Nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích: 40 năm vẫn “bay trong đêm pháo hoa”

(PL&XH) - Tình yêu âm nhạc từ nhỏ, sự đam mê học hỏi cộng thêm những cuốn sách quý là những yếu tố thôi thúc nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích viết hàng trăm ca khúc dành cho thiếu nhi.

Nhạc sĩ “nghiệp dư”

Ấn tượng đọng lại trong tôi là một Hàn Ngọc Bích rất ít chất nghệ sĩ, ông có dáng vẻ với cách nói chuyện của một nhà giáo.

Ông tự nhận mình là nhạc sĩ “nghiệp dư”, nhạc sĩ “nửa vời của thế kỷ 20” bởi có cái lý của riêng ông. Cả cuộc đời ông gắn với dạy học, rồi làm công tác giáo dục, ông chỉ chọn một phần nhỏ cho âm nhạc. Nhưng âm nhạc cũng là sợi dây kì lạ đã gắn bó suốt cả cuộc đời người thầy giáo ấy. Cơ duyên đưa ông đến với âm nhạc cũng thật tự nhiên. Ông kể: “Từ nhỏ tôi đã có niềm đam mê âm nhạc, tôi thích nghe những giai điệu của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, Hùng Lân. Khi là một cậu bé 7, 8 tuổi, tôi có được chiếc sáo con mà ông chú đi hái củi nhặt được cho, tôi đã mày mò, tự mình học. Năm 12 tuổi có được chiếc kèn ácmonica, tôi đã từ mình tìm ra được phần đệm cho chiếc đàn. Tôi học nhạc từ những bài dở nhất, rồi đi xin những những quyển sách viết về âm nhạc”.

Ông mỉm cười khi nghĩ tới cái “duyên” lần thứ 2 đến với âm nhạc. “Năm 1962, khi vừa tốt nghiệp ĐH, tình cờ tôi gặp được nhạc sĩ Hoàng Long. Lúc ấy, Hoàng Long đã có một gia tài âm nhạc, đặc biệt là các bài: “Em đi thăm miền Nam” và “Nếu bạn muốn tìm tôi”. Cuộc gặp gỡ ấy là một bước ngoặt, khiến tôi suy nghĩ: “Nếu bạn có thể làm được, thì tại sao mình không, bạn cũng không quá hơn mình về độ láu lỉnh, vì vậy tôi quyết định đánh đu với cuộc đời”. Sau đó, tôi nhận được từ Hoàng Long những cuốn sách học âm nhạc in rônêô – những giáo trình hòa âm cơ sở. Với tôi Hoàng Long là người bạn chí thân. Tất cả những công việc liên quan đến sách vở thì Long giúp tôi rất nhiều. Những lúc khó khăn trong suy nghĩ, hay lúc buồn phiền đều tìm nhau. Còn người thầy đầu tiên của tôi, chính là nhạc sĩ Mộng Lân. Tôi học được ở thầy những kinh nghiệm quý…”. Cứ thế tình yêu âm nhạc trong ông lớn dần lên và hơn ai hết ông hiểu cái “ngách nhỏ” nhạc thiếu nhi cũng không phải con đường dễ dàng mà là một sân chơi quá khó.

Mỗi ca khúc thiếu nhi thường rất ngắn, rất ít chữ, thậm chí lời ca chỉ có thể bằng dăm ba câu ca dao, nó phải gửi gắm được điều gì đó như là sự giáo dục với các em thiếu nhi bằng chất giọng hồn nhiên, vô tư và dễ hiểu. Ông tâm sự: “Với những người học về âm nhạc thì cái gian khó này là bốn, nhưng với một người nghiệp dư như ông thì cái gian khổ này phải là mười mới được sự thành công. Sáng tác nhạc thiếu nhi như là người múa trên chiếu con, cái khó là ở chỗ ấy, nên nhất định người nhạc sĩ cũng phải có một tình yêu trẻ thơ”. Chính cái khó ấy đã làm nên thành công cho ông khi ông có tới 4 bài hát thiếu nhi được chọn là những ca khúc thiếu nhi hay nhất thế kỉ 20.

Nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích: Hạnh phúc khi tác phẩm của mình đuợc nhiều người thuộc.

“Em bay trong đêm pháo hoa” mừng ngày đất nước giải phóng

Ông nhớ rất rõ từng thời khắc, với đầy ắp chi tiết về từng bài hát mà ông đã sáng tác. Trong cái không khí âm nhạc thời bấy giờ, cộng với tình yêu trẻ tha thiết của người thầy giáo một thời, tất cả những điều ấy đã thôi thúc Hàn Ngọc Bích bắt tay viết ca khúc đầu tiên, ca khúc dành cho thiếu nhi có tựa đề “Cây bàng trước ngõ” với những câu chữ rất dễ thương: “Mùa đông áo đỏ / Mùa hạ áo xanh / Cây bàng khi mở hội / Là chim én đến vây quanh”. Khi ấy một ông giáo làng không có tên tuổi đã mạnh dạn dự thi Cuộc vận động viết ca khúc cho trẻ em bằng tác phẩm của mình, điều bất ngờ ra tác phẩm “Cây bàng trước ngõ” đạt giải A quốc gia.

