Nhà văn Nguyễn Ngọc Thạch: 'Đừng đưa cái nghèo khổ ra làm lá chắn'

Quanh vụ việc một sinh viên trường Luật sử dụng giáo trình photo bị phát hiện và bị đình chỉ học, nhà văn Nguyễn Ngọc Thạch nêu quan điểm về 'tôn trọng bản quyền và chất xám'.

Những ngày qua, dư luận xôn xao trước sự việc một sinh viên ĐH Luật TP HCM bị đình chỉ học vì mang tài liệu photo vào trường. Lý do được đưa ra là do sinh viên này đã "vi phạm quyền sở hữu trí tuệ", dù trước đó đã được nhà trường phổ biến nội quy.

Khi sự việc đang gây nên tranh luận thì nhà văn Nguyễn Ngọc Thạch nêu quan điểm: "Làm ơn ngưng đem cái nghèo, cái khổ ra làm lá chắn" thu hút sự chú ý.

Theo Nguyễn Ngọc Thạch, đã là quy định của nhà trường thì khi làm sai thì phải chịu trách nhiệm cho việc đã làm. "Em không có quyền nói là em không đọc nội quy, em không biết, em lỡ, vì nhà em nghèo... Tất cả những câu nói đó chỉ càng thể hiện em kém bản lĩnh và hời hợt với việc đọc kỹ quy định ở nơi mà em học tập", nhà văn chia sẻ.

Theo nhà văn thì việc chấp nhận lỗi và có hành động tích cực sau đó chính là cách để sinh viên giữ cho mình một điều "vô cùng quan trọng": danh dự.

Nói về việc nhiều người viện cớ nghèo, không có tiền để mua sách, Nguyễn Ngọc Thạch đưa ra lập luận để phản bác: "Tôi nói, sách năm chục đến hai trăm một cuốn, so ra bằng một đến hai cái vé coi phim của các anh chị. Các anh chị có dám nhịn coi phim 1 tháng để mua một cuốn sách không? Các anh chị có dám nhịn mua một bộ đồ mặc trong Tết để tiền mua sách học không? Các anh chị có dám nhịn một tuần hai buổi ăn sáng để tới tháng có tiền mua thêm sách không?".

Các anh chị nói gia đình nghèo, tôi cười khinh các anh chị. Vì nếu nói được câu đó mà các anh chị vẫn cứ ngồi đó chờ tiền gia đình gởi lên để mua sách học, không biết đi làm thêm, không biết xin đi phục vụ nhà hàng, quán ăn, bán cửa hàng tiện lợi để giúp gia đình, thì các anh chị không chỉ nghèo mà còn hèn, vô cảm, lười và đổ thừa hoàn cảnh. Ngữ ấy không thành công được về sau đâu. Đừng học, phí thời gian".

Nhà văn Nguyễn Ngọc Thạch.

Từ câu chuyện của sinh viên này, Nguyễn Ngọc Thạch đưa người đọc có cái nhìn về việc bản quyền và quyền sở hữu trí tuệ. Anh kể câu chuyện từng phải cầm một cuốn tài liệu photo trên tay vì giáo trình này trong nước không có. "Tôi thấy mình nhục và hèn kinh khủng. Từ đó, tôi thề với lòng rằng phải làm lụng ra sao để có thể hiên ngang đặt một cuốn sách gốc từ nước ngoài về, và tôi học được việc quý trọng, tôn trọng chất xám của người viết sách từ đó", nhà văn viết.

Nguyễn Ngọc Thạch kết quan điểm bằng chia sẻ: "Thấy mình sai, thì bây giờ sửa. Đừng buồn vì cơ bản chúng ta ai cũng đã từng sai".

Nguyên văn chia sẻ của nhà văn Nguyễn Ngọc Thạch

Chia sẻ của Nguyễn Ngọc Thạch thu hút hơn 10 nghìn lượt like và hàng trăm chia sẻ. Nhiều ý kiến được đưa ra để tranh luận cho vấn đề mà nhà văn đề cập đến. Nhiều người đồng tình với anh về việc đã đến lúc cần mạnh mẽ nói thẳng về chuyện bản quyền, chất xám và quyền sở hữu trí tuệ.

"Việc tôn trọng chất xám, quyền tác giả của người viết sách là điều hiển nhiên. Ở nước ngoài vấn đề này được làm một cách triệt để nhưng ở Việt Nam vẫn chưa có một cơ chế nào thỏa đáng. Hãy đặt mình ở vị trí là người tạo nên cuốn sách đó. Nếu là bạn, bị ăn cắp chất xám một cách 'ngang nhiên' như thế thì bạn có để yên", bạn Huỳnh Hoàng chia sẻ.

Bạn K.H bình luận: "Có thể trường khác giáo trình không phải do giáo viên biên soạn (hoặc giáo trình chỉ là slide powerpoint) nhưng ở ĐH Luật thì giáo trình là sách do chính các thầy cô viết, lưu hành nội bộ nên mua bản gốc cũng là tôn trọng thầy cô. Trường khác thì khác, trường Luật là vậy nên quy định này giàu nghèo gì cũng phải theo. Đó là khác biệt giữa trường dùng tài liệu lưu hành nội bộ và trường không dùng...".

Một số bạn đưa ra gợi ý cho câu chuyện trên: "Nếu bạn không có tiền mua sách gốc vì giá cả đắt đỏ hay lý do nào đó thì có thể lên thư viện đọc hoặc mượn lại từ bạn bè thay vì sao chép, in ấn và phát tán sách có bản quyền như thế".

Về hình thức kỷ luật đối với sinh viên trường Luật trong vụ việc, nhiều người cho rằng nhà trường cần xét trên nhiều khía cạnh để có cách giải quyết vừa hợp tình, hợp lý và nhân văn.

Trường ĐH Luật TP HCM. Ảnh: VnExpress.

Trước đó, ông Phan Văn Tuyến, Trưởng phòng Công tác sinh viên Đại học Luật TP HCM cho biết, hội đồng kỷ luật vừa ra quyết định đình chỉ một năm học với nữ sinh năm 2 ngành Luật Dân sự. Sự việc khởi xướng khi bảo vệ phát hiện sinh viên này mang 8 giáo trình khác nhau, mỗi loại một bản vào trường. Làm việc với thanh tra, cô cho biết đã dùng các tài liệu này để học, giờ muốn cho sinh viên khóa dưới cùng quê. Dù người này từ chối vì quy định của trường, song cô vẫn khuyên "cứ dùng đi đừng sợ".

Nhà trường cho biết đã phổ biến quy định này một cách rộng rãi trên sổ tay sinh viên, trên website, các buổi sinh hoạt công dân... về quy định của pháp luật và nội quy của trường đối với quyền sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, trường cũng có những chính sách giảm giá cho sinh viên về hoàn cảnh khi mua tài liệu, giáo trình học tập tại trường.

Sau khi xem xét lại mức kỷ luật, trường ĐH Luật quyết định giảm mức kỷ luật từ đình chỉ học một năm xuống còn cảnh cáo đối với nữ sinh viên.

Nguyễn Ngọc Thạch (sinh năm 1987) là nhà văn trẻ được nhiều bạn trẻ biết đến qua những truyện ngắn trên mạng. Anh từng cho ra mắt một số tựa sách gây chú ý như Đời callboy, Khóc giữa Sài Gòn...

Nguồn iOne: http://ione.vnexpress.net/tin-tuc/nhip-song/nguyen-ngoc-thach-dung-dua-cai-ngheo-kho-ra-lam-la-chan-3542332.html