Nhạc kịch: Cuộc chơi đam mê của người Việt trẻ

Năm 2016 là năm nở rộ của những vở nhạc kịch xây dựng theo phong cách Broadway rất… Việt Nam, cùng với đó là sự xuất hiện những đạo diễn, diễn viên trẻ tài năng đầy đam mê, nhiệt huyết.

Một cảnh trong vở nhạc kịch "Góc phố danh vọng".

Từ “Mộng ước”

Nguyễn Phi Phi Anh - tác giả của hai vở nhạc kịch ăn khách “Đêm hè sau cuối”, “Góc phố Danh vọng” vừa có sự trở lại ngoạn mục với dự án mới có tên “HOPE” (Mộng ước) với chuỗi 35 đêm diễn liên tục. Chàng trai 25 tuổi này đã chứng minh tài năng “3 trong 1” với các vai trò biên kịch, đạo diễn và nhà sản xuất của hai vở kịch theo phong cách Broadway là “Góc phố Danh vọng” và “Đêm hè sau cuối”. Hai vở nhạc kịch này từng rơi vào tình trạng cháy vé.

Thông qua dự án lần này, Phi Anh và các cộng sự trẻ tuổi của mình, hầu hết là dân nghiệp dư, muốn thay đổi định kiến thưởng thức lâu nay của khán giả: Nhạc kịch cũng không phải loại hình nghệ thuật xa xỉ. Với 35 đêm diễn có giá vé 200.000 - 300.000 đồng, “HOPE” có “mộng ước” hướng đến 10.000 khán giả thuộc mọi giới.

Trước đó, tại Nhạc viện TPHCM, nhóm kịch trẻ Buffalo đã làm sôi nổi làng kịch giải trí bằng hàng loạt vở nhạc kịch “Chicago”, “High school musical”, “Tuyết đỏ”, “Vũ nữ”, “Tuyết Sài Gòn”, “Tình ca phố”…

Bằng phong cách trình diễn trẻ trung, sôi động, dàn diễn viên trẻ nhiệt huyết của Buffalo: Đạo diễn- diễn viên Khắc Duy, Hoàng Quân, Khả Như, Diễm Phương, Hạnh Thảo, Mỹ Hạnh, diễn viên Cát Tường… đã cùng tạo nên dấu ấn rất riêng, thu hút được sự quan tâm, chú ý của dư luận, người trong nghề và công chúng trẻ.

Đặc biệt, đầu năm 2016, nhóm đã đầu tư và thực hiện vở nhạc kịch “Tấm Cám”, được ghi nhận là vở nhạc kịch hấp dẫn, được đầu tư công phu về kịch bản, dàn dựng, diễn viên, âm nhạc, hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, phục trang… lôi cuốn người xem.

Với sự sôi động và hấp dẫn của thể loại nhạc kịch, sân khấu kịch Phú Nhuận cũng từng ra mắt vở nhạc kịch “Vũ điệu dưới trăng” để phục vụ khán giả.

Đến giữa tháng 10/2016, vở nhạc kịch “Chuyện tình nàng Giáng Hương”, được đầu tư dàn dựng với kinh phí hơn 12 tỷ đồng, trình làng với sự tham gia trình diễn của nhiều ca sĩ, diễn viên trẻ. Kịch bản của vở được viết nên từ truyện cổ tích giữa Từ Thức và nàng Giáng Hương, được kể trên nền nhạc là những ca khúc bất hủ của Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Lê Thương…

Mới đây nhất, Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch TPHCM (HBSO) công diễn vở nhạc kịch La Vie Parisiene (Cuộc sống Paris) của nhà soạn nhạc vĩ đại người Pháp Jacques Offenbach. Dàn dựng và chỉ huy vở nhạc kịch là nhạc trưởng người Pháp Pactrick Souillot, đạo diễn sân khấu là đạo diễn trẻ Tây Phong.

Đây là vở nhạc kịch thứ tư trong số những vở nhạc kịch nổi tiếng nhất trên thế giới được HBSO tổ chức, dàn dựng và biểu diễn.

Vở diễn được dàn dựng đầy đủ với thiết kế sân khấu, diễn xuất kịch, trang phục, đạo cụ và dàn nhạc giao hưởng chơi trực tiếp tại khán phòng. “Cuộc sống Paris” được dàn dựng theo phong cách sân khấu hiện đại Broadway với những màn vũ đạo tưng bừng, đạt được chất lượng về âm thanh, hiệu ứng thị giác...

"Tấm Cám" được ghi nhận là vở nhạc kịch hấp dẫn, được đầu tư công phu.

Đến niềm tin vào những nghệ sĩ trẻ

Sự ra đời của nhiều vở nhạc kịch - một loại hình nghệ thuật mang tính giải trí cao, được công chúng đón nhận nồng nhiệt trong thời gian qua, đang dần khẳng định vị trí của thể loại sân khấu nhạc kịch trong đời sống văn hóa cộng đồng.

