô giáo tuyên dương đứa con trai út chăm ngoan – học giỏi”. Tuy nhiên, niềm mong ước nhỏ nhoi ấy chưa bao giờ thành hiện thực. Vin là học sinh giỏi từ lớp một đến lớp 12; huy chương bạc môn tiếng Anh trong cuộc thi Olympic toàn miền Nam; học sinh giỏi cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp trường trong những năm học THPT… Trong kỳ thi đại học vừa qua, Vin lại đậu cả hai trường đại học. Trong suốt ba năm xa gia đình ra TP Quảng Ngãi học cấp 3, Vin có một mong ước là mong đến kỳ họp phụ huynh, có ba mẹ đến dự để “nghe thầy cô giáo tuyên dương đứa con trai út chăm ngoan – học giỏi, cho ba mẹ thấy rằng em không bao giờ phụ lòng khó nhọc của ba mẹ”. Tuy nhiên, niềm mong ước nhỏ nhoi ấy chưa bao giờ thành hiện thực. Nguyễn Thị Thanh Hảo, cô sinh viên mồ côi. Ảnh: Phạm Anh Ở tổ 1, xóm Chí Trung, xã Bình Trung, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi năm nào cũng có học sinh đậu vào đại học. Thế nhưng, câu chuyện vài năm nay của bà con hàng xóm hay bàn tán lại là chuyện của Nguyễn Thị Thanh Hảo, sinh năm 1990. Dù mồ côi cả cha lẫn mẹ, nhà rất nghèo nhưng Hảo vẫn thi đậu vào trường đại học Bách khoa TP.HCM. Mẹ Hảo tên là Nguyễn Thị Lựu vốn là thanh niên xung phong trong kháng chiến chống Mỹ. Sau ngày hòa bình lặp lai, tuổi quá thời con gái, nhưng khát khao làm vợ, làm mẹ vẫn cháy trong lòng, bà gá nghĩa với một người đàn ông. Sau thời gian sinh sống đã có với nhau hai mặt con, Hảo và một người anh. Nhưng rồi vào một ngày mùa đông năm 1993, nước lụt trắng đồng, khi đội áo mưa đi mua bán, bà Lựu bị tàu hỏa tông chết, bỏ lại hai đứa con mới lên ba lên bốn. Từ ngày bà Lựu mất, người đàn ông ấy cũng lẳng lặng ra đi, biền biệt 18 năm nay chưa một lần quay về thăm hai đứa con mình. Hảo và người anh được bà ngoại là Phạm Thị Lan, nay đã 80 tuổi, nuôi dưỡng. Ngày ngày bà Lan lam lũ với việc đồng áng. Cứ hai đứa cháu lớn lên một chút thì lưng bà oằn thấp xuống, tóc bạc thêm một chút. Thấy bà cực khổ, anh Hảo đã nghỉ học, ly hương đi làm thuê. Nhà nghèo, với Hảo chuyện nhịn đói đi học là thường, còn sách thì đọc ké bạn bè, đến quần áo cô cũng phải mặc nhờ đồ cũ của người khác cho. Không có tiền, Hảo không được đi học thêm như bạn bè, chỉ có môn hóa, giáo viên biết hoàn cảnh nên cho Hảo học mà không thu tiền. Buổi sáng đến trường, buổi chiều về Hảo giúp bà đi làm đồng, thời gian ôn bài chủ yếu là ban đêm. Vậy mà Hảo đã đậu vào khoa công nghệ cắt may, đại học Bách khoa TP.HCM với 22,5 điểm (toán: 8,25; lý: 5,75 và hóa: 8,5). Đến nay, Hảo đã vào năm thứ ba đại học, nhưng chưa có tết nào cô về quê, chưa có mùa hè nào ở với quê quá một tuần. Bữa ăn của Hảo trong hai năm qua chủ yếu vẫn là mì gói. Tranh thủ những lúc sau giờ học, Hảo dạy kèm tại nhà cho học sinh và đi làm thêm để có tiền trang trải việc học hành. Mới đây Hảo về thăm quê. Không như nhiều sinh viên khác được gia đình cho tiền để trở lại Sài Gòn ăn học, Hảo lên xe chỉ với tình thương và những lời động viên của bà và bà con xóm nghèo. Năm năm đại học, cô mới đi phân nửa chặng đường!

Nguồn SGTT: http://sgtt.vn/loi-song/128792/nha-ngheo-nang-nhat-chat-bi-chu.html