Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu: Không có cảm xúc làm sao có những câu thơ rung động…

Sáng tác ở nhiều thể loại, nhưng Nguyễn Đức Mậu thành công hơn cả ở mảng thơ với nhiều giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, Bộ Quốc phòng. Nghỉ hưu ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội, ông vẫn tiếp tục sáng tác và còn tham gia biên tập thơ ở Báo Văn nghệ và Tạp chí Thơ của Hội Nhà văn. Những câu thơ giản dị mà hàm xúc, trữ tình của ông vẫn lắng đọng trong lòng nhiều người yêu thơ… “Tác phẩm đầu tay” có cuộc trò chuyện cùng ông, hy vọng mang đến bạn đọc những câu chuyện thú vị về thuở ban đầu sáng tác của ông:

PV: Những câu thơ chân thật, thấm đẫm tình người của ông đã tạo nên một phẩm chất thơ riêng của Nguyễn Đức Mậu. Tác phẩm đầu tay của ông có lẽ cũng là những câu thơ?

Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu: Tập “Thơ người ra trận” (in chung với nhà thơ Vương Trọng) là tác phẩm đầu tay của tôi do NXB Quân đội nhân dân in năm 1972. Hồi đó, tôi đang chiến đấu ở chiến trường Lào, mới tập viết, mới có một số bài thơ in báo, nên gửi thơ về NXB chỉ là gửi hú họa chứ chắc gì đã được in sách. Vậy mà chừng sáu tháng sau, vào một buổi chiều ở cánh rừng Lào, đồng chí quân bưu đưa cho tôi một gói bưu phẩm nhỏ. Liếc qua mấy dòng ở ngoài, tôi sung sướng đến ngộp thở, vội vàng bóc lớp phong bì bằng giấy xi măng và nhận ra mấy cuốn “Thơ người ra trận”. Trời ơi, thế là thơ tôi đã được in thành sách!

PV: Ông đã đón nhận đứa con tinh thần đầu đời với tâm trạng thế nào?

Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu: Mọi chuyện xảy ra đột ngột quá, cứ như một giấc mơ vậy. Rõ ràng là thơ mình mà ngắm nhìn từng dòng chữ hiện ra thật lung linh, hư ảo. Rõ ràng là thơ mình mà đọc lên tự nhiên thấy ngân nga, xao động. Tôi giở tập thơ ra, vừa đọc cho bè bạn trong đơn vị nghe, đọc đến thuộc lòng mà vẫn thấy sướng tai, sướng mắt. Tôi ngắm nhìn cái bìa in tên mình và tên tập thơ, thử đoán xem họa sĩ trình bày vẽ gì. Tôi xoay dọc xoay ngang và đoán mãi không ra. Một số bạn bè anh em trong đơn vị khen thơ tôi in đẹp nhưng bảo màu xanh ở bìa sách thì loang lổ lấm tấm như đám bèo hoa dâu dạt vào góc ruộng. Những lời khen, lời chê đều làm tôi thích thú. Và cái tin tôi được in tập thơ đã lan rộng ra cả sư đoàn, mặt trận. Sau này, cứ mỗi lần đi xuống đơn vị, anh em chiến sĩ thường yêu cầu tôi đọc những bài thơ mới viết.

Tập “Thơ người ra trận” được in 17.000 cuốn. Ở Trung đoàn Thành Đồng biên giới, Trung đoàn trưởng Nguyễn Chuông cũng là người thích thơ văn. Biết tôi làm thơ, ông rất trân trọng. Thi thoảng những lúc đơn vị thắng lớn, tâm trạng vui vẻ, ông thường gọi tôi đến để nói chuyện thơ văn. Ông đọc rất kỹ tập thơ tôi viết, nói thẳng những bài, những câu ông thấy hay hoặc dở và động viên tôi cố gắng viết, tự vượt lên mình. Hiếm thấy giai đoạn nào, người làm thơ lại có được số lượng độc giả tuyệt vời đến thế. Được người đọc cổ vũ, cảm thông, người làm thơ được tiếp thêm sức mạnh, chất men say trong sáng tác. Phải chăng đó là cái may mắn lớn của lớp nhà thơ chống Mỹ thời bấy giờ?

PV: Với ông, tác phẩm đầu tay có ý nghĩa như thế nào ạ?

Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu: Trong chặng đầu làm thơ, tập “Thơ người ra trận” như một cái mốc quan trọng, thúc đẩy tôi cầm bút viết tiếp. Nó như một mạch nước đầu nguồn, khơi dậy những dòng chảy còn ngủ quên, những tiềm ẩn phôi thai trong lòng đất. Nó là đốm lửa, là hành trang nhỏ nhoi giúp tôi đi tới những chặng đường cam go, vất vả sau này.

PV: Đón tác phẩm đầu tay ra đời giữa chiến trường, hẳn ông có nhiều ký ức khó quên. Ông có thể chia sẻ với bạn đọc?

Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu: Tập “Thơ người ra trận” đã trở thành kỷ niệm khó quên với riêng tôi. Nhận được sách chừng mấy tháng sau, tôi mới có dịp từ chiến trường ra Hà Nội. Tới NXB Quân đội, hỏi thăm mãi tôi mới biết người biên tập cuốn sách đó là nhà thơ Minh Giang. Tiếp xúc với nhà thơ Minh Giang, tôi cảm động đến lúng túng, vụng về. Tôi còn nhớ ông mặc bộ comple màu xám, đầu đội mũ bê rê, khuôn mặt đường bệ nhưng phúc hậu, miệng ngậm chiếc tẩu thuốc, đôi mắt ánh lên trong cặp kính trắng lấp lánh.

Tôi bối rối đặt chiếc ba lô lép xẹp xuống góc phòng khách NXB và ngồi co mình trong bộ xa lông, nói năng ấp úng. Mãi đến lần gặp thứ hai, tôi mới có vẻ tự nhiên khi nhà thơ Minh Giang vỗ vai thân mật bảo tôi đọc cho ông nghe những bài thơ mới viết. Tôi đọc say mê và ông chăm chú lắng nghe, chiếc tẩu thuốc lặng yên tỏa ra những vòng khói nhẹ.

Cho đến bây giờ, tôi cũng không hiểu rằng, trong lần gặp gỡ đáng nhớ ấy, tôi đã nói với ông đôi lời cảm ơn chân tình hay chưa. Có thể tôi chưa nói nhưng cho đến nay, tôi vẫn nhớ đến ông - người biên tập viên đầu tiên, bà đỡ đầu tiên tập thơ tôi viết. Tôi giống người qua sông nhớ về người chèo đò, người khách bộ hành nhớ về một bóng cây che nắng. Nhớ và mang ơn là một lẽ thường tình…

PV: Sau hơn 40 năm cầm bút, giờ đây nhìn lại, ông thấy rằng, điều gì quan trọng nhất để làm nên thành công trong sáng tác?

Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu: Đến giờ, tôi vẫn nhớ về thuở ban đầu cầm bút của mình. Tôi tự hỏi, điều gì đã cho tôi có được ít nhiều thành công trong sáng tác. Sau nhiều năm nhìn lại, tôi mới hiểu ra chỉ có niềm say mê mới giúp người viết bền bỉ đi qua những chặng đường văn nghiệp.

Sự khởi đầu sáng tác của tôi là niềm say mê. Hồi đó, tôi còn rất trẻ, sáng tác đầu tay của tôi còn non nớt, vụng về. Tôi hăm hở viết, hăm hở đi, hăm hở đọc, hăm hở gửi bài và theo dõi về số phận những bài thơ mình viết. Rất nhiều bài thơ tôi gửi bị mất hút trong vô vọng, không có báo nào in. Mãi sau, mới có một vài bài thơ được đăng ở tờ báo địa phương. Nói sao hết nỗi xúc động của tôi khi được nhìn ngắm dung mạo bài thơ tự mình viết ra được in trên mặt báo.

Nó như một chất men say lan ngấm vào cơ thể, tạo cho tôi niềm hưng phấn mới. Sau này đọc lại những bài thơ đó, tôi không khỏi buồn cười vì sự ngây thơ nông nổi của mình. Nhưng, nếu không có những bài thơ thuở trước, không có niềm say mê qua nhiều chặng đường sáng tác chắc gì tôi đã trở thành tôi như bây giờ. Ôi, lạ lùng thay niềm say mê ban đầu.

