Nhà trọ, điểm đến của nhiều loại tội phạm

Nhà trọ cho sinh viên và người lao động luôn là tâm điểm để bọn tội phạm rình rập, trộm cướp, hiếp dâm, bài bạc, buôn bán tàng trữ ma túy trái phép và nghiêm trọng hơn là những vụ việc mâu thuẫn dẫn đến xô xát, giết người.

Trên địa bàn thành phố Hà Nội, bên cạnh việc sinh viên, người có thu nhập thấp bị các chủ nhà trọ "làm tiền" bằng cách đẩy giá các loại dịch vụ như: điện thoại, nước, điện, ... lên cao thì việc an ninh nơi ở của họ luôn là điều lo lắng bởi vấn đề này còn bị bỏ ngỏ. An ninh nhà trọ “nóng” lên mỗi ngày Thời gian gần đây, tại các các khu nhà trọ dành cho sinh viên và người có thu nhập thấp, liên tiếp xảy ra các vụ ẩu đả, làm mất an ninh trật tự. Theo thống kê của Công an xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội, từ đầu năm 2009 đến nay, xã xử lý 12 vụ hình sự, bắt 5 kẻ; chuyển hồ sơ vụ việc của 7 trường hợp lên công an huyện Thanh Trì giải quyết theo thẩm quyền. Trong số này có một vụ tàng trữ chất ma túy trái phép, một vụ trộm tài sản. Điều đáng nói là tất cả các vụ trên đều do những kẻ ở nơi khác đến tạm trú, gây ra. Điển hình như vụ tàng trữ 50,99 gram ma túy do Vũ Văn Hùng, 36 tuổi, ở 87, tổ 27, phường Phương Liên và Nguyễn Ánh Tuyết, 34 tuổi, ở 300, tổ 35, phường Phương Liệt, thực hiện. Cả hai đến xã Thanh Liệt, thuê nhà trọ để hoạt động mua bán ma túy. Theo ông Đặng Đình Thực, trưởng công an xã Thanh Liệt, hiện nơi này có khoảng 2.000 người đến lưu trú, phần đông là sinh viên các ĐH Mở Hà Nội, CĐ Kinh tế công nghiệp Hà Nội, ĐH Thăng Long,... nên việc quản lý an ninh trật tự gặp nhiều khó khăn. “Các vụ mất trật tự an ninh xã hội đều là người ở nơi khác đến tạm trú gây ra", ông Thực cho biết. Tại xã Minh Khai, huyện Từ Liêm, Hà Nội, lực lượng công an xã xử lý nhiều vụ làm mất an ninh trật tự tại các khu nhà trọ dành cho sinh viên trong đó chủ yếu là các vụ trộm cướp, ẩu đả. Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, trưởng công an xã Minh Khai, trên địa bàn xã mỗi tháng xảy ra một vụ trộm, cướp xe máy ở các khu nhà trọ. Thủ phạm không chỉ là những kẻ ở nơi khác đến gây án mà thậm chí sống ngay tại các khu nhà trọ, lợi dụng khách đến chơi hoặc chủ nhà sơ ý là trộm cắp. Ngày 5/10, anh Nguyễn Thanh Tùng, 20 tuổi, sinh viên Đại học Mỏ địa chất, ở Thanh Trì, Hà Nội, đến nhà trọ của bạn ở xã Minh Khai, chơi, trong lúc mải nói chuyện, bị kẻ gian dắt mất xe máy. Cũng theo ông Tuấn, tình hình an ninh trật tự tại các khu nhà trọ dành cho sinh viên rất phức tạp bởi sinh viên từ các nơi đến tạm trú ngày càng nhiều trong khi nhiều chủ nhà trọ không đăng ký tạm trú cho người đến thuê nhà nên việc quản lý nhân khẩu vì thế gặp nhiều khó khăn, nhất là khi có xảy ra va chạm giữa những người cùng thuê trọ mà thời gian gần đây nổi lên nhiều nhất là giữa các sinh viên với nhau. Điển hình như vụ va chạm trong việc sử dụng dây Internet giữa hai sinh viên tại khu nhà trọ ở xóm Cả, xã Minh Khai, làm một người thiệt mạng. Hôm đó là ngày 1/10, do tranh chấp cổng kết nối Internet, Nguyễn Tuân, 27 tuổi, quê ở huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ, sinh viên ĐH Giao thông vận tải, dùng dao đâm