Nhận diện thách thức của thị trường bán lẻ năm 2014

Năm 2013, thị trường bán lẻ đã chứng kiến nhiều đổi thay. Bước sang năm 2014, vẫn còn những thách thức, nhất là sức mua của thị trường chưa có dấu hiệu khả quan, đồng thời thị trường bán lẻ xuất hiện thêm nhiều tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài lớn, khiến cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Nhìn lại thị trường bán lẻ năm 2013 cho thấy, xét theo loại hình kinh tế, tổng mức bán lẻ của loại hình kinh tế cá thể tăng cao (16,7%), chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng số (50,3%), tăng so với cùng kỳ năm trước (48,5%). Tỷ trọng cao và tăng chứng tỏ phần lớn người tiêu dùng vẫn giữ truyền thống mua bán ở các cửa hàng nhỏ lẻ với các loại hàng có phẩm cấp, giá cả phù hợp với thu nhập. Các loại hình kinh tế khác (như kinh tế Nhà nước, kinh tế tư nhân, khu vực FDI) có tốc độ tăng chậm hơn, tỷ trọng giảm so với cùng kỳ năm trước. Kinh tế Nhà nước giảm làm tỷ trọng cũng giảm so với cùng kỳ năm trước (9,9% so với 12,1%). Loại hình kinh tế tư nhân tăng thấp hơn tốc độ tăng chung, nên tỷ trọng cũng giảm nhẹ (từ 35,6% xuống còn 35,3%)...

Tỷ trọng trong tổng mức bán lẻ của khu vực FDI, nếu năm 2007 - năm đầu tiên Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), với cam kết mở cửa trong nhóm ngành dịch vụ sâu rộng hơn, chiếm 3,7%, thì năm 2008 giảm xuống còn 3,4%, 11 tháng 2013, tỷ trọng đã tăng lên đạt 3,4%.

Bước sang năm 2014, một số nhà đầu tư mới trong nước và nước ngoài gia nhập thị trường sẽ làm tăng nguồn cung cho hệ thống bán lẻ để phục vụ nhu cầu ngày càng đa dạng của người tiêu dùng. Có thể kể đến những doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu của Việt Nam như: Saigon Coop đã mở gần 70 hệ thống Coop Mart và gần 70 Coop Food tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Nhiều doanh nghiệp khác đang nỗ lực đầu tư, mở rộng hệ thống và nâng cao chất lượng phục vụ trong lĩnh vực bán lẻ tổng hợp như: Satra, Hapro, Phú Thái, Fivimart… Theo đại diện Siêu thị Maximark, kinh tế luôn khó khăn nhưng nhu cầu tiêu dùng của người dân luôn tồn tại. Điều quan trọng là biết kích cầu tiêu dùng. Thêm nữa, nếu không nhanh chân đón đầu, các nhà bán lẻ trong nước sẽ bỏ mặc thị trường cho các nhà đầu tư ngoại có tiềm lực về kinh tế, kinh nghiệm trong bán hàng, tính chuyên nghiệp trong kinh doanh bán lẻ chiếm lĩnh”.

Tuy nhiên, thách thức mới cũng đặt ra trong năm 2014 là kênh bán lẻ hiện đại của Việt Nam mới chỉ chiếm 15% trong tổng hệ thống bán lẻ cả nước, trong khi các nước trong khu vực tỷ lệ này xấp xỉ 50%. Trong tương lai gần phân khúc này đang tăng lên