Và sự liều lĩnh, say mê đã giúp tôi vượt qua được những thử thách cam go mà không bị đứt gánh dọc đường. Nói như nhà văn Nguyễn Khải: Tuổi trẻ thật tuyệt vời, nếu anh thất bại, anh còn có nhiều dịp để làm lại, và vì thế sự thất bại đối với tuổi trẻ cũng nhẹ nhàng chứ không tạo nên những cú sốc nặng nề, ê ẩm.

Say mê viết bao giờ cũng gắn liền với say mê đi, say mê đọc. Nếu không đi, không đọc, trong lòng trống rỗng, nguội lạnh thì không có được chất men say trong sáng tác. Đi để khám phá cuộc sống muôn màu, muôn vẻ, đọc để khám phá, để hiểu thêm một thế giới khác, một kho tàng văn hóa nghìn xưa và hôm nay của nhân loại. Những chuyến đi bồi đắp cho người viết vốn liếng thực tế và từ đó nảy sinh ra ý tưởng, cảm xúc. Chính cuộc sống bề bộn trong những chuyến đi đã ngấm vào máu thịt, bồi đắp cho người viết rất nhiều. Chính cuộc sống đã nuôi dưỡng người viết giống như mảnh đất nuôi dưỡng mầm cây. Hoặc nói cách khác, cuộc sống như một vườn hoa mà người viết là con ong thợ. Nếu cánh ong không bay tới những miền hoa thì làm sao làm nên bọng mật.

PV: Với người làm thơ, yếu tố quan trọng còn là cảm xúc, đúng không ông?

Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu: Không có nỗi buồn vui, sự trải nghiệm trong cuộc đời làm sao có được thế giới nội tâm - điểm cốt lõi không thể thiếu được trong mỗi người viết. Không có cảm xúc làm sao có được những câu thơ giàu tâm trạng, rung động. Tôi không tin một người sống nhạt nhẽo hời hợt lại viết được những câu thơ nồng nhiệt, sâu sắc. Tôi không tin cái thứ thơ đánh lừa người đọc bằng những câu chữ hỏa mù, hoặc kêu vang như một cái thùng rỗng. Đối với người làm thơ, viết văn thì đi cũng là học và đọc cũng là học. Học ở cuộc đời và học trong trang sách. Cuộc đời thật mênh mông và trang sách mở ra vô tận, vô cùng.

Trong cuộc đời người viết, lúc thất bại, lúc thành công là chuyện thường. Đến một lúc nào đấy, người làm thơ suy nghĩ việc đời, lẽ đời thấu đáo hơn, nhưng cảm xúc dạt dào như hồi trẻ lại vơi cạn. Một người thợ lâu năm, tay nghề ắt được nâng cao, nhưng một nhà thơ thì lại khác. Khi lòng say mê, cảm xúc đã nguội lạnh, câu chữ được viết ra cũng trở nên xơ xác, khô cằn. Những tiểu xảo khôn ngoan, những mẹo vặt nghề nghiệp không phải là cái phao cứu vớt cho thơ.

Nhiều khi tôi tự nhắc mình, phải giữ được niềm say mê bền bỉ. Không có niềm say mê, người viết thường thỏa mãn với vinh quang quá khứ, lười nhác với công việc hiện tại, hoặc đi vào lối mòn quen thuộc của chính mình. Không có niềm say mê, tài năng cũng bị tàn lụi dần, tâm hồn sẽ tẻ nhạt, cái nhìn sẽ hạn hẹp, cuộc sống sẽ không còn lấp lánh, hấp dẫn nữa, và nhà thơ làm sao có thể tạo được những giây phút siêu thoát, phát sáng.

PV: Cảm ơn ông đã trò chuyện!

Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu nguyên là Trưởng ban Thơ Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Phó Chủ tịch Hội đồng Thơ (Hội Nhà văn Việt Nam ). Ông đã được nhận nhiều giải thưởng về VHNT: Giải thưởng Nhà nước năm 2001, Giải thưởng Văn học ASEAN năm 2001, Giải nhất Báo Văn Nghệ năm 1972-1973, 4 giải Bộ Quốc phòng, 2 giải Hội Nhà văn Việt Nam vv…

Ông có nhiều tác phẩm cả văn và thơ được xuất bản: Thơ người ra trận, Cây xanh đất lửa, Áo trận, Mưa trong rừng cháy, Bão và sau bão, Trường ca sư đoàn, Ở phía rừng Lào, Tướng và lính, Chí Phèo mất tích vv…

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/vanhoa/2014/10/246294.cand