Nhà ngoại giao hàng đầu EU: Trung Đông bên bờ vực chiến tranh khu vực

Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao G7 tại Ý ngày 18/4, đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cảnh báo rằng, Trung Đông đang trên bờ vực của một cuộc chiến tranh khu vực và các nhà lãnh đạo châu Âu phải yêu cầu Israel kiềm chế trả đũa Iran.

“Chúng ta đang ở bên bờ vực của một cuộc chiến tranh khu vực ở Trung Đông. Điều này sẽ gây ra làn sóng chấn động đối với phần còn lại của thế giới, đặc biệt là đối với châu Âu”, ông Josep Borrell nói.

Cân nhắc tăng cường trừng phạt Iran

Tuyên bố của nhà ngoại giao hàng đầu EU được đưa ra một ngày sau khi Ngoại trưởng Anh David Cameron kêu gọi các nền kinh tế lớn nhất thế giới phối hợp các biện pháp trừng phạt chống lại Iran, thể hiện một “mặt trận thống nhất”. EU tuyên bố sẽ mở rộng các lệnh trừng phạt đối với Iran sau khi nước này không kích Israel đêm 13/4 rạng sáng 14/4 bằng tên lửa và máy bay không người lái.

Ngày 17/4, tại Hội nghị thượng đỉnh EU, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel tuyên bố: “Chúng tôi đã quyết định áp dụng các biện pháp trừng phạt chống lại Iran. Đó là một tín hiệu rõ ràng mà chúng tôi muốn gửi đi”. Mỹ cũng có kế hoạch áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Iran.

Lực lượng Israel bắn rocket từ hệ thống phòng thủ Vòm sắt. Ảnh: Getty

Trước thềm hội nghị ngoại trưởng G7 ở Ý, Ngoại trưởng Anh nói: “Chúng tôi muốn thấy các biện pháp trừng phạt phối hợp chống lại Iran”. Ông Cameron nói với báo giới: “Tôi nghĩ chúng ta có thể làm nhiều hơn nữa để chứng tỏ một mặt trận thống nhất rằng, Iran đứng đằng sau rất nhiều hoạt động ác ý ở khu vực này. Họ cần được G7 đưa ra một thông điệp rõ ràng, dứt khoát”.

Trong khi đó, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan tuyên bố: “Sau cuộc không kích chưa từng có của Iran nhằm vào Israel, Tổng thống Joe Biden đang phối hợp với các đồng minh và đối tác, bao gồm G7, và với các nhà lãnh đạo lưỡng đảng tại Quốc hội Mỹ để đưa ra phản ứng toàn diện.

Trong những ngày tới, Mỹ sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Iran, bao gồm chương trình tên lửa và máy bay không người lái cũng như các lệnh trừng phạt mới đối với các thực thể hỗ trợ Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) và Bộ Quốc phòng Iran”. Theo ông, các đồng minh và đối tác của Mỹ cũng sẽ sớm có nhiều biện pháp trừng phạt riêng dành cho Iran.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen hôm 16/4 cho biết, chính quyền Joe Biden sẽ sử dụng các biện pháp trừng phạt “để tiếp tục làm gián đoạn các hoạt động ác ý và gây bất ổn của chế độ Iran”.

Tại một cuộc họp báo, bà Yellen nhận định: “Từ cuộc tấn công cuối tuần qua đến các cuộc tấn công của Houthi ở Biển Đỏ, các hành động của Iran đe dọa sự ổn định của khu vực và có thể gây ra tác động dây chuyền về kinh tế”.

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết, ngoài các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Iran, chính quyền của Tổng thống Joe Biden sẽ “tiếp tục làm việc thông qua Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ để tăng cường và mở rộng hơn nữa việc tích hợp thành công các hệ thống cảnh báo sớm và phòng không, tên lửa trên khắp Trung Đông.

Bộ trưởng Israel muốn trả đũa dữ dội

Bộ trưởng Tài chính Israel Bezalel Smotrich ngày 17/4 nói rằng, Israel cần đáp trả cuộc tấn công của Iran bằng đòn trả đũa quy mô lớn hơn nhiều, gây ra tổn thất đáng kể, “làm rung chuyển Tehran”.

Theo ông Smotrich, trả đũa khốc liệt như vậy thì mới đủ sức răn đe Iran, ngăn chặn nước này thực hiện các cuộc tấn công mới. Ông cho rằng phản ứng của Israel trước cuộc không kích của Iran cuối tuần qua phải ở mức độ sẽ khiến Tehran “hối hận ngay khi họ nghĩ đến việc bắn phá (Israel)”.

Bộ trưởng Bezalel Smotrich nói với GLZ, Đài phát thanh quân đội Israel, rằng bản chất phản ứng của Israel sẽ “định hình vị thế của Israel ở Trung Đông”. Ông nói, sự đáp trả của Israel “sẽ làm rung chuyển Tehran, để mọi người ở đó nhận ra rằng họ không nên gây rối với chúng ta”.

Ông Smotrich, người đứng đầu đảng cực hữu Chủ nghĩa Phục quốc Do Thái, cũng nói rằng, Israel nên duy trì mối quan hệ chiến lược với Mỹ và các đối tác khác nhưng phải ngăn mình rơi vào tình trạng “bị ôm quá chặt, làm hạn chế sự vận động của chúng ta”. Khi căng thẳng trong khu vực gia tăng, nhiều nhà lãnh đạo thế giới đã kêu gọi Israel kiềm chế hành động đáp trả, cân nhắc về quy mô và phạm vi phản ứng.

Thái An (theo CNN, GLZ)

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nha-ngoai-giao-hang-dau-eu-trung-dong-ben-bo-vuc-chien-tranh-khu-vuc-post1630112.tpo