Nhà quê cũng "sốt" xình xịch với vàng

Tưởng giá vàng chỉ gây "đảo điên" ở thành phố. Không ngờ nó bò cả về nông thôn xới tung mọi ngóc ngách làng quê.

Chuyện “vàng lên, vàng xuống”, thoạt đầu tôi nghĩ người nhà quê chẳng mấy quan tâm. Nhưng những ngày “cơn bão giá vàng” đang xoay vần tứ phía này, về làng tôi mới thấy thấy hóa ra không phải thế. Người làng tôi nắm sự lên xuống của giá vàng chẳng kém gì tôi. Không hiểu thói quen quy mọi thứ ra vàng thay vì quy ra thóc như trước đã thâm nhập vào người làng không biết từ bao giờ. Và xung quanh chuyện “quy” đó, không thiếu những chuyện bi hài. 5 hôm nữa là đến ngày cưới thằng con thứ hai của anh bạn tôi. Mọi thứ đã hòm cả rồi. Chỉ còn một thứ không biết xoay ở đâu, đó là…vàng. Chả là năm năm trước, khi cưới vợ cho thằng lớn, anh chị đã cho con dâu mới 7 chỉ vàng (cái dây chuyền 3 chỉ, đôi hoa tai 2 chỉ và cái nhẫn 2 chỉ). Hôm cưới, sau khi chú rể trao nhẫn cho cô dâu, tiết mục mẹ chồng lên tặng quà cho con dâu, quàng vào cổ con dâu sợi dây chuyền được cả làng khen ngợi, rồi sau đó được nhiều người làm theo. Vàng hồi ấy 510 ngàn một chỉ còn thóc hăm nhăm (2,5 triệu đồng/tấn). 7 chỉ vàng chưa hết tấn rưỡi thóc. Nay, thằng thứ hai cũng nhất định đòi bố mẹ phải cho vợ sắp cưới của nó 7 chỉ. Mà 7 chỉ vàng bây giờ thì to chuyện lắm. Năm 2004 vợ chồng anh Bài cho người bạn vay 2 triệu đồng. Do làm ăn khó khăn, đến nay bạn mới trả được. Cầm 2 triệu trên tay, vợ Bài lồng lộn xỉ vả chồng: "Hồi ấy tôi đã bảo cứ mua vàng rồi cho anh ấy vay vàng, bây giờ anh ấy trả bằng vàng, có phải khỏi thiệt không? Hai triệu bạc của tôi, lúc ấy gần bốn chỉ. Bây giờ, hai triệu chưa nổi tám phân (0,8 chỉ)". Anh Bài cứ im như hến. Trường hợp ông Tứ năm 2006 vay 3 chỉ vàng của đứa cháu mới chua xót. Vàng ngày ấy đã gọi là cao, nhưng cũng mới xấp xỉ 600 ngàn mỗi chỉ. Nay người cháu tìm đến "xin 3 chỉ vàng cho vay". Ông Tứ chơi bài "phủ đầu": "Hồi ấy, ba chỉ vàng của mày chưa đến triệu tám. Bây giờ, ba chỉ là bẩy triệu sáu trăm năm mươi ngàn, mà mày đòi tao thì có phải mày giết tao không?". Cháu cũng không vừa: "Chú cứ nói thế cho nó nặng lời. Cháu cho chú vay 3 chỉ, thì bây giờ cháu cũng xin lại chú 3 chỉ, chứ cháu có lấy lãi của chú đâu?". Không lãi mà ông Tứ mất không gần sáu triệu bạc, quá bằng lãi cắt cổ. "Đến địa chủ ngày xưa nó cũng chẳng lấy lãi cao như thế"- ông Tứ than vãn. Nhà quê, những ai hay tích trữ vàng? Những người buôn bán, có cửa hàng bách hóa, hàng ăn, của hàng bán TĂCN hay thuốc BVTV cho đến những anh đồ tể buôn lợn buôn bò…thường không tích vàng, vì đồng vốn của họ lưu chuyển không ngừng, dân nợ họ và họ cũng nợ người cung cấp hàng, mua hàng chuyến sau mới trả tiền chuyến trước, lãi được đồng nào họ thường đập luôn vào vốn. Phần đông nhất là những hộ chỉ có mấy sào ruộng và khi nông nhàn, đi làm thuê làm mướn, thì sống rất chật vật, nói gì đến chuyện có vàng mà tích trữ. Hay tích vàng nhất là những người cô quả, phụ nữ ế chồng mà có sức lao động. Nhưng họ không tích vàng để kinh doanh, vàng xuống mua vào vàng lên bán ra như người thành thị, mà là tích vàng để phòng thân. Do sợ đói khát, bệnh tật lúc về già, nên tích cóp được đồng nào họ thường nhịn ăn, mua vàng để đấy. Vàng trong tay họ là thứ vàng chết, không lưu chuyển. Chẳng nói đâu xa, ngay bên ngoại nhà tôi, cô em vợ ngoài 50, hai đứa cháu gái vợ trên dưới 40, đều không có chồng, là những người rất chịu khó tích trữ vàng. Đến nay, mỗi người có đến bốn, năm cây. Với nhà quê, đó là một cái vốn rất lớn rồi. Những người tích vàng cũng theo dõi rất sát giá vàng trên tivi. Mỗi lần giá vàng lên là một lần gương mặt họ rạng rỡ. Cũng xung quanh chuyện tích vàng này, mà đến nay người làng vẫn nhắc đến nỗi đau của bà Ba. Tích cóp gần như cả đời được hai mươi chỉ vàng, bà bỏ vào túi nilông, đổ 5 tạ thóc vào cót, để vàng vào đó, lại đổ lên 5 tạ nữa, cót thóc vừa đầy. Hai cây vàng nằm giữa một tấn thóc, cứ tưởng dấu thế là chắc lắm. Một hôm, do cần tiền, bà gọi anh hàng xáo vào bán đi 6 tạ. Anh hàng xáo cứ lăn xả vào xúc xúc, cân cân. Khi nó trả tiền, đi rồi, sực nhớ đến gói vàng cất trong cót, bà vội bới tung số thóc còn lại ra, gói vàng đã biến mất. Đến nhà anh hàng xáo hỏi, nó chối bay chối biến. Xót của, bà cứ thẫn thờ như người mất hồn đến mấy tháng…

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-vn/61/158/48/48/48/41658/default.aspx