Nhạc sĩ Nguyễn Hoàng Bích: Tình yêu quê hương và những ca khúc cách mạng

Viết nhạc năm 14 tuổi

Viết nhạc năm 14 tuổi

Nguyễn Hoàng Bích có tố chất cùng niềm đam mê âm nhạc từ thuở nhỏ. Có lẽ mẹ anh - người phụ nữ nơi quê nhà vốn hát ru rất hay đã truyền cho anh tình yêu ấy. Năm 1964, vùng đông Thăng Bình được giải phóng, Hoàng Bích mới tuổi 13, anh được kết nạp vào Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh và tham gia đội văn nghệ xã Bình Triều, vừa hoạt động văn nghệ vừa học chữ. Những ca khúc cách mạng hào hùng một thời “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” phát trên radio cùng với tố chất văn nghệ thôi thúc anh tập tành sáng tác nhạc.

Ca khúc đầu tay là bài hát “Giấu lúa”, ca ngợi tinh thần góp lúa nuôi quân của nhân dân lo cho tiền tuyến ra đời rất đúng thời điểm. Thời gian này, địch liên tục đốt phá lúa và hoa màu của nhân dân, việc giữ lúa đã trở thành nhiệm vụ cần kíp nhất: “Lúa đã về tay ta/Giữ lấy mùa lúa mới/Lúa ta giấu, ta giấu cho thật kín/Để tiền tuyến có lương mà ăn…”. Ca khúc được viết năm Hoàng Bích 14 tuổi, học sinh lúc bấy giờ có nhiều người thuộc, về sau Đoàn văn công tập luyện và hát phục vụ bà con vùng giải phóng.

 Nhạc sĩ Nguyễn Hoàng Bích (trái) trao quà lưu niệm cho đại diện Đoàn Văn nghệ sĩ Hội Văn nghệ Dân gian TP Hà Nội.

Nhạc sĩ Nguyễn Hoàng Bích (trái) trao quà lưu niệm cho đại diện Đoàn Văn nghệ sĩ Hội Văn nghệ Dân gian TP Hà Nội.

Sau cuộc phản công mùa khô năm 1967, Trường THCS Lý Tự Trọng giải tán, đa số học sinh của trường lên đường cầm súng, số khác vào các cơ quan ban, ngành công tác. Tháng 10-1967, Hoàng Bích tham gia vào Đoàn văn công giải phóng thuộc Ban Tuyên huấn Quảng Nam, đóng ở vùng căn cứ xã Tiên Lãnh, Tiên Phước. Đoàn vừa sản xuất tự túc lương thực, đồng thời vừa đi biểu diễn phục vụ bộ đội và nhân dân trên khắp các chiến trường Quảng Nam. Đoàn văn công lúc đó có hơn 20 người, có anh chị em từ miền Bắc vào, Quảng Ngãi, Bình Định, Phan Thiết ra, đi cơ sở biểu diễn với đủ các thể loại, không chuyên một loại hình nghệ thuật nào. Với biệt danh “bá nghệ, bá tri”, Hoàng Bích vừa là diễn viên vừa là nhạc công. Năm 1968, nhân cuộc Tổng tiến công xuân Mậu Thân, anh viết ca khúc “Tam Kỳ quật khởi” ngợi ca tinh thần chiến đấu kiên cường của quân và dân bắc Tam Kỳ. Năm 1969, Bác Hồ mất, anh viết “Như một vì sao sáng”, ca khúc như là tình cảm của đồng bào miền Trung đối với Bác, được Đoàn văn công tập luyện và biểu diễn ở nhiều nơi, được nhân dân nồng nhiệt hưởng ứng.

Nói về lai lịch của ca khúc “Về thăm quê hương” anh kể, sau năm 1973, khi Hiệp định Paris được ký kết, trên chuyến hành quân từ Tiên Lãnh qua Hiệp Đức về quê hương Thăng Bình, nhìn những đoàn xe của bộ đội ta đi qua những vùng giải phóng, nhân dân phấn khởi hò reo, từ cảm xúc của người đi qua cuộc chiến, anh viết như trải lòng mình với tình cảm chân thật: “Tôi về thăm quê hương chiều nay/Hành quân qua miền Trung, tiếng mẹ ru con à ơi, à ơi… Đất mẹ yêu thương ơi, Quảng Nam ơi bao năm gian khó nay đã lớn lên rồi, nghe mùa xuân sang trong lòng phơi phới… yêu quê hương biết mấy…”.

