Nhà sản xuất Josh Levy: Khai phá “đất màu” của điện ảnh Việt

Trong thời gian sống tại kinh đô điện ảnh Hollywood, Josh Levy (đến từ California, Mỹ) đã tham gia sản xuất trên 50 bộ phim ngắn, giành 20 giải thưởng phim ảnh. Thành tích này đủ để bắt đầu một sự nghiệp chuyên nghiệp tại Mỹ, nhưng Josh lại rời bỏ nơi tráng lệ ấy để đến Việt Nam, nơi anh nhìn thấy những cơ hội đầy hứa hẹn. Bộ phim đầu tiên anh tham gia sản xuất ở Việt Nam, với những người làm phim trẻ Việt Nam là dự án điện ảnh phi lợi nhuận mang tên “Bạn cùng phòng”.

Khởi đầu từ những cơ hội ở Việt Nam

Chào Josh Levy! Để bắt đầu câu chuyện, anh hãy chia sẻ những suy nghĩ, quan điểm của mình về phim ảnh?

Đơn giản là tôi rất muốn làm phim. Tôi nghĩ mọi nhà làm phim khi bắt đầu đều như vậy, nhưng phần lớn những dự án ban đầu thường là phim thương mại, phim quảng cáo. Tôi cũng vậy. Trong 7 năm làm việc ở Los Angeles nhưng tôi chưa thực sự làm bộ phim nào dù quảng cáo, tiếp thị hay thương mại cũng đều được người ta coi là phim. Khi làm phim, tôi muốn kể cho khán giả nghe những câu chuyện và qua đó làm được nhiều bộ phim điện ảnh ý nghĩa.

Lý do gì khiến anh rời kinh đô điện ảnh Hollywood để đến làm phim tại Việt Nam?

Sau quãng thời gian làm việc dài 16 tiếng mỗi ngày, 5-6 ngày mỗi tuần, tôi thấy mình cần nghỉ ngơi và đi du lịch. Tôi cùng một người bạn tới đây (Việt Nam - PV) thăm một người bạn Việt Nam học cùng tôi ở đại học và ở lại 6 tháng.

Trong thời gian này, tôi có làm một vài công việc tự do. Điều này như một cơ hội cho tôi nhìn thấy một khởi đầu mới. Ngành công nghiệp phim ở Đông Nam Á đã có sự tiến bộ, như phim ảnh ở Trung Quốc đã phát triển vượt bậc so với 5 năm về trước.

Tôi nghĩ: “Cơ hội của mình đây rồi” vì ở Mỹ, mở một công ty phim rất đắt đỏ, ngốn hàng triệu USD trong khi ở thị trường mới này, tôi có rất nhiều lựa chọn, nhiều cơ hội mà không lo sợ phải mắc nợ hay gặp một lo ngại nào khác.

“Bạn cùng phòng” có phải dự án phim đầu tiên anh có cơ hội làm việc cùng các nhà làm phim trẻ Việt Nam? Anh đánh giá họ như thế nào?

Tôi từng làm việc cùng nhiều người Việt tại trường quay nhưng không ai để lại ấn tượng gì đặc biệt. Đây là lần đầu tiên tôi làm việc với một đạo diễn người Việt Nam khi tới đất nước của các bạn. Nói chung, có sự khác biệt lớn giữa nhiều kiểu người với nhau và tôi nghĩ không có tiêu chuẩn nào để đánh giá họ.

Tôi nghĩ Việt (đạo diễn phim ngắn “Bạn cùng phòng” - PV) là trường hợp nổi bật nhất trong số những nhà làm phim Việt trẻ tôi từng tiếp xúc. Việt không những chăm chỉ, đầu tư thời gian cho niềm đam mê của mình mà còn hiểu rõ cách làm phim cũng như có kinh nghiệm vì từng làm việc ở những dự án lớn hơn.

