Nhà nổi, du thuyền nói gì về việc 'chây ì' bất chấp lệnh tháo dỡ?

Trong khi các cơ quan chức năng liên tục ra thông báo yêu cầu doanh nghiệp tháo dỡ công trình nhà nổi, du thuyền ở khu vực hồ Tây xong trước ngày 20/2 thì các doanh nghiệp tại đây vẫn còn rất hoang mang, lo lắng và mong có một khoản hỗ trợ thích đáng.

Sáng ngày 16/2, UBND phường Thụy Khuê (Tây Hồ, Hà Nội) đã có cuộc làm việc với các chủ du thuyền , nhà nổi ở khu vực bến thủy hồ Tây (từ số 2 đến số 10 đường Nguyễn Đình Thi) nhằm đề nghị các đơn vị thực hiện nghiêm túc việc dừng hoạt động kinh doanh , tự động tháo dỡ cầu dẫn, sàn cứng chuyển về khu vực Đầm Bẩy (Nhật Tân, Hà Nội) xong trước ngày 20/2.

Trao đổi với PV BizLIVE, bà Lê Thị Minh Phương - Giám đốc công ty dịch vụ hồ Tây cho biết:" Chính sách di dời nhà nổi, du thuyền để nạo vét, làm sạch môi trường nước Hồ Tây của TP. Hà Nội nhận được sự đồng thuận rất lớn từ các đơn vị kinh doanh. Tuy nhiên, các doanh nghiệp rất muốn nhận được sự đền bù từ cơ quan chức năng."

Bà Lê Thị Minh Phương - Giám đốc công ty dịch vụ hồ Tây

Lý giải về yêu cầu này, bà Phương cho biết:" Trên thực tế, cả 4 đơn vị du thuyền tại khu vực từ số 2 đến số 10 đường Nguyễn Đình Thi đều đăng ký kinh doanh và bắt đầu hoạt động từ năm 2001 đến 2004 ở địa chỉ 36 Thanh Niên, nhưng đến năm 2009 di dời ra khu vực đường Nguyễn Đình Thi theo yêu cầu của Thành phố nhưng chỉ được cấp giấy phép bến thủy nội địa một năm sau đó thì không biết vì sao mà không được cấp nữa".

"Từ đó đến nay, doanh nghiệp vẫn hoạt động và đóng phí mặt nước và được đo diện tích sử dụng mặt nước nộp về cho Ban quản lý hồ Tây. Do đó, các doanh nghiệp rơi vào tình trạng hoạt động không giấy phép", bà Phương cho biết.

Hiện tại, các doanh nghiệp cũng đồng thuận với quy định chấm dứt hoàn toàn hoạt động kinh doanh dịch vụ, văn hóa, thể thao du lịch, vui chơi giải trí, nuôi trồng khai thác thủy sản của các doanh nghiệp trong phạm vi quản lý hồ Tây của UBND TP. Hà Nội. Một số đơn vị như du thuyền Tây Long hay Potomac đã di dời sàn nổi lên khu vực Đầm Bẩy và cần cẩu vẫn đang tiếp tục tháo dỡ.

Tuy nhiên, với kinh phí đầu tư du thuyền nhà nổi rất lớn, từ 50 đến 100 tỷ đồng/du thuyền, các doanh nghiệp kinh doanh tại đây cho biết họ rất mong có được khoản hỗ trợ thích đáng từ các cấp chính quyền.

Cần cẩu được các doanh nghiệp thuê để di dời du thuyền

Còn theo ông Đỗ Việt Anh - Phó giám đốc công ty TNHH Nhuận Mai: "Sở dĩ các doanh nghiệp chưa thể lập tức di dời lên khu vực Đầm Bẩy là do các cơ quan chức năng yêu cầu di dời lên Đầm Bẩy nhưng chưa chỉ rõ vị trí, địa điểm cho các đơn vị. Ngoài ra, khi tàu Potomac di dời lên khu vực này lại không được phép đóng cọc để neo đậu. Do kích thước của thuyền khá lớn nên giải pháp buộc dây vào lan can đường là không đảm bảo an toàn".

"Các doanh nghiệp kinh doanh du thuyền tại đây đang có nguy cơ phá sản khi đến ngày 5/3 thì bắt buộc phải tháo dỡ. Đối với những phần tài sản cơi nới, nâng cấp trái phép chúng tôi sẽ chấp nhận tháo dỡ. Tuy nhiên, với những phần tài sản có đầy đủ giấy tờ thì mong cơ quan chức năng có giải pháp bồi thường, anh Việt Anh cho biết".

Theo quy định, du thuyền sẽ được sử dụng trong vòng 30 năm đến nay đã hết 15 năm, nhưng nếu bị di dời lên cạn và cưỡng chế tháo dỡ thì doanh nghiệp sẽ rất thiệt hại.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cho rằng việc di dời nhà nổi, du thuyền lên khu vực Đầm Bẩy sẽ khiến tài sản bị thay đổi và không giữ nguyên trạng được, gây khó khăn cho việc định giá.

Ngày 7/2/2017, UBND thành phố Hà Nội ra thông báo số 38/TB-UBND. Trong đó nêu rõ yêu cầu chấm dứt hoàn toàn hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, văn hóa, thể thao du lịch, vui chơi giải trí, nuôi trồng, khai thác thủy sản trong phạm vi quản lý hồ Tây; xác định vị trí tập kết và tổ chức di chuyển các tàu, thuyền, phương tiện nổi về một vị trí tập kết; xây dựng kế hoạch tháo dỡ, di dời triệt để các phương tiện này khỏi hồ Tây; tháo dỡ các cầu dẫn, sàn nổi trên hồ Tây (hoàn thành trong quý 1.2017).

Ngày 7/2, UBND phường Thụy Khuê đã gửi văn bản yêu cầu các đơn vị kinh doanh hoàn tất việc tự tháo dỡ trước 16h ngày 9/2. Sau thời điểm này, UBND phường sẽ tổ chức lực lượng cưỡng chế, tuy nhiên đến nay yêu cầu nêu trên của thành phố Hà Nội chưa được thực hiện triệt để.

Quận Tây Hồ hiện có 13 đơn vị kinh doanh, hoạt động tại khu vực hồ Tây. Phương tiện thủy hoạt động trên hồ Tây gồm nhiều chủng loại, kích thước đa dạng với: 8 tàu du lịch, một tàu thể thao; 13 xuồng máy (cano); 10 thuyền chèo tay; 115 vịt đạp nước; 3 bến đợi, 4 nhà nổi, 9 sàn nổi, phao nổi; 16 cầu dẫn, sàn cứng (không có thiết kế, đăng kiểm). Đa số tàu thuyền đã tự ý hoán cải, mở rộng kích thước để phục vụ kinh doanh.

Hạ An

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/doanh-nghiep/nha-noi-du-thuyen-noi-gi-ve-viec-chay-i-bat-chap-lenh-thao-do-2475377.html