chết anh Trần Văn Tư, 22 tuổi, quê ở tỉnh Thái Bình, sinh viên khoa Công nghệ Thông tin ĐH Công nghiệp Hà Nội. Tình trạng nhà cho thuê khép kín, chủ nhà trọ mỗi tháng chỉ đến một hai lần trong tháng để thu tiền nhà, phó mặc mọi chuyện cho người thuê sử dụng, dẫn tới việc nhiều kẻ lợi dụng nơi này vào mục đích đen tối, như sự việc xảy ra ngày 3/10, lợi dụng khu nhà trọ vắng vẻ, Nguyễn Văn Tuấn, 22 tuổi, ở Lệ Thủy, Quảng Bình, tạm trú nhà số 2 ngách 218/28 đường Lĩnh Nam, phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, đưa cô bạn đồng hương tới nhà, dùng vũ lực, thực hiện hành vi đồi bại. Theo trình báo của nạn nhân là chị Ngô Thị H., 18 tuổi, ở Lệ Thủy, Quảng Bình, sau khi đỗ ĐH, do không biết đường đến trường nên cô đã nhờ Tuấn đưa đi, không ngờ bị anh ta đưa về nhà trọ, hãm hại. “Tự bảo vệ là chính...” Bà Oanh, một chủ nhà trọ tại Xóm Bơ, xã Thanh Liệt, cho biết, gia đình bà có hai khu nhà trọ cho thuê, nhưng đều tách biệt với nhà chủ. Một tuần một lần, bà hoặc chồng bà mới đảo qua nhà trọ kiểm tra, chủ yếu là xem "tài sản" của mình có bị người thuê phá hoại hay không chứ không thể kiểm soát được tình hình ở đó nên nhà trọ có an toàn hay không đều do những người thuê nhà tự quyết định. Thu Nga, sinh viên ĐH Mở, trú tại Xóm Bơ cho biết cô ở đây hơn một năm. Khu nhà trọ của Nga khá đông vui với 12 phòng, mỗi phòng có hai, ba người ở nhưng thỉnh thoảng đồ dùng vẫn "không cánh mà bay”. Đa số là những vật dụng hàng ngày như: Chậu giặt, quần áo mới mua,.... "Xót lắm nhưng chuyện cũng không to tát gì nên bọn tôi không báo với ai, kể cả chủ nhà", Nga tâm sự. Tại các khu nhà trọ cho sinh viên, cơ sở hạ tầng thường không đảm bảo, cửa sổ cửa ra vào thường không chắc chắn, rất dễ cạy phá; an ninh thì lỏng lẻo nên thường bị vào điểm “ngắm” của những tên trộm cắp vặt, nghiện hút thiếu tiền. Cũng theo ông Tuấn, trưởng công an xã Minh Khai, so với mấy năm trước, tình hình an ninh trật tự tại các khu nhà trọ ngày càng "nóng" hơn, hầu như tuần nào tại những khu nhà này cũng xảy ra những vụ trộm, cướp điện thoại, mất trộm xe máy. Việc truy tìm thủ phạm không đơn giản vì không phải ai đến thuê trọ cũng được chủ nhà khai báo tạm trú. Để tăng cường công tác quản lý, đảm bảo an ninh trật tự nơi xóm trọ, theo ông Tuấn, cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới từng hộ gia đình có nhà cho thuê để họ thực hiện đúng quy định về việc khai báo tạm vắng, tạm trú đồng thời chỉ đạo công an viên, trưởng thôn, tổ dân phố kịp thời hỗ trợ để việc quản lý nhân khẩu trên địa bàn đạt kết quả tốt. Ông Tuấn cho rằng, ngoài ra các trường học phải thường xuyên phối hợp với công an địa phương trong việc quản lý học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, do lực lượng công an xã mỏng, phải kiêm nhiệm nhiều việc, cái chính để đảm bảo an ninh trật tự khu trọ vẫn là người thuê trọ. Họ không chỉ tự bảo vệ tài sản của mình mà nên trực tiếp ra gặp tổ dân phố để được hỗ trợ khi có vướng mắc xảy ra và trình báo khi phát hiện dấu hiệu không bình thường của người lạ mặt.

Nguồn Đất Việt: http://www.baodatviet.vn/Home/phapluat/Nha-tro-diem-den-cua-nhieu-loai-toi-pham/200910/64162.datviet