Là người nước ngoài tham gia vào một dự án phim phi lợi nhuận của Việt Nam, sự khác biệt văn hóa có tạo ra khó khăn nào cho anh? Nó đã ảnh hưởng như thế nào?

Khác biệt văn hóa có ở mọi lĩnh vực chứ không riêng gì phim ảnh. Tôi không chắc lắm nhưng có một số khác biệt nhỏ về văn hóa. Ở Mỹ, mỗi người đảm nhiệm một trọng trách, công việc cụ thể và có sự phân chia tầng bậc, chức vụ. Làm việc ở trường quay cũng như làm việc ở văn phòng, có ông chủ, nhân viên, người quản lý với những mức quyền khác nhau và họ dành cho nhau sự tôn trọng nhất định.

Còn tại Việt Nam, tôi có cảm tưởng một trong những nguyên nhân khiến điện ảnh Việt Nam chưa phát triển lắm là cảm giác cả đội ngũ sản xuất giống như một “nhóm anh em”, người thân trong gia đình. Điều này vừa có lợi vừa có hại. Lợi ở chỗ sẽ tạo được môi trường làm việc thoải mái, vui vẻ giữa các thành viên trong đoàn làm phim. Nhưng điều đó cũng gây ra những khó khăn vì đôi khi bạn cần một người lãnh đạo để quan sát mọi thứ, đưa ra định hướng và đảm bảo mọi việc tiến triển đúng như kế hoạch. Vì thế tôi cho rằng ở một mặt nào đó, “tình anh em” không nên được bộc lộ nhiều trong quá trình làm phim.

Sự khác biệt về văn hóa khi làm phim ở Việt Nam không phải vấn đề lớn. Ở Mỹ tôi còn gặp nhiều sự khác biệt hơn vì Mỹ là quốc gia đa chủng tộc. Những người làm việc trên trường quay đến từ rất nhiều quốc gia. Mỗi người có một tín ngưỡng, quan điểm, nền tảng khác nhau do đó chúng tôi phải bàn bạc rất nhiều. Thậm chí vào cuối buổi chúng tôi còn phải thảo luận xem nên ăn gì.

Nhưng ở Việt Nam thì khác. Nhiều người trong đoàn làm phim có cùng niềm tin vì vậy không khó để đưa ra một quyết định chung.

Josh là đồng sáng lập công ty “ever rolling films”

Anh có kế hoạch gắn bó lâu dài với Việt Nam hoặc làm một bộ phim có cốt truyện xuất phát từ đời sống của người Việt không?

Chắc bạn chưa biết, tôi đã mở công ty làm phim ở Việt Nam - “ever rolling films. Đương nhiên khi làm điều này, tôi đã nghĩ đến việc ở lại miễn là nền công nghiệp điện ảnh vẫn tiếp tục phát triển và luôn tạo ra những cơ hội mới. Tôi hy vọng vào điều này ở tương lai lâu dài.

Sức hút của “Bạn cùng phòng”

Nói về “Bạn cùng phòng”, bộ phim đầu tiên anh phối hợp sản xuất với những nhà làm phim trẻ ở Việt Nam thì những yếu tố nào của bộ phim được anh đánh giá cao?

Điều khiến tôi quan tâm tới dự án phim này là sự tập trung vào chi tiết, giai đoạn tiền kỳ trong quá trình sản xuất, đội ngũ mỹ thuật hùng hậu và tạo ra được một thế giới riêng cho phim. Là một bộ phim ngắn việc “tạo một thế giới khác biệt cho phim” thường không được quan tâm nhưng Việt đã làm được điều này.

Việt cẩn thận ở từng chi tiết nhỏ, không chỉ về mặt hình ảnh... mà còn tính toán sự tác động, ảnh hưởng của những chi tiết đó tới mạch phim. Bộ phim cũng ẩn chứa nhiều thông điệp mà càng xem sẽ càng “lộ” rõ hơn.

Tôi đánh giá cao ở sự cẩn thận trong khâu tiền kỳ, cách chăm chút, sắp đặt để tạo ra hẳn một thế giới mới trong phim mà không thể gặp ở đâu.

