Nhạc sĩ Văn Cao và dấu ấn hồi sinh với Mùa xuân đầu tiên

Văn Cao (1923-1995) là một tác giả quan trọng trong lịch sử văn hóa hiện đại Việt Nam, không chỉ do vị thế tác giả của bản Quốc ca mà còn vì những suy tư về nghệ thuật được ông theo đuổi trong sự nghiệp.

1. Trong gia tài âm nhạc của Văn Cao, Mùa xuân đầu tiên đã trở thành ca khúc sống mãi trong lòng bao thế hệ, bởi đó là ký ức Tết độc lập đầu tiên của dân tộc Việt Nam. Mùa xuân đầu tiên cũng ghi nhận sự “hồi sinh” trong tâm hồn người nghệ sĩ Văn Cao sau nhiều năm không sáng tác ca khúc.

Ông Văn Thao - con trai của nhạc sĩ Văn Cao, kể lại, có một thời gian dài bố ông lặng lẽ kiếm sống bằng nghề viết nhạc phim, nhạc không lời, vẽ tem, vẽ bao thuốc lá, làm thơ; đã có lúc những tưởng ông không viết nhạc trở lại. Rồi một ngày giáp Tết Bính Thìn (1976), mùa xuân đầu tiên của một nước độc lập, khi đến thăm cha mình, họa sĩ Văn Thao ngạc nhiên khi nghe âm thanh vang ra từ trong nhà và thấy cha ngồi bên cây đàn dương cầm. Ông say sưa với một điệu valse rất nhẹ… và đó chính là ngày mà Mùa xuân đầu tiên ra đời. Mùa xuân cực kỳ bình dị “với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông”, là “một trưa nắng vui cho bao tâm hồn”. Một bức tranh thanh khiết, trong sáng, in đậm nét thiên nhiên của làng quê Việt Nam với những thanh âm quen thuộc, gần gũi.

Theo nhạc sĩ Trương Quang Lục, trong hơn hai thập niên từ 1950 đến 1974, hầu như nhạc sĩ Văn Cao không sáng tác ca khúc, mà dành thời gian để viết khí nhạc, vẽ và làm thơ. Thế nhưng, đại thắng mùa xuân 1975 một lần nữa lại khuấy động tâm hồn âm nhạc của ông cộng với lời mời của Báo Sài Gòn Giải Phóng để rồi ca khúc Mùa xuân đầu tiên mượt mà, đằm thắm ra đời và đi sâu vào lòng quần chúng. Khi ấy, ca khúc Mùa xuân đầu tiên được in trang trọng trên trang Văn hóa - Văn nghệ số báo Xuân 1976 của Báo Sài Gòn Giải Phóng. Khi nhận được báo biếu, nhuận bút và thư cảm ơn từ TPHCM gửi ra Hà Nội, nhạc sĩ Văn Cao vừa vui mừng vừa ngạc nhiên. Có thể nói Mùa xuân đầu tiên cũng là ca khúc đầu tiên được in trên một tờ báo xuân cách mạng tại Sài Gòn sau ngày miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất.

Nhiều nhà văn hóa lớn, các nhà lý luận, phê bình văn hóa, văn nghệ, các văn nghệ sĩ có tên tuổi đã từng được hỏi hoặc nếu được hỏi: Ở Việt Nam, thế kỷ XX, ai là nghệ sĩ lớn nhất, có nhiều sáng tạo mang tính đột phá, để lại dấu ấn đa dạng và sâu đậm nhất, có đóng góp rất quan trọng trên nhiều mặt cho nền văn hóa, văn nghệ nước nhà, thì chắc chắn phần đông trong số họ đều đồng thanh, đồng tâm nói rằng: Người nghệ sĩ đó là Văn Cao!

PGS-TS NGUYỄN THẾ KỶ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương

2. Nhớ về nhạc sĩ Văn Cao, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam, bày tỏ, từ Buồn tàn thu - ca khúc đầu tiên ông viết năm 1939 khi mới 16 tuổi đến Mùa xuân đầu tiên là cuộc hành trình của một tài năng lớn.

“Một thời gian dài sau năm 1954, những tác phẩm âm nhạc của Văn Cao ít xuất hiện hơn, nhạc sĩ cũng ít có sáng tác mới. Phải đến mùa xuân năm 1976, chúng ta mới được nghe Mùa xuân đầu tiên của ông. Một nhịp điệu 3/4 (gần như valse) nhịp nhàng, thánh thót như sau mọi thăng trầm, biến cố của cuộc đời, âm nhạc đã về tới đích của chính mình. Đó là tình yêu thương con người: “Từ đây người biết thương người/ Từ đây người biết yêu người.../ Giờ dặt dìu mùa xuân chim én về...”. Ta nghe trong giai điệu phảng phất Đàn chim Việt, Suối mơ, Làng tôi, Ngày mùa và những âm hưởng hùng ca của Tiến về Hà Nội, Sông Lô như còn đọng lại ngân nga trong từng nốt nhạc mà ông đã chắt chiu, chưng cất, hiến dâng cho đời”, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nhận định.

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Văn Cao (1923-2023), nhiều hoạt động hội thảo, tọa đàm, nhiều chương trình nghệ thuật lớn đã được tổ chức để tưởng nhớ, tôn vinh người nghệ sĩ đặc biệt đa tài, cây đại thụ của nền văn học, nghệ thuật Việt Nam.

Nhưng ca khúc ấy trước khi ghi dấu ấn trong lòng công chúng đã có quãng thời gian chìm nổi 20 năm. Con trai cả của nhạc sĩ Văn Cao kể, khi mới ra mắt, Mùa xuân đầu tiên chưa được đón nhận, có ý kiến chỉ trích tính chất ủy mị, yếu đuối của bài hát không hợp với khí thế tưng bừng trong ngày vui toàn thắng của dân tộc.

Thế nhưng cũng tại thời điểm ấy không hiểu bằng con đường nào Mùa xuân đầu tiên được in ở nước Nga và được trả nhuận bút 100 rúp. Theo gia đình nhạc sĩ Văn Cao, năm 1991, khi một phim video ca nhạc về cuộc đời Văn Cao được thực hiện, trong cảnh Văn Cao về quê Nam Định, bài hát Mùa xuân đầu tiên được lồng vào một đoạn dài, và cũng lần đầu tiên ca khúc này do ca sĩ Quốc Đông thu âm được phổ biến tới công chúng.

Năm 1993, lần đầu tiên ca khúc được ca sĩ biểu diễn trước khán giả trong một đêm nhạc Văn Cao tại Cung Văn hóa Thanh niên Hà Nội. Tới năm 1996, nhạc phẩm này được ca sĩ Thanh Thúy thể hiện rất thành công, bài hát mới thực sự lan tỏa và thành một trong những bài hát về mùa xuân hay nhất.

MAI AN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nhac-si-van-cao-va-dau-an-hoi-sinh-voi-mua-xuan-dau-tien-post713750.html