Nhà văn – liệt sĩ Lê Vĩnh Hòa: Trong ký ức người ở lại

Giữa những ngày đồng bào cả nước bày tỏ nỗi tiếc thương với những chiến sĩ phi công gặp nạn khi đang làm nhiệm vụ, chúng tôi được gặp một người vợ liệt sĩ thời đất nước còn khói lửa chiến tranh. Bà Lê Thị Hạnh năm nay 83 tuổi, vẫn khỏe mạnh và minh mẫn, nhưng khi nhắc đến ông, nhà văn Lê Vĩnh Hòa (tức liệt sĩ Đoàn Thế Hối), bà nghẹn ngào không nói lên lời. Để thấy mất mát bao giờ cũng đau xót, gần 50 năm đã trôi qua, ký ức của người ở lại vẫn chưa một giây phút phai mờ.

Nhà văn - liệt sĩ Lê Vĩnh Hòa.

Giữa những cơn xúc động run rẩy, bà Lê Thị Hạnh kể được một chút ít về chồng. Đó là một người “nhát gái”, vốn rất ít nói, khi tổ chức mai mối cho chàng thanh niên Lê Vĩnh Hòa gặp cô gái xinh đẹp Lê Thị Hạnh, mỗi lần gặp nhau ông chỉ im lặng, hầu như không nói gì. Bà lại ấm ức gặp lãnh đạo tỉnh ủy Sóc Trăng lúc ấy giận dỗi nói sẽ không lấy con người khô khan ấy. Nhưng rồi, bà kể, nhiệt tình cách mạng ở ông đã khiến bà cảm động, rồi họ nên duyên chồng vợ.

Câu nói được bà nhắc đi nhắc lại trong buổi ra mắt cuốn Tuyển tập Lê Vĩnh Hòa do NXB Công an nhân dân tổ chức khiến người ta cảm động về một thế hệ những người Việt Nam luôn coi việc cống hiến cho cách mạng là lẽ sống: “Tôi hãnh diện vì có được người chồng hi sinh vì dân vì nước”.

Nhà văn Lê Vĩnh Hòa tên thật là Đoàn Thế Hối, sinh ngày 6/10/1932 tại Bình Định. Cha ông là một nhà nho yêu nước, tham gia chống Pháp bị truy lùng phải mang gia quyến vào sống tại ấp Ngọc Trúc, xã Vĩnh Hòa, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang.Tình yêu với quê hương thứ hai này đã khiến ông chọn bút danh là Lê Vĩnh Hòa. Năm 1947, mới 15 tuổi Lê Vĩnh Hòa đã bắt đầu tham gia cách mạng, làm công tác thiếu nhi tỉnh Rạch Giá. Sau đó được Tỉnh ủy Rạch Giá cho đi học trường Trung học kháng chiến Nguyễn Văn Tố ở Nam Bộ.Năm 1950, sau khi trường Nguyễn Văn Tố giải thể, ông về công tác tại văn phòng Bộ Tư lệnh Phân liên khu miền Tây. Đến năm 1951, Lê Vĩnh Hòa được điều về công tác tại Mặt trận Liên Việt tỉnh Sóc Trăng. Tại đây Lê Vĩnh Hòa bắt đầu viết văn, làm thơ ca ngợi sản xuất nuôi quân, ca ngợi bộ đội, ca ngợi du kích và tham gia các đoàn công tác thuế nông nghiệp.

Sau đình chiến năm 1954, trong khi nhiều nhà văn cùng thời tập kết ra Bắc thì Lê Vĩnh Hòa ở lại miền Nam, vừa hoạt động bí mật vừa sáng tác văn chương. Ông làm công tác Thanh vận Thị xã Sóc Trăng, đi sâu vận động giới học sinh, công nhân nghèo. Ngày 3/2/1957, Đảng bộ Sóc Trăng tiến hành lễ kết nạp Đảng cho Lê Vĩnh Hòa - một nhà văn, một cán bộ tận tụy của phong trào cách mạng, người giới thiệu là Phó bí thư Thị ủy Sóc Trăng, Trần Phong Sắc. Đó cũng chính là thời gian ông được lãnh đạo thị ủy Sóc Trăng giới thiệu để kết hôn với bà Lê Thị Hạnh. Cuộc hôn nhân chưa được bao lâu thì ông bị địch bắt, tháng 10/1958. Sau 5 năm bị giam trong các nhà tù khét tiếng nhất, năm 1963, ông ra khỏi nhà tù, sức khỏe suy sụp nhưng nhanh chóng liên lạc với tổ chức và hoạt động trở lại.