Trong phần thông tin giới thiệu dự án phim viết rằng “Bạn cùng phòng” nói về sự cô đơn của những người trẻ trong xã hội hiện đại. Anh đã trải qua cảm giác cô đơn đó chưa? Anh đã vượt qua nó bằng cách nào?

Tôi là một anh chàng da trắng ở Việt Nam và vì thế, tôi cảm nhận được sự cô đơn mỗi ngày! (Cười).

Đoàn làm phim “Bạn cùng phòng”

Ngoài sự cô đơn thì “Bạn cùng phòng” còn đề cập đến cộng đồng LGBT. Là người nước ngoài có thể anh sẽ có cái nhìn cởi mở hơn về khía cạnh này. Nhưng với người Việt Nam nói riêng và người Á đông nói chung nhìn chung còn dè dặt. Vậy anh đánh giá thế nào về sự xuất hiện của yếu tố LGBT, nó sẽ làm phim thêm phần thu hút vì mới lạ, đề cập tới chủ đề “hot” hay sẽ tạo ra làn sóng tranh cãi về phim?

Nếu có những ý kiến trái chiều về phim thì nó cũng mang lại tác động tích cực vì tạo được chủ đề tranh luận giữa nhiều người. Dù điểm bất lợi là sẽ khó xin được tài trợ từ nhiều nơi.

Trong phim ảnh và ngoài đời thực ở Việt Nam, người ta thường né tránh sự xuất hiện của LGBT. Tôi hy vọng nhờ đó bộ phim được chú ý hơn, giúp mang đến cái nhìn cởi mở hơn về cộng đồng LGBT ở Đông Nam Á và Việt Nam, từ đó thúc đẩy vấn đề bình đẳng giới.

Ngay cả trong dàn diễn viên cũng có người thuộc cộng đồng LGBT. Điều này vô tình cũng rất hợp với nội dung phim, hòa với các chi tiết cùng chủ đề trong phim. Đó là một khách sạn có thể đáp ứng mọi nhu cầu cho mỗi người, như tìm giúp bạn một người bạn cùng phòng thích hợp và mang tới một cái nhìn cởi mở hơn về sự rung động “mập mờ” không phân định rõ được là tình bạn hay tình yêu.

Tôi cũng cho rằng phim đã chạm vào khía cạnh nhân văn và tạo sự được sự kết nối giữa mọi người với nhau, tìm ra sợi dây liên kết mà ta đã đánh mất, không phân biệt giới tính hay nguồn gốc xuất thân.

Josh trên trường quay

Ở cương vị một nhà sản xuất, cụ thể anh sẽ làm những công việc gì để góp phần hoàn thiện quá trình làm phim?

Thi thoảng tại trường quay tôi vẫn nghe người ta hay hỏi rằng: “Nhà sản xuất phim sẽ làm gì ở đây?” Thực ra một nhà sản xuất phim không có một công việc “chuyên môn hóa” mà kiêm nhiệm nhiều công việc, như một bậc phụ huynh vậy. Nhà sản xuất luôn phải di chuyển xung quanh, quan sát cả trường quay và nghĩ xem những cảnh quay kế tiếp nên được thực hiện thế nào, với khung nền ra sao... Nhà sản xuất cũng phải đảm bảo rằng mọi người đang làm đúng việc của mình để mọi thứ diễn ra theo đúng kế hoạch, thời gian biểu. Họ cũng phải để tâm đến sự hài lòng của các nhà đầu tư, kiểm soát tài chính tốt, thậm chí đảm bảo cả sự vui thích, hài lòng của khán giả khi xem phim.

Từ khi học đại học, anh đã giành được nhiều giải thưởng làm phim dành cho sinh viên. Dựa vào những trải nghiệm, kinh nghiệm có được, anh cho rằng có những khó khăn nào mà người làm phim trẻ thường gặp phải?

