Nhà văn nói về bóng đá bằng tâm huyết của mình

Hãy đặt bóng đá Việt Nam vào đúng vị trí của nó. Đó là một nền bóng đá còn chậm phát triển, truyền thống rất mỏng, phải đi lên trong hoàn cảnh có rất nhiều khó khăn nhưng không thể không đi lên. Chỉ có như thế, chúng ta mới bình tĩnh hơn, thông minh hơn và nhất là đoàn kết hơn để bắt đầu.

Tưởng như mấy trận thua bóng đá sẽ chẳng là gì giữa bao nhiêu việc lớn đang diễn ra dồn dập mấy ngày qua. Tưởng chiếc huy chương vàng bóng đá cũng chỉ là 1 trong 96 chiếc huy chương (nghĩa là chỉ hơn 1% một chút) ta giành được trong một SEA Games bội thu huy chương này (riêng huy chương vàng đã vượt chỉ tiêu 16 chiếc, chưa kể số huy chương bạc và đồng). Tưởng như khuôn mặt làm ra phớt đời để che giấu đi nỗi cay đắng của huấn luyện viên trưởng Franko Goetz và những bước chân lủi thủi, bẽ bàng của đội tuyển U.23 Việt Nam khi phải chọn lối ra khỏi sân bay bằng cửa ngách có thể làm dịu đi phần nào nỗi buồn của những người hâm mộ. Nhưng không, hình như chiếc HCV bóng đá mới đích thực là nỗi chờ đợi của hàng triệu người, trước cả ngày khai mạc SEA Games. Hình như một chiếc HCV ấy có thể đánh đổi rất nhiều thứ ta đã giành được. Chiếc HCV ấy tuột khỏi tay là SEA Games thất bại. Đội tuyển bóng đá U.23 đã làm hỏng một kỳ SEA Games của Việt Nam , làm thất vọng cả một thế hệ người hâm mộ. Và như vậy thì việc Việt Nam phải dừng lại trước trận bán kết bóng đá, thậm chí đến chiếc HCĐ vớt vát danh dự cũng không được là một thảm họa, là nỗi nhục ê chề không thể lấy số huân chương, sự thông cảm rộng lượng hay sự hối lỗi làm nguôi ngoai.

Nhưng cũng khác với một số lần, dư luận báo chí sau thất bại này không quá cay cú, không đổ lỗi cho người này hoặc người khác. Tin ngắn bài dài thì cũng tâm phục khẩu phục: chúng ta thua là phải, họ thắng là xứng đáng. Một đội bóng không có đường nét gì, người bé nhỏ, sức thua kém lại có dấu hiệu mất đoàn kết, kể cả dấu hiệu cá độ (nhất là trong trận gặp Lào) thì thua là không lạ.

Một HLV trưởng tuy có bản lý lịch khá hầm hố đấy nhưng gần như chưa hiểu gì bóng đá Việt Nam, thời gian nhận việc mới 3 tháng và sở hữu một đội quân như thế thì thắng mới đáng ngạc nhiên. Cuối cùng, mọi câu hỏi đều tập trung vào vấn đề then chốt nhất, chính yêu nhất đó là: Bóng đá Việt Nam đang ở đâu và ta phải làm gì với nó? Vậy thì bài báo này cũng chỉ bàn về điều đó.

Bóng đá Việt Nam đang ở đâu? Xin lỗi các vị, các vị có giận thì tôi cũng nói: Bóng đá Việt Nam đang thuộc loại trung bình khá trong một vùng phát triển kém về bóng đá trên thế giới. Bảng xếp loại của FIFA, chúng ta thường đứng khoảng thứ 130 trong số gần 200 hội viên của họ là hoàn toàn chính xác và ít nhất là 20 năm nữa, nước ta mới may ra đứng số 100 trở lên trong danh sách này. Không chỉ thế, chúng ta đang tụt dần từ vị trí trung bình khá trong khu vực để xuống hạng trung bình và còn có thể tụt nữa, nếu vẫn trong tình trạng họ thì lên còn ta thì đứng im, thậm chí là lùi xuống so với chính mình.

Có tình trạng đó là do đâu? Theo thói quen bấy nay là nhìn cả mặt thuận lợi lẫn khó khăn, thách thức. Về thuận lợi, trước hết chúng ta có tiềm lực về con người. Dân đông, đông cả người đá lẫn người xem. Người Việt Nam yêu bóng đá cuồng nhiệt. Hơn một môn thể thao, tình yêu bóng đá của người Việt Nam là biểu hiện rực rỡ của tinh thần dân tộc, lòng yêu nước. Trừ khi đất nước có giặc ngoại xâm, người người cuồn cuộn ra trận không tiếc máu xương, của cải, khó có trường hợp nào trong thời bình người ta lại tập hợp đông đến thế, tự nguyện đến thế như với một trận bóng đá. Chỉ với một giải bóng đá khu vực thôi, khi đội Việt Nam thắng là hàng triệu người đổ ra đường, căng cờ, căng biểu ngữ, đánh trống, hò hét khản giọng "Việt Nam chiến thắng". Không khí cuồng nhiệt và vô cùng trong sáng ấy không dễ có được bằng mệnh lệnh kể cả bằng tiền. Tinh thần ấy truyền đến các thế hệ cầu thủ và cổ động viên, và đó là tài sản quí nhất của chúng ta.

