Nhận diện muỗi truyền sốt xuất huyết để phòng bệnh

SKĐS - Dịch sốt xuất huyết (SXH) được cảnh báo diễn biến phức tạp, nguy hiểm. Hiện tại có 63 tỉnh thành có SXH, trong đó diễn biến phức tạp nhất là Hà Nội và TP.HCM.

Tính từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 80.555 trường hợp mắc SXH, 24 trường hợp tử vong. Trong đó gần 70.000 trường hợp phải nhập viện điều trị. Riêng Hà Nội, từ đầu năm đến nay đã có gần 14.000 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, chỉ đứng sau TP. HCM (16.500 bệnh nhân).

Đặc điểm của dịch sốt xuất huyết

SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính, tác nhân gây bệnh là do virut Dengue (tạm gọi là virut SXH). Loại virut SXH có 4 týp huyết thanh gây bệnh được ký hiệu là D1, D2, D3, D4 và một người có thể mắc các týp từ D1, D2, D3, D4 (có nghĩa là mắc týp D1, có thể mắc týp D2 hoặc D3, D4). Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người mắc bệnh SXH sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Hai loại muỗi truyền bệnh là Aedes aegypti (muỗi vằn) và Aedes albopictus (muỗi hổ châu Á), gọi chung là muỗi vằn.

Nhận biết muỗi vằn hút máu người truyền bệnh sốt xuất huyết

Muỗi vằn là có màu đen, chân, thân, bụng có khoang đen trắng rõ rệt nên thường gọi là muỗi vằn. Đặc biệt, vùng ngực có các vảy trắng xếp thành hàng, trên lưng có hình chiếc “đàn hai dây” màu trắng. Đây là loại muỗi có khả năng mang virut SXH và truyền từ người này sang người khác thông qua nốt đốt và hút máu người. Nếu trong máu người đó có virut SXH, khi muỗi vằn đốt và hút máu người lành khác (nếu người lành này chưa có miễn dịch với bệnh SXH), sẽ mắc bệnh SXH.

Bệnh nhân sốt xuất huyết nặng điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

Muỗi vằn thường sống trong nhà, gần người, trú đậu nơi có ánh sáng yếu, thường là các góc hoặc xó tối trong nhà, trên quần áo, chăn màn, dây phơi và các đồ dùng trong nhà, trên tường nhà nó dậu cao tới 2 mét. Đặc biệt chỉ có muỗi vằn cái đốt và hút máu người vào cả ban ngày lẫn ban đêm, thông thường từ 9 đến 10 giờ sáng, nhưng đốt và hút máu mạnh nhất là vào sáng sớm và chiều tối. Chúng bay rất nhanh, nếu tìm thấy mồi là lao vào đốt và hút máu ngay, đồng thời bám theo mồi rất dai và chỉ bay đi khi đã hút no máu.

Hoạt động tìm mồi hút máu của loài muỗi vằn thường phụ thuộc vào nhiệt độ của môi trường sống (trong nhà và ngoài trời), nếu nhiệt độ môi trường dưới 23oC, muỗi vằn hầu như không có khả năng hoạt động hút máu. Vì thế, muỗi vằn thường phát triển mạnh nhất vào mùa mưa (có nhiều nơi đọng nước sạch), thời tiết nóng ẩm, khi nhiệt độ trung bình hàng tháng vượt trên 20º C.

Chu kỳ phát triển của muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết

Chu kỳ phát triển của muỗi vằn truyền SXH từ lúc đẻ trứng đến phát triển thành bọ gậy (lăng quăng) trung bình là 7 ngày và thời gian phát triển từ bọ gậy thành muỗi trưởng thành chỉ mất khoảng 2 đến 3 ngày. Muỗi cái chuyên đi hút máu người có thể sống từ 20 - 40 ngày. Muỗi đực không hút máu người (chỉ hút nhựa cây). Muỗi vằn thường đẻ trứng, sinh sản ở các ao, vũng nước hoặc các dụng cụ chứa nước sạch ở trong và xung quanh nhà như bể nước, chum, vại, lu, bể đựng nước sạch, giếng nước, hốc cây hoặc các đồ vật hoặc đồ phế thải có chứa nước như lọ hoa, bát nước kê chạn, lốp xe, vỏ dừa, lon bia, lon nước ngọt... đặc biệt là nước sạch.

Phòng bệnh sốt xuất huyết là phải diệt muỗi và diệt bọ gậy

Phải hiểu rằng không có muỗi và không có bọ gậy (con đẻ của muỗi) thì không có bệnh SXH và lại càng không có dịch SXH. Vì vậy, muốn phòng bệnh tốt phải tập trung diệt muỗi, diệt bọ gậy, đồng thời tìm mọi cách xua muỗi, tránh muỗi đốt.

Để diệt muỗi tốt nhất là dùng mọi biện pháp từ dân gian đến hóa chất như dùng hương diệt muỗi (đốt hương muỗi), các loại đèn hoặc vợt bắt muỗi. Song song với diệt muỗi là tránh muỗi đốt bằng cách nằm màn lúc đi ngủ cả ban ngày lẫn ban đêm (tất nhiên là màn phải lành lặn, che chắn tốt để muỗi không vào được), đồng thời, người sống trong vùng có dịch SXH nên mặc quần dài, áo dài tay, chân nên đi tất mỗi khi ngồi làm việc. Biện pháp hữu hiệu nhất là phun hóa chất diệt muỗi. Phải phun từng ngõ ngách, góc nhà của từng tổ dân phố, từng nhà vì những vị trí đó mới là nơi cư trú của muỗi vằn. Cần phun thuốc diệt muỗi đồng bộ, cùng thời gian trong một tổ dân phố, trong một xóm, không để sót bất kỳ một gia đình nào để muỗi không còn chỗ ẩn nấp.

Để diệt bọ gậy, sau mỗi trận mưa cần khơi thông cống rãnh không để nước tù đọng, cần loại bỏ, lật úp các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảng chai, vỏ dừa, hốc tre, bẹ lá. Nếu sử dụng bình đựng hoa cần thay nước hàng ngày là tốt nhất, khi thay nước phải đảm bảo nước được thay không có trứng muỗi ở trong đó.

Để làm tốt công tác phòng bệnh SXH, tức là diệt muỗi và bọ gậy phải tuyên truyền rộng khắp toàn dân để mọi người đều biết tác hại của bệnh, của muỗi và bọ gậy bằng mọi hình thức như loa, đài phát thanh, tờ rơi và cần họp xóm, tổ dân phố, các đoàn thể để họ tham gia và tuyên truyền vận động mọi người trong gia đình cùng tham gia.

PGS.TS.BS. Bùi Khắc Hậu

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/nhan-dien-muoi-truyen-sot-xuat-huyet-de-phong-benh-n135502.html