Những nhà làm phim trẻ ở Việt Nam cũng như nhiều nước khác trên thế giới thường gặp rất nhiều khó khăn khi bắt đầu dự án phim đầu đời. Tôi nghĩ những khó khăn mỗi người gặp phải sẽ không giống nhau.

Ở Mỹ, có một lộ trình rõ ràng để thực hiện và làm theo khi anh muốn tham gia vào ngành phim ảnh. Tất cả mọi người phải bắt đầu từ con số 0, làm những việc căn bản nhất và đi lên dần dần chứ không ngay lập tức “nhảy” lên vị trí đạo diễn như một số trường hợp ở Việt Nam, trừ trường hợp tự bỏ tiền túi ra làm phim. Có những người được lên làm đạo diễn chỉ sau 2 năm, nhưng ở Mỹ đó là việc không thể.

Ví dụ một nhà sản xuất như tôi cũng không thể trở thành nhà sản xuất cấp cao ở tuổi 31 được. Vì bạn phải học tập rất dài kỳ, không liên quan đến việc bạn là ai, đã làm được những gì. Người bạn cùng đến Việt Nam du lịch với tôi cũng bắt đầu đi làm từ lúc vừa tốt nghiệp, bây giờ mới lên được chức Quản lý sản xuất. Nghĩa là cần 6 năm với 2 lần thăng chức. Người bạn này có những khi phải làm việc 6-7 ngày mỗi tuần.

Điều khó khăn cho các nhà làm phim trẻ ở Mỹ là không thể phát triển nhanh kiểu “nhảy cóc” được, mà họ phải học từ dưới lên trên một cách bài bản. Ví dụ để trở thành một đạo diễn giỏi, về mặt cơ bản họ phải học tất cả những thứ liên quan đến máy ảnh, máy quay... để có thể truyền tải sinh động, chân thực nhất những thông điệp tới khán giả. Quá trình này cần tới 5 năm.

Còn ở Việt Nam, có rất nhiều người làm phim một cách “bản năng”, họ chưa từng được đào tạo, không tới trường học và thiếu cơ bản. Tôi nghĩ họ biết cách làm một bộ phim (về mặt hình ảnh, kỹ thuật...) nhưng chưa có nhiều người tạo được một cốt truyện sâu sắc thông qua hình ảnh hoặc những tầng ý nghĩa, thông điệp ẩn trong hình ảnh đó. Vì thế sẽ rất vất vả, khó khăn cho người nào làm phim chỉ bằng đam mê chứ không được đào tạo bài bản, còn thiếu nhiều kinh nghiệm, điều vốn được tích lũy dần trong quá trình học tập, cọ xát trong các khóa học khắt khe như ở Mỹ.

Nhưng hiện tại, những người như Việt sẽ rất nổi bật khi ngành công nghiệp điện ảnh ở Việt Nam phát triển. Tôi tin rằng các nhà đầu tư sẽ hiểu và dễ bỏ tiền ra cho những người như Việt có thể làm phim.

Tiềm năng thị trường phim Việt Nam

Josh cho rằng có nhiều cơ hội phát triển ở thị trường phim Việt Nam.

Anh đánh giá thế nào về tiền năng phát triển phim ngắn ở Việt Nam?

Đánh giá sự phát triển của phim ngắn khá khó vì đây là thể loại dành cho những nhà làm phim thực thụ chứ không phải cho số đông, và cũng hạn chế người xem vì không công chiếu rộng rãi. Tuy nhiên, phim ngắn là con đường để nhà làm phim thể hiện cái tôi, phong cách cá nhân mà không phải lo lắng về việc thương mại hóa sản phẩm. Tôi nghĩ, do ngày càng có nhiều nhà đầu tư nhắm tới thị trường phim Việt Nam nên những nhà làm phim ngắn chất lượng sẽ có bước đệm, được tạo đà để tiến lên làm phim điện ảnh.

Với một nước đang phát triển như Việt Nam, các nhà làm phim trẻ đang có những hạn chế và thuận lợi nào khác?

