Nhà văn Ý Alessandro Baricco: Văn chương dành cho kẻ đam mê, ích kỷ và tự tin nhất

PN - Sự thôi miên mà tiểu thuyết Lụa và Đại dương biển đã tạo ra với độc giả Việt Nam, khiến việc Alessandro Baricco (ảnh) – nhà văn nổi tiếng của nước Ý- được đón nhận nồng nhiệt khi ông đến TP.HCM và Hà Nội là chuyện không mấy ngạc nhiên.

* Lụa được viết bằng nhịp điệu chậm rãi, tối giản nhưng hàm súc. Thật ngạc nhiên khi tiểu thuyết đậm chất Nhật Bản này lại của một tác giả châu Âu. Tinh thần phương Đông trong Lụa, ông ngấm từ đâu? - Khi viết Lụa, hiểu biết về Nhật Bản và phương Đông của tôi chỉ qua vài cuốn sách và nhật ký hành trình đến nước Nhật của những người phương Tây. Nhật Bản trong Lụa là một biểu tượng. Với châu Âu ở thế kỷ XVIII, Nhật Bản là truyền thuyết, là nơi tận cùng thế giới. Tôi có thể viết với nhiều phong cách khác nhau. Khi tôi có một cốt truyện, tôi sẽ tìm được phong cách viết phù hợp. Việc tìm phong cách thể hiện thường vất vả hơn cả xây dựng cốt truyện. Với Lụa, tôi đã tìm ra thứ "âm nhạc trắng", được xây dựng bằng những từ đơn giản với tiết tấu chậm rãi. Nhiều người nói, mỗi chương của Lụa giống một khổ thơ Haiku. Nhưng với tôi, Lụa là một ván cờ mà mỗi chương là một nước đi. Trong Lụa, con người chỉ là quân cờ trên bàn cờ số phận. * Nhiều độc giả tìm thấy trong Lụa thông điệp: Hạnh phúc ngay bên ta, nhưng con người luôn đau khổ và bị cuốn theo những huyễn vọng xa xôi ngoài tầm với. Còn điều ông thực sự muốn nói? - Ngoài điều đó, Lụa còn là câu chuyện kể về sự phản bội. Con đường đến nơi tận cùng thế giới mà Herve Joncour đi cũng là con đường chúng ta sẽ đi khi phản bội. Với sự phản bội, chỉ vài giây - bằng một lần nhắm mắt, bạn đã đưa cuộc sống mình đến rìa tận cùng thế giới. * Tại Ý, ông có mở một trường viết văn. Theo ông, việc học để trở thành nhà văn có cần thiết không? - Trường của tôi mang tên Holden, lấy theo tên nhân vật tôi rất yêu thích – một cậu bé tinh nghịch đến mức bị đuổi học. Tôi muốn mở một ngôi trường cho những học sinh nổi loạn và bất thường, nơi họ sẽ không bao giờ bị đuổi học. Bản thân tôi chưa từng đến trường học viết văn nào khi cầm bút. Nhưng, có trường thì hay hơn, vì ở đó sẽ tiếp thêm sức mạnh, nhận thức, phá bỏ sự cô đơn của mỗi người và giúp người viết chuyển vốn sống của mình thành câu chuyện. Thường thì hàng ngày sống, chúng ta phải trải qua hàng đống việc vô ích, nhưng từ đống việc vô ích ấy, có thể bật ra những khoảnh khắc làm thay đổi cuộc đời ta. Nhiều học viên của tôi nhớ chính xác rằng, trong một bài giảng nào đó, một tiếp xúc văn chương nào đó ở trường đã khiến họ bật ra được cái khoảnh khắc chấn động ấy. Sau 15 năm thành lập Holden, tôi thấy trường dạy viết văn là có ích. * Thành công của những cuốn sách từng in đã đưa ông trở thành một trong những cái tên được chờ đợi nhất của văn học Ý. Tận hưởng sự nổi tiếng (cả danh vọng, tiền bạc), và cảm giác hạnh phúc khi một mình đơn lẻ đối diện với trang viết - ông thích trải nghiệm nào hơn? - Tôi không thể so sánh những xúc cảm mạnh mẽ, điên rồ và sự vất vả thú vị khi ngồi viết với bất cứ điều gì - vì nó quá đặc biệt. Tôi thích trạng thái cô đơn khi viết, một mình với cái máy tính - không ai biết bạn đang làm gì, như thể bạn đang một mình trên sa mạc. Nhưng, ở một mình lâu quá cũng không tốt, nó khiến bạn khó khăn khi trở lại cân bằng với đời thường. Tôi nhận ra, không phải văn chương dành cho những người giỏi nhất, mà dành cho những người đam mê nhất, ích kỷ và tự tin nhất – họ luôn là số ít. * Trở về Ý sau chuyến đi ngắn ngủi này, nếu nhắc đến Việt Nam, ông sẽ nhớ điều gì? - Tôi sẽ nhớ đến âm nhạc trong tiếng Việt, tàu hỏa chạy qua trên mái nhà ở những con phố Hà Nội bé tí, vẻ đẹp trên khuôn mặt những cụ già mà tôi nghĩ phải dễ đến 180 tuổi. Tôi sẽ nhớ cách các bạn đi xe máy trên đường như đàn cá đang bơi - một kiểu giao thông nhìn thì hỗn loạn nhưng dù tôi có nhắm mắt mà đứng giữa đường cũng chả bị ai đâm vào. Tôi thích nụ cười hạnh phúc ở đây và hàng ngày không ai nhắc về chiến tranh nữa. Nhìn trên bản đồ đất nước Việt Nam dài và hẹp, tôi hiểu vì sao các bạn có nhiều truyền thuyết cùng trí tưởng tượng phong phú. Sự nồng nhiệt, ấm áp của độc giả mà tôi đã gặp ở TP.HCM và Hà Nội, sẽ khiến từ nay, Việt Nam là một tên gọi trìu mến trong tôi. * Xin cảm ơn ông. Quỳnh Lam (lược ghi)

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://www.phunuonline.com.vn/2010/Pages/nha-van-y-alessandro-baricco-van-chuong-danh-cho-ke-dam-me-ich-ky-va-tu-tin-nhat.aspx