Ông được bố trí ra vùng giải phóng, làm công tác binh vận ở Cần Thơ. Từ tháng 10/1965, ông công tác ở Tiểu ban văn nghệ thuộc Ban tuyên huấn Khu Tây Nam Bộ. Đó là những năm tháng liên tục sáng tác, cho đến ngày ông ngã xuống. Ngày 7/1/1967, ông anh dũng hi sinh trong một trận đánh lớn tại Xẻo Giá, bên dòng kênh Thanh Thủy, tỉnh Hậu Giang…

35 năm tuổi đời, trong cuộc đời ngắn ngủi ấy, nhà văn – liệt sĩ Lê Vĩnh Hòa kịp để lại một sự nghiệp văn chương đáng tự hào. Trong Tuyển tập Lê Vĩnh Hòa được NXB Công an nhân dân phát hành lần này, sáng tác của ông được chia làm 2 thời kỳ chính: Từ 1956 đến khi bị bắt, tháng 10/1958, ông viết và xuất bản công khai trong lòng chế độ miền Nam; Từ 1964 đến 1966, ông viết trong vùng giải phóng Tây Nam Bộ.
Theo đánh giá của những người cùng thời, Lê Vĩnh Hòa thành danh từ rất sớm. Chưa đầy 30 tuổi ông đã khẳng định tài năng văn chương, báo chí khi ông viết cho các tờ báo công khai dưới chế độ Sài Gòn thời đó trong thời kỳ hoạt động bí mật như: Công nhân, Bông lúa, Phụ nữ diễn đàn, Tiến thủ, Nhân loại… Sau khi ra tù, thoát ly ra vùng giải phóng, ông đã có những năm tháng sáng tác hăng say nhất khi cuộc kháng chiến của quân dân miền Nam bước vào thời kỳ gian khổ, đau thương, mất mát nhất.

Ông đã theo bộ đội du kích đánh giặc, vào các vùng giặc bình định để viết về phong trào chống Mỹ của nông dân. Văn chương, các tác phẩm báo chí của ông ngồn ngộn sức sống của phong trào miền Nam đánh Mỹ cứu nước.Ông xông xáo xuống tận trận địa để viết những gì nhân dân làm trong điều kiện khó khăn, chết chóc rình rập.

Đã từng có nhận xét về tác phẩm của nhà văn Lê Vĩnh Hòa: “Đọc tác phẩm báo chí, văn chương của Lê Vĩnh Hòa, ta cảm thấy như được tiếp cận một biên niên sử của cuộc chiến đấu đẫm chất anh hùng ca của quân dân Bạc Liêu và Nam bộ. Sự nghiệp văn chương, báo chí của Lê Vĩnh Hòa gắn chặt chẽ, tới cùng của kháng chiến chống thực dân đế quốc”.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tên ông đã được đặt cho một con đường và một trường học tại Sóc Trăng, trường THCS Lê Vĩnh Hòa. Tác phẩm của ông đã được tập hợp in thành tập (tác phẩm Người tỵ nạn và tuyển tập Lê Vĩnh Hòa…). Nhà văn Lê Vĩnh Hòa đã được truy tặng giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật.

Bà Lê Thị Hạnh, người vợ 50 năm qua nhất mực thờ chồng bảo rằng phẩm cách và tài năng của ông là niềm tự hào và chỗ dựa tinh thần của bà trong quãng thời gian đằng đẵng bà không có ông. Bà không bao giờ quên ánh mắt ông nhìn bà trong những ngày ông bị địch giam cầm, mỗi lần bà đến thăm ông, qua song sắt nhà tù, ông bà chỉ nhìn nhau không nói. Lúc ông hi sinh, bà còn rất trẻ, nhưng nhất định ở vậy để được yêu ông suốt đời.

Bà Lê Thị Hạnh (thứ hai từ phải sang) trong buổi ra mắt tuyển tập.

Trong buổi ra mắt Tuyển tập Lê Vĩnh Hòa của NXB Công an nhân dân, bà Nguyễn Minh Phương, em họ của bà Lê Thị Hạnh, nhớ về “anh Hai, chị Hai tôi” mà cha bà Phương - ông Hai Khuynh, tức nhà báo Nguyễn Huy Khánh, nguyên Phó Tổng biên tập báo Giải phóng (sau này sát nhập với báo Cứu Quốc thành báo Đại Đoàn kết) - từng là Bí thư tỉnh ủy Sóc Trăng thời ấy chính là người vun vén cho bà Lê Thị Hạnh kết hôn với nhà văn Lê Vĩnh Hòa. Sau này, khi miền Nam đã giải phóng, trong số nhiều bài viết có tính lý luận, phê bình về mảng văn học trong thành thị miền Nam thời bị địch tạm chiếm, những tác giả, tác phẩm yêu nước và cách mạng ở miền Nam trước năm 1975, nhà báo Nguyễn Huy Khánh đã dành nhiều bài viết về nhà văn Lê Vĩnh Hòa.

Xuất bản Tuyển tập Lê Vĩnh Hòa là một việc làm có ý nghĩa của NXB Công an nhân dân, nhưng sẽ đầy đủ hơn nếu đến lúc nào đó có thể xuất bản tuyển tập những bài viết, đánh giá về cuộc đời và tác phẩm Lê Vĩnh Hòa. Để bạn đọc ngày nay có thể hình dung đầy đủ hơn về một nhà văn – liệt sĩ có những đóng góp quan trọng trong cả văn chương và cuộc đời. Nhất là khi bà Lê Thị Hạnh còn đủ sức khỏe để cung cấp tư liệu và ký ức về cuộc đời nhà văn Lê Vĩnh Hòa.

Cẩm Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/nha-van-liet-si-le-vinh-hoa-trong-ky-uc-nguoi-o-lai/109432