Về mặt hạn chế, như tôi đã nói, những nhà làm phim trẻ ở Việt Nam chưa có sự đào tạo bài bản, thiếu kinh nghiệm nên đôi khi không biết cách truyền tải thông điệp của mình tới khán giả thế nào. Thêm vào đó, người làm phim không tạo dựng một cộng đồng, diễn đàn để gặp gỡ, trao đổi và giúp đỡ nhau.

Có một điều trái ngược với Mỹ là rất ít nhà làm phim ở Việt Nam muốn chia sẻ ý tưởng của mình cho người khác vì sợ bị ăn cắp ý tưởng. Đây cũng là nguyên nhân không phát triển, tập trung được cộng đồng làm phim. Trong khi đó ở Mỹ, các nhà làm phim chia sẻ ý tưởng với nhau rất nhiều. Họ hiểu rằng hợp tác để cùng phát triển.

Mặt hạn chế nữa của ngành điện ảnh Việt Nam là tiêu chuẩn chất lượng mà các nhà làm phim đặt ra còn thấp. Phân công công việc còn chồng chéo và có nhiều vị trí trên trường quay còn khuyết thiếu, nguyên nhân vì ngành điện ảnh chưa phát triển cao. Lấy ví dụ ở Mỹ, trong trường quay còn có người chuyên quản lý về cây cối (sắp xếp vị trí từng chi tiết như lọ hoa, chậu cây nên đặt ở đâu, cách chăm sóc từng loại cây khác nhau ...) hoặc thiết kế âm thanh...

Nói về những thuận lợi, ngành công nghiệp phim ở Đông Nam Á cũng như Trung Quốc đang phát triển mạnh, có thể kéo theo sự phát triển tốt hơn ở những nước lân cận. Hội nhập kinh tế thế giới tạo điều kiện, cơ hội cho nhiều nhà làm phim và những thành viên trong đoàn làm phim được tiếp xúc với thế giới, mở rộng vốn hiểu biết, tự hỏi học, trao đổi lẫn nhau...

Tôi hy vọng trong những năm tới, ngành công nghiệp phim của Việt Nam sẽ mở cửa nhiều hơn và có nhiều dự án phim lớn như Kong (Kong: Skull Island - PV) đến đây, tạo ra nhiều cơ hội cho các dự án phim lớn của thế giới tới Việt Nam.

Anh có đề cập đến dự định sẽ thiết lập những tiêu chuẩn mới cho ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam. Chúng là gì vậy?

Muốn làm phim, những người tham gia vào sản xuất phim phải có trách nhiệm, hiểu rõ quy trình làm việc. Tôi muốn giúp mỗi người ở một vị trí cụ thể hình thành được phản xạ về công việc, tự biết mình cần làm gì và như thế nào chứ không phải làm như một cái máy, làm xong thì báo cáo với ai... để công việc được thông suốt và vận hành nhịp nhàng.

Thêm vào đó là mong muốn làm cho cộng đồng những người làm phim phát triển, quy tụ hơn. Nhờ có sự giao lưu và chia sẻ trong cộng đồng, tôi hy vọng mỗi người không chỉ làm tốt công việc ở vị trí của mình mà còn có thể kiêm nhiệm hoặc biết nhiều hơn về những vị trí việc khác ở trường quay.

Anh có lời khuyên nào dành cho các nhà làm phim trẻ ở Việt Nam?

Bí kíp đơn giản thôi, nhưng cần sự nỗ lực và kiên trì dài của mỗi người. Đó là học tập chăm chỉ, có trách nhiệm, theo học một chương trình bài bản và quan trọng không kém là phải đầu tư thời gian.

Cảm ơn anh Josh Levy vì những chia sẻ vừa rồi!

Minh Phương

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/van-hoa-nghe-thuat/nha-san-xuat-josh-levy-khai-pha-%e2%80%9cdat-mau%e2%80%9d-cua-dien-anh-viet