Nhân chuyện võ sư P. F. Flores sang Việt Nam thách đấu: Đâu cứ tỉ võ là cổ súy bạo lực

Trên mạng tràn ngập thông tin về võ sư đến từ Canada giao đấu cùng mấy cao thủ U60, thậm chí khi anh chàng võ sư gốc Chile kia vào TP.HCM, nhiều trang tin điện tử cử người kèm chặt để đưa tin. Điều này chứng tỏ mối quan tâm thực sự của dân Việt đối với các cuộc đấu võ vẫn tồn tại, thậm chí rất lớn. Và đó cũng là lúc mọi người thấy sự lúng túng của cơ quan quản lý cũng như chúng ta đã bỏ lỡ những cơ hội kinh doanh thông qua những cuộc giao đấu tương tự.

Lôi đài sáng đèn 

Trước năm 1975, sinh hoạt võ thuật ở Sài Gòn khá sôi nổi, các sàn đấu sáng đèn thường xuyên như Tinh Võ, Lệ Chí... đi sâu vào ký ức của những người dân miền Nam nói chung và Sài Gòn nói riêng. Dưới sự điều hành của Tổng cuộc Quyền thuật Việt Nam, các lôi đài được dựng nên để những võ sư được quyền thách đấu với võ sư khác hoặc đưa ra lời thách đấu với những người cùng hạng cân với mình.

Với những người lớn tuổi đam mê quyền thuật, những cuộc tỉ võ giữa Văn Phát (Kid Dempsey - vô địch Đông Dương năm 1939) với Bảy Muôn (Sư Muôn - vô địch Đông Dương 1941), Kim Sang (vô địch Nam kỳ 1941) với Văn Hóa (vô địch Bắc Việt 1954), Minh Cảnh (vô địch Đông Dương 1949) với Jack Sel (võ sĩ Malaysia), Văn Đại với Hassene (cựu quân nhân Pháp, người Ấn Độ), Đông Phương Sóc với Tiểu La Thành... đã trở thành huyền thoại.

Tất nhiên, để duy trì những hoạt động này, ngoài việc tổ chức các cuộc thách đấu được coi là đình đám, cuộc tỉ thí giữa các võ sĩ cùng hạng cân giữa các lò võ thường xuyên được lên lịch. Doanh thu ngoài chuyện bán vé, ở thời điểm đó, cá cược ở hàng ghế khán giả được coi là rất quan trọng nên phía nhà tổ chức luôn phải làm sao cho các buổi thi đấu thiệt hấp dẫn.

Dù có trọng tài, có một số phương tiện bảo hộ như găng tay hay kuki (dụng cụ che hạ bộ) nhưng, trước những trận đấu được quảng bá là có ký “sanh tử trạng”, ban tổ chức còn đặt luôn cả cỗ quan tài đen y như trong phim chưởng cho thêm phần gay cấn.

Tuy nhiên, dưới góc nhìn của các võ sư cao niên, việc thượng đài thi đấu không chỉ đơn giản là thắng thua tiền thưởng, mà còn là cách để họ phát huy võ cổ truyền, nâng cao danh tiếng của các hệ phái do người Việt sáng lập hoặc tập luyện thành công. Những trận đấu ấy giúp các lò võ rút ra kinh nghiệm, bổ sung, chỉnh sửa trong các đòn thế thực chiến, chứ không chỉ hài lòng với những bài quyền bay bổng mang những cái tên rất kêu như Hùng kê quyền, Lão hổ thượng sơn, Siêu sung thiên hay Lão mai quyền...

Thời của xin phép

Sau năm 1975, các hoạt động võ thuật thay đổi theo chiều hướng yếu dần, phần vì cơm áo gạo tiền, phần vì các lò võ không được cấp phép bởi tụ tập đông người, lại luyện võ ở thời điểm được coi là thái bình! Hẳn nhiên, các cuộc đả lôi đài cũng chẳng còn. Tập võ, đấu võ được đánh đồng với cổ súy bạo lực. Nhiều lò võ chỉ nhận môn sinh được người quen giới thiệu hoặc truyền lại cho con cháu để tinh hoa võ học không bị thất truyền.

Hơn chục năm sau, sinh hoạt võ thuật ở TP.HCM mới bắt đầu hừng lại một chút khi các nhà văn hóa, câu lạc bộ được phép chiêu sinh. Có thời điểm, chỉ trên mảnh sân xi măng nho nhỏ ở Câu lạc bộ 2 Tháng 9 quận Tân Bình, ba môn võ cùng tập luyện vì không đủ chỗ.

Nhưng, đến năm 1994 một lần nữa võ thuật lại lao đao khi lệnh cấm môn quyền Anh, môn thi đấu thường xuyên nhất và có nhiều khán giả đến xem ở hai nhà thi đấu Tinh Võ và Nguyễn Du được ban ra. Lệnh cấm này xuất phát từ việc, công tác tổ chức của các sở thể dục thể thao yếu kém, để vận động viên “tẩn” trọng tài, khán giả nhà lao lên ẩu đả với đoàn khách. Và cũng bởi tâm lý “quê độ” khi nhiều quan chức cấp cao chứng kiến cảnh võ sĩ Việt Nam thượng đài ở SEA Games gặp đối thủ Philippines, trong chớp nhoáng đã bị knock-out.

Mãi đến tháng 4.2002, quyền Anh mới được chính thức cho phép luyện tập và thi đấu trở lại trên lãnh thổ Việt Nam. Nhưng các trận thách đấu ngoài hệ thống giải thường niên do ngành thể thao tổ chức vẫn không được tổ chức. Thậm chí, các lò võ cũng không được quyền tổ chức giao đấu. Như hồi tháng 9.2015, diễn viên Johnny Trí Nguyễn cùng võ đường Liên Phong của mình tổ chức giải đấu “Kiện tướng võ thuật 2015” ở Nhà Bè. Sự kiện này có đêm thu hút đến 500 khán giả và bị lực lượng công an bắt phạt 76 triệu đồng vì chưa xin phép. Đến tháng 11.2016, Johnny Trí Nguyễn tổ chức “Ngày hội võ sĩ - Nha Trang 2016”, lần này anh có xin phép với nội dung “giao lưu, biểu diễn võ thuật” nhưng sau cuộc họp giữa Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Khánh Hòa với Công an tỉnh Khánh Hòa, ngày hội võ sĩ lại tiếp tục bị cấm.

Nguồn Người Đô Thị: http://www.nguoidothi.net.vn/vn/news//the-thao/9185/nhan-chuyen-vo-su-p-f-flores-sang-viet-nam-thach-dau-dau-cu-ti-vo-la-co-suy-bao-luc.ndt