* Nhạc sĩ Nguyễn Hoàng Bích (1953) tại làng Chợ Được, xã Bình Triều, H. Thăng Bình, Quảng Nam. Anh tốt nghiệp Khoa Sáng tác tại Học viện Âm nhạc Huế. Từng là diễn viên, nhạc công của Đoàn Văn công giải phóng Quảng Nam và đã trải qua các chức vụ Trưởng Phòng VH-TT, Phó Chủ tịch UBND H. Thăng Bình, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam. Hiện là Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Quảng Nam. Anh được Hội Nhạc sĩ Việt Nam tặng Huy chương Vì sự nghiệp âm nhạc cùng các giải thưởng: Romance Hỏi mùa thu (1998); ca khúc “Trà My yêu thương” - Giải Ba (2001); “Hoa phong ba trên đảo Trường Sa” - Huy chương Đồng tại Liên hoan và Hội thi hợp xướng quốc tế lần thứ I tổ chức tại Việt Nam năm 2011 và giải C Hội Nhạc sĩ Việt Nam (không có giải A và B) với hợp xướng 3 chương “Quê hương trên tầng cao mới”. Hoàng Bích đã xuất bản 4 tập sách nhạc, 5 bộ DVD, CD với gần 10.000 đĩa được phát hành.

Những dấu ấn trong đời

Dấu ấn thành công trong sự nghiệp sáng tác của Hoàng Bích phải kể đến ca khúc “Gửi người em gái quê hương”, được viết tháng 10-1975 nhân đợt tập huấn do Hội Văn nghệ Khu V tổ chức tại TP Quy Nhơn với mạch nguồn cảm xúc dâng trào: “... Ngày nào em đi, chiến trường gửi đạn biên cương, đôi vai trăm cân mà chân vẫn dồn… Ôi ta yêu sao người nữ anh hùng, Tổ quốc trao cho đảm đang bất khuất…”.

Ca khúc được báo cáo trước lớp tập huấn do ca sĩ Nghi Châu thể hiện phục vụ nhân dân TP Quy Nhơn và được giáo sư Thế Bảo đánh giá cao. Ngay sau khi nhạc phẩm ra đời, ca sĩ Phan Huấn là người đầu tiên thể hiện, Đài tiếng nói Việt Nam thu âm và phát trên sóng phát thanh, được đông đảo công chúng yêu nhạc trên khắp cả nước đón nhận nồng nhiệt. Hoàng Bích tâm sự: Những người dân Thăng Bình quê tôi, nhiều người đứng dưới loa để nghe một nhạc sĩ địa phương có bài hát được phát trên đài Trung ương. Anh cho đây là bài tình ca đầu tiên, chuyển từ âm hưởng tuyên truyền cách mạng sang xu hướng trữ tình với ca từ uyển chuyển, mềm mại gợi cho người nghe những hình ảnh rất đỗi thân thương về vùng đất và con người Quảng Nam kiên trung trong chiến đấu, về những người chị, người em đã hy sinh máu xương trong thời chiến, nay lại đảm đương xây dựng quê hương thời bình mà họ không hề so đo, tính toán.

Năm 1976-1977, Quảng Nam - Đà Nẵng triển khai nhiều công trình thủy lợi. Hoàng Bích đến thăm hồ Cao Ngạn - vùng căn cứ kháng chiến thuộc xã Bình Lãnh, H. Thăng Bình với bao kỳ tích anh hùng, mùa xuân đang lên trên những cánh rừng, đứng trước công trình thủy nông mà sức người đã ngăn núi, đắp hồ, lấy nước tưới cho các cánh đồng hai vùng tây và đông Thăng Bình. Không khí lao động khẩn trương đã chạm vào trái tim người nghệ sĩ và ca khúc “Hồ Cao Ngạn” ra đời, được Đài Truyền thanh Thăng Bình lấy làm nhạc hiệu cho chương trình phát sóng hằng ngày. “Trên núi rừng La Nga Cao Ngạn sớm mai nắng chải ven đồi, mà vui sao như mùa xuân tới và rộn ràng lời ca bay xa… Tay ta cuốc tay ta đào cho hồ La Ngan soi bóng ngàn cây. Và mai đây nước reo ngọt ngào chảy về đồng quê đất mẹ thân yêu…”. Về sau, dấu ấn trên bước đường lao động nghệ thuật của Hoàng Bích còn có nhiều nhạc phẩm đi vào lòng công chúng như “Hoa phong ba trên đảo Trường Sa”, “Quảng Nam quê hương tôi”, “Khi mùa ươi bay”, “Trà My yêu thương”…

Với nhạc sĩ Hoàng Bích, hình như tình yêu quê hương lan tỏa và thấm đượm trên những giai điệu, lời nhạc để làm nên những ca khúc cách mạng. Mỗi nhạc phẩm ấy là giọt mật lắng đọng từ trái tim người nghệ sĩ. Bước vào cái tuổi 65, nhưng đã có 51 năm lao động nghệ thuật, người lính được tôi rèn trong chiến tranh, người chiến sĩ - nghệ sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa, và quê hương chính là mạch nguồn để viết nên những ca khúc cách mạng. Để bây giờ, mỗi giai điệu ấy ngân lên là mỗi dấu son trên hành trình cuộc đời anh, nơi đó là quê hương xứ Quảng…

Thanh Vân

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/68_163932_nhac-si-nguyen-hoang-bich-tinh-yeu-que-huong-va-nh.aspx