Nhà vệ sinh công cộng ngầm có gì khác?

Kế hoạch xây dựng 1.000 nhà vệ sinh (NVS) công cộng (do doanh nghiệp đổi lấy quảng cáo) trên địa bàn Hà Nội đang chậm tiến độ do có nhiều nhà dân, cơ quan, tổ chức phản đối, yêu cầu ngừng thi công lắp đặt.

Ở đây khoan bàn chuyện NVS công cộng tiện ích tới đâu nhưng một khi có sự phản đối thì cần xem lại nguyên nhân là gì. Phải chăng là NVS làm ảnh hưởng tới môi trường, cảnh quan hay chưa hợp lý về địa điểm lắp đặt xây dựng. Sở Xây dựng Hà Nội và chính quyền TP cần lắng nghe kỹ lý do của người dân để cân nhắc.

Phần mình, tôi xin góp một ý nhỏ là tại một số địa điểm, thay vì xây dựng, lắp đặt NVS nổi trên mặt đất thì chúng ta hãy chọn kiểu ngầm bên dưới.

Dù biết việc xây ngầm tốn kém hơn nhưng được cái công trình ngầm sẽ đặc biệt cần thiết ở những khu vực danh lam thắng cảnh, quảng trường, nơi linh thiêng, di tích lịch sử, miếu phủ... vì sẽ không ảnh hưởng tới cảnh quan, mỹ quan, cũng như giảm thiểu tối đa vấn đề ô nhiễm môi trường, “hương tỏa bay xa”.

Đơn cử quanh hồ Hoàn Kiếm hiện có một khu NVS công cộng kiên cố và hai khu NVS lắp ghép đều nằm lù lù trên mặt đất. Nếu hạ ngầm thì cảnh đẹp Hồ Gươm sẽ không bị ảnh hưởng, vườn hoa, đường đi dạo không bị bó hẹp…, người đến dạo chơi cũng đỡ ngại khi tầm mắt cứ bị vướng vào khu vực “xả thải” nhạy cảm.

Tôi đã từng đi một số nước như Nhật Bản, Thái Lan..., ở những khu di tích, danh lam thắng cảnh có rất nhiều NVS công cộng ngầm. Đặc điểm chung là các khu này rất rộng rãi, sạch sẽ, không chỉ riêng nam nữ mà còn cho cả người khuyết tật, có phòng trực nhân viên bán nước, đồ ăn kiêm luôn thu phí.

Không chỉ Hà Nội, TP.HCM cũng có chủ trương xây dựng, lắp đặt 1.000 NVS công cộng. Trước khi bắt tay xây hãy tính toán kỹ, sắp xếp khu nào xây nổi, khu nào xây chìm để vừa đạt được mục đích mà vẫn không làm hại nơi được đầu tư vì tiện ích của NVS ngầm chúng ta đều đã thấy rõ.

Nguồn PLO: http://plo.vn/ban-doc/ban-doc-viet/nha-ve-sinh-cong-cong-ngam-co-gi-khac-688018.html