Nhận biết bệnh đái tháo đường khó phát hiện, dễ nhầm bệnh ở trẻ nhỏ

Trong 5 năm trở lại đây, mỗi năm BV Nhi Trung ương tiếp nhận khoảng 40-50 bệnh nhân mới mắc đái tháo đường type 1, cao hơn nhiều so với trước đó (chỉ 5-20 bệnh nhân/năm).

Bé V. mắc tiểu đường sơ sinh được cứu chữa thành công

Suýt tử vong vì biến chứng đái tháo đường 

Tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường type 1 ở trẻ em ngày càng có xu thế gia tăng tại các nước có thu nhập trung bình và thấp, trong đó có Việt Nam. Thậm chí, trẻ sơ sinh cũng mắc đái tháo đường.

Chào đời được 36 ngày tuổi, bệnh nhi Nguyễn Trọng V., ở Hà Nội phải cấp cứu vào BV Nhi Trung ương trong tình trạng thở nhanh, li bì và hôn mê. Trước khi vào đây cấp cứu, bệnh nhi V. đã qua nhiều tuyến viện và cuối cùng được xác định biến chứng tiểu đường sơ sinh.

Trước khi vào cấp cứu khoảng 5 ngày, bé có nhiều biểu hiện sốt cao 39 độ C, tiêu chảy (khoảng 10 lần/ngày). Kết quả phân tích gen cho thấy nguyên nhân gây bệnh ở trẻ là do đột biến gen ABCC8- một trong những nguyên nhân gây bệnh đái tháo đường sơ sinh tạm thời. Đây là căn bệnh hiếm gặp, với tỉ lệ mắc từ 1/500.000 đến 1/250.000.

Bệnh nhi đã được điều trị ngoại trú kéo dài như tiêm insulin dưới da với liều 0.5 đơn vị/kg/ngày và được điều chỉnh liều theo kết quả theo dõi đường máu. Bệnh nhi đáp ứng điều trị tốt, các bác sĩ quyết định hạ dần liều insulin của trẻ đến mức tối thiểu và tiến tới ngừng thuốc hoàn toàn.

Qua 7 tháng ngừng thuốc, gia đình bệnh nhi V. và các bác sĩ vui mừng nhận thấy chỉ số đường huyết của trẻ luôn ổn định, cháu phát triển bình thường như những em bé đồng trang lứa.

Khó phát hiện, dễ nhầm bệnh

Theo TS. BS Vũ Chí Dũng, Trưởng khoa Nội tiết – Chuyển hóa – Di truyền (BV Nhi Trung ương), đái tháo đường ở trẻ em và vị thành niên được phân làm các nhóm chính là đái tháo đường type 1, đái tháo đường type 2, đái tháo đường do di truyền đơn gene.

“Đái tháo đường type 1 là bệnh lý mạn tính nhưng thường không được phát hiện và điều trị kịp thời. Rất nhiều bệnh nhân nhập viện lần đầu trong tình trạng nặng. Nếu không được chẩn đoán và xử trí đúng, kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong nhanh chóng.

Ngoài ra, bệnh còn có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan lớn trong cơ thể, bao gồm tim, mạch máu, dây thần kinh, mắt và thận, do đó bệnh cần được quản lý và điều trị suốt đời để tránh biến chứng lâu dài. Trẻ có biểu hiện sụt cân, nhìn mờ, mệt mỏi, khát nước, tang cảm giác đói… cần được đưa đi kiểm tra”, TS Dũng cho hay.

Đối với trẻ sơ sinh, đái tháo đường là một bệnh hiếm gặp, được phát hiện trong vòng 6 tháng đầu đời của trẻ. Chẩn đoán tiểu đường sơ sinh rất khó vì trẻ mắc bệnh thường biểu hiện triệu chứng không rõ ràng và chỉ được phát hiện ra qua các xét nghiệm đường máu, khí máu hoặc khi bệnh nhi đã rơi vào tình trạng hôn mê.

L.Hà

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/y-te/nhan-biet-benh-dai-thao-duong-kho-phat-hien-de-nham-benh-o-tre-nho-563966.ldo