Nhưng bên cạnh thuận lợi ấy (cũng vẫn là một cách nói quen thuộc), chúng ta có rất nhiều khó khăn. Khó khăn đầu tiên nằm chính ở thuận lợi, nói bóng bẩy, nó là phía bên kia của thuận lợi, giống như mặt trái của tấm huy chương. Đó là một đất nước đông người chưa hẳn đã có nhiều người đá bóng giỏi (rất nhiều đất nước đông người hơn cả ta nhưng đá bóng không giỏi và ngược lại). Một đất nước rất nhiều người hâm mộ cuồng nhiệt với bóng đá nhưng chưa hẳn đã hiểu bóng đá. Tiếp đó là rất nhiều bất lợi khác: chúng ta mới có bóng đá chưa được một thế kỷ, chúng ta không có tiền làm bóng đá, không có người làm bóng đá và chua chát nhất nhưng phải ngậm ngùi thừa nhận là, thể lực cũng như ngoại hình của người Việt Nam không thích hợp với các môn thể thao cơ bắp nói chung, trong đó có bóng đá.

Khó khăn là thế và toàn là những khó khăn chết người cả, nhưng ta vẫn phải tiếp tục làm bóng đá, không còn cách nào khác. Vậy thì làm bóng đá ra sao đây? Xin đừng hào hứng quá nhiều về các huy chương. Gần trăm HCV của ta dù sao cũng là HCV của một kỳ đại hội thể thao khu vực, không kém cỏi quá nhưng cũng không phải là các cường quốc thể thao, thành tích của các HCV còn kém rất xa kỷ lục của châu lục, nhất là kỷ lục thế giới. Một khía cạnh khác cũng đành phải nói ra, đó là trong hàng trăm huy chương ấy, có rất nhiều huy chương không thuộc các môn thể thao thế giới biết đến. Bóng đá cũng vậy. Hãy lấy nền bóng đá của các nước nhỏ, gần như đá trận nào thua trận ấy ở châu Âu (như xứ Uên chẳng hạn), một nước nghèo và ít dân, ở châu Mỹ La tin (như Ni ca ra goa, Ha i ti chẳng hạn) hoặc ở châu Phi (như Cốt đi voa chẳng hạn) làm đích để phấn đấu trong vài chục năm tới mong được bằng họ. Ta thấy cần làm gì?

Trước hết, cần thoát khỏi sức ép quá lớn của người hâm mộ, đòi có ngay một nền bóng đá nhất khu vực, có tiếng nói ở châu lục thậm chí là xuất hiện ngay trên bản đồ bóng đá thế giới. Chỉ có thoát được sức ép ấy, những người làm bóng đá mới tránh được sự nôn nóng đã trở thành căn bệnh mạn tính lâu nay. Căn bệnh nôn nóng, đối phó với sức ép đang có ở tất cả các khâu, từ tổ chức VFF và việc VFF tổ chức các giải, đầu tư tiền bạc, cách làm ra tiền bạc, đào tạo chuyên môn, thuê HLV, chống các tiêu cực trong bóng đá, kể cả dư luận báo chí về bóng đá nữa. Cần phải dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, dũng cảm đối mặt với nỗi tủi nhục để có cơ hội giành vinh quang.

Khi thoát được sức ép rồi, hãy đặt bóng đá Việt Nam vào đúng vị trí của nó. Đó là một nền bóng đá còn chậm phát triển, truyền thống rất mỏng, phải đi lên trong hoàn cảnh có rất nhiều khó khăn nhưng không thể không đi lên. Chỉ có như thế, chúng ta mới bình tĩnh hơn, thông minh hơn và nhất là đoàn kết hơn để bắt đầu. Bắt đầu từ đâu? Từ chống thương mại hóa bóng đá (xin nói rõ, chống thương mại hóa chứ không phải là chống xã hội hóa); từ đào tạo cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn, cầu thủ bóng đá; từ tổ chức các giải bóng đá; từ thuê HLV và cầu thủ ngoại; từ tổ chức hệ thống câu lạc bộ người hâm mộ… từ đâu cũng được nhưng nhất định phải bắt đầu từ đầu, đổi mới, triệt để, minh bạch vì lợi ích chung

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/thethao/2011/11/160639.cand