Thực tế cho thấy, đã có hàng loạt tác phẩm nhạc kịch được đầu tư từ vài chục triệu đồng, đến hơn chục tỷ đồng đã công diễn, một số còn là dự án, đang trong quá trình thực hiện, chuẩn bị ra mắt khán giả từ nay cho đến năm 2017.

Đó chính là điểm son mang tính bứt phá về nghệ thuật và giải trí, có hoạt động và phát triển mạnh mẽ, giữa thời buổi thị trường sân khấu có nhiều bức bối, khó khăn về mặt bằng tổ chức biểu diễn, tác giả, kịch bản, lượng khán giả đến với sân khấu…

Tuy nhiên để làm được một vở nhạc kịch đúng nghĩa luôn có sự đòi hỏi rất cao tay nghề của đạo diễn, diễn viên - ca sĩ, nhạc sĩ... đặc biệt là tác giả, người sáng tác thể loại nhạc kịch giỏi vô cùng hiếm.

Với đạo diễn thì phải dàn dựng sao cho thật khéo để nhạc và kịch hòa hợp trong một không gian chung, thể hiện tốt thông điệp mà câu chuyện muốn gửi đến khán giả, diễn viên bên cạnh việc diễn giỏi còn phải hát hay, nhảy đẹp, năng động, nhanh nhạy, thể hiện được sức truyền cảm, lôi cuốn với người xem. Bên cạnh đó còn là sự hỗ trợ vô cùng quan trọng của âm thanh, ánh sáng - cũng là điều kiện tiên quyết góp phần tạo nên sự thành công của các vở nhạc kịch.

Tuy nhiên, hầu hết các tác phẩm nhạc kịch đã công diễn trong thời gian qua vẫn chưa thể tạo được một xu hướng nhạc kịch thuần Việt, mang đậm dấu ấn phong cách Việt. Về chuyên môn, ở một số vở, vẫn còn hiện diện những thiếu sót về phần hát, nhạc, hoặc về phần kịch, lời thoại, có vở chất nhạc và kịch chưa được dung hòa, sáng tạo các tuyến nhân vật chưa hợp lý…

Theo nhạc sĩ Quốc Bảo, một vở nhạc kịch cần có những ca khúc mới chứ không thể góp nhặt những bài hát có sẵn, nhắm thấy có chút tượng hình phù hợp với nội dung vở diễn là đưa vào. Kịch bản cho vở nhạc kịch quan trọng không kém kịch bản phim, vừa đòi hỏi dễ hiểu, giản dị, gần gũi nhưng cũng phải thể hiện sự tinh tế, không có lỗ hổng.

Giới chuyên môn cho rằng nhạc kịch Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn sơ khai, không chỉ diễn viên còn mới và thiếu rất nhiều như kỹ năng diễn xuất tinh tế, kỹ thuật thanh nhạc chưa vững mà môi trường, điều kiện để thanh xướng kịch hay nhạc kịch cũng chưa phát triển.

“Hãy xem thế giới, diễn viên diễn nhạc kịch là những siêu sao thế giới với khả năng diễn không có gì để bàn và giọng hát của họ quá tuyệt; khán giả của họ hào hứng thưởng thức nhạc kịch nhưng còn ở Việt Nam, mọi thứ làm nên nhạc kịch đều thiếu, kể cả khán giả”, ca sĩ Hoàng Bách, một trong những diễn viên chính của thanh xướng kịch “Lụa”, nhìn nhận.

NSƯT Trần Vương Thạch, Giám đốc HBSO chia sẻ: Với thể loại nhạc kịch, nhà hát vẫn đang từng bước xây dựng, thử thách, tìm kiếm một phong cách riêng về trình diễn nhạc kịch, nỗ lực tổ chức dàn dựng thêm nhiều kịch mục để tăng dần số lượng tác phẩm trình diễn, đáp ứng nhu cầu của khán giả”.

Ở các vở nhạc kịch trước như “Carmen”, “Cây sáo thần”… HBSO đều phải mời các nghệ sĩ, đạo diễn quốc tế cùng tham gia vào chương trình. Nhưng đến vở “Cuộc sống Paris”, nhà hát đã tự chủ động, chỉ mời duy nhất một vị chỉ huy người Pháp tham gia nhằm giữ được tính cách Pháp trong tác phẩm nhạc kịch của Pháp, ê kíp còn lại hoàn toàn là nghệ sĩ Việt Nam, vở diễn bằng lời thoại tiếng Việt.

“Chúng tôi vẫn đang từng bước học hỏi, tìm tòi cách làm nhạc kịch”, ông Thạnh nói.

Nhạc kịch là loại hình tương lai của sân khấu, là hướng mà sân khấu Việt nên theo đuổi. Với nhạc kịch, tương lai của sân khấu sẽ luôn bừng sáng, chừng nào sân khấu vẫn còn chứa đựng nhiều mộng ước đáng trân trọng của những người làm nghệ thuật trẻ và chinh phục khán giả trẻ.

Phương Nguyên

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/van-hoa/nhac-kich-cuoc-choi-dam-me-cua-nguoi-viet-tre/293410.vgp