Ông kể về hoàn cảnh sáng tác bài “Em bay trong đêm pháo hoa” rằng: “Những ngày cuối tháng 4-1975, tin giải phóng từng miền đất căng lên từng ngày ở Hà Nội. Chứng kiến tin vui nối tiếp ấy khiến lòng ta muốn bay lên. Ngày chiến thắng hoàn toàn bất ngờ như mơ. Và giấc mơ đó đã trở thành giấc mơ bay, không chỉ của trẻ em mà cả người lớn. Tôi đã đặt bút viết ca khúc “Em bay trong đêm pháo hoa” ngay trong đêm 15-5-1975. Đó là đêm cả dân tộc ăn mừng chiến thắng. Ngày 30-4-1975, đất nước hoàn toàn thống nhất, nhưng phải nửa tháng sau mới đủ thời gian để làm lễ mừng chiến thắng. Cả dân tộc chờ ngày này suốt mấy chục năm nên đêm đó người đông lắm”.

Trong lễ ăn mừng, ban ngày diễn ra mít-tinh, đêm có lễ bắn pháo hoa. Nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích và vợ bế con trai đầu lòng mới một tuổi đi xem bắn pháo hoa. Ông công kênh con trai trên vai để nhìn pháo hoa đang bùng nở rạng rỡ. Ông ngước lên, bầu trời pháo hoa thật lộng lẫy. “Hoa lưng trời và hoa trong ánh mắt” đó chính là hoa trong những giọt nước mắt của ông, của rất nhiều người, ông cũng ướm nó vào cậu bé con trên vai mình. Khóc vì sự chiến thắng của quân và dân ta lớn quá, hy sinh cũng quá nhiều, không phải vì thế mà bài hát nó buồn, bài hát vẫn tươi, vui vì ông viết trong tiếng “reo”, chỉ có nước mắt là thầm lặng.

Đã mấy chục năm trôi qua, ông vẫn còn nhớ cái khoảnh khắc ấy, nhưng để ca khúc hoàn thành ông phải vật lộn với ý từ, câu từ. Đêm hôm đó, ông về nhà, gồi vào bàn, khêu đèn rất bé, ánh sáng chỉ đủ bằng một cái ấm, vì sợ ảnh hưởng tới mọi người. Ông đặt tờ giấy nhạc lên bàn, tay ôm cây đàn nhưng không dám đánh thành tiếng. Những câu chữ đầu tiên đã hiện ra. Tuy nhiên, đêm ấy ông đã không viết xong bài hát này. Vì không viết xong được, nên đêm ngủ ông cứ thấp thỏm. Sáng hôm sau, ông và vợ phải đưa con trai về nhà ngoại ở huyện Thanh Trì để vợ ông đi dạy học, rồi dắt xe đạp quay về Hà Nội. Trên đường về, vẫn còn day dứt trong lòng về bài hát đêm qua viết chưa xong, ông tạt vào dưới gốc cây dừa ở mép sông Tô Lịch. Sau khúc reo ca nhảy múa thì phải nghiền ngẫm suy nghĩ: “Bay lên nào, em bay lên nào/ Vui bạn Nam Bắc về trong một nhà/ Đêm pháo hoa tươi ánh cờ, bao khăn hồng đều tung bay trước gió”… Ngồi ở bờ sông Tô Lịch, ông viết xong được phần còn lại của bài hát. Đến lúc quay về nhà thì chỉ việc khớp lại với những gì đã viết đêm qua, thế là bài hát hoàn thành. Bài hát của ông có mấy dòng, nhưng nó nói đúng khung cảnh sôi động, nói đúng tâm hồn Việt Nam chiến thắng. Bài hát “Em bay trong đêm pháo hoa” sau đó được thu và phát sóng lần đầu trên Đài Tiếng nói Việt Nam, ngày ấy nhạc sĩ Hoàng Vân khi nghe bài hát của ông đã giới thiệu trên báo bằng những dòng chữ vô cùng trân trọng: “Tác giả Hàn Ngọc Bích của ca khúc “Em bay trong đêm pháo hoa” mang một thứ âm nhạc trùng trùng điệp điệp đến trong không khí tưng bừng của cả nước”.

Không chỉ là một nhà giáo, một người nghệ sĩ mà trong ông còn là một nhà thơ “nghiệp dư”, hai sự nghiệp dư trong ông đổ vào nhau một cách nhuần nhị dù chưa thật sự xuất sắc. Bây giờ thời khắc lịch sử ấy đã lùi, nhưng khi nghe lại bài “Em bay trong đêm pháo hoa”, Hàn Ngọc Bích vẫn rưng rưng và ông nhạc sĩ “nửa vời” chỉ viết được trong cái không khí ấy, trong tình yêu dành cho trẻ thơ và trong sự thành công của rất nhiều nhạc sĩ.

Nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích tâm sự: “Trên 40 năm sáng tác ca khúc thiếu nhi, tôi cũng nhận được rất nhiều giải thưởng, nhưng nghĩ nhiều đồng nghiệp sẽ đồng ý với tôi là: Giải thưởng lớn nhất, vinh hạnh nhất đối với người nhạc sĩ là sáng tác của mình đã được nhiều người thuộc, hát, và tồn tại trong tâm hồn của họ. Tôi chỉ dám đánh một trận dành cho nhạc người lớn đó chính là bài hát “Cô giáo trên đảo mùa xuân” và may thay ca khúc đó rất thành công, nó đạt giải Nhì trong cuộc vận động âm nhạc giáo dục
trẻ em năm 1996”.

Mộc Miên

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/201405041227522p1004c1030/nhac-si-han-ngoc-bich-40-nam-van-bay-trong-dem-phao-hoa.htm