Nhà nghèo so bì vì tiền hỗ trợ quá chênh lệch

Tư tưởng so bì giữa các hộ nghèo ở địa phương nảy sinh do số tiền các doanh nghiệp hỗ trợ quá chênh lệch.

Sau 9 tháng triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo trong cả nước, đã có 36 doanh nghiệp thực hiện cam kết với số tiền trên 1.600 tỷ đồng. Báo cáo tại Hội nghị Đánh giá kết quả kết quả giúp đỡ các huyện nghèo của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước do Thường trực Chính phủ và UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp tổ chức, hôm qua, Bộ trưởng Bộ LĐTB và XH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: trong số 36 doanh nghiệp (DN) đã thực hiện cam kết, có 5 DN có mức hỗ trợ trên 100 tỷ đồng, 7 DN có mức hỗ trợ từ 50 đến 90 tỷ đồng, bốn DN cam kết mức 18 - 30 tỷ đồng và 8 DN cam kết mức từ 5 tỷ đồng trở xuống. Theo bà Ngân, sự chênh lệch về mức hỗ trợ của các DN làm phát sinh tâm lý so bì của các hộ nghèo giữa các địa phương, nhất là các huyện trong cùng một tỉnh, gây khó khăn trong việc thực hiện chính sách giảm nghèo. “Chẳng hạn như ở Bình Định, huyện Vĩnh Thạnh được Tổng công ty Du lịch Sài Gòn hỗ trợ 900 triệu đồng, trong khi huyện An Lão được Ngân hàng Đầu tư phát triển hỗ trợ 32 tỷ đồng”, bà Ngân dẫn chứng và cho biết thêm, trong số 55 huyện được hỗ trợ, có 10 huyện nhận được mức hỗ trợ thấp nhất với số tiền dưới 5 tỷ đồng và 6 huyện chưa nhận được bất kỳ DN nào hỗ trợ. Theo bà Ngân, với mức hỗ trợ không đồng đều như vậy, một số huyện sẽ rất khó khăn để hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm trong năm 2009 như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, vẫn còn không ít các DN chậm thực hiện cam kết như: Tổng công ty Vinaconex, Tổng công ty Viglacera, Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Habeco… Liên quan đến kết quả triển khai thực hiện giảm nghèo của các địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân cho hay, đến nay, các huyện đã hoàn thành và bàn giao cho các hộ nghèo sử dụng trên 14.800 căn nhà (đạt 19,2% kế hoạch năm 2009). Về chính sách hỗ trợ xuất khẩu lao động, sau 9 tháng, đã có khoảng 2.400 lao động ở các huyện nghèo đăng ký đi làm việc ở nước ngoài, trong đó có khoảng 1.800 người trúng sơ tuyển và 1.500 người đang được làm thủ tục xuất cảnh. Tính đến hết tháng 9, đã có 293 lao động xuất cảnh. Phát biểu tại Hội nghị, Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng đánh giá cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đóng góp của các DN trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ các huyện nghèo. Tuy nhiên, Phó thủ tướng cũng cho rằng, hiện phong trào “Mỗi DN xây một nhà cho hộ nghèo” đang lắng xuống. Vì vậy, chương trình này phải được đẩy mạnh hơn nữa để đến Tết nguyên đán sắp tới, có thể cơ bản hoàn thành mục tiêu hỗ trợ xong nhà ở cho người nghèo. Phó thủ tướng cũng đề nghị Ban chỉ đạo cần tổng kết, đánh giá, rà soát lại danh sách, không để huyện nào không được hỗ trợ. Mặt khác, phải cân bằng nguồn lực để tránh tình trạng mức hỗ trợ chênh lệch quá lớn giữa các huyện.

Nguồn Đất Việt: http://www.baodatviet.vn/Home/chinhtrixahoi/Nha-ngheo-so-bi-vi-tien-ho-tro-qua-chenh-lech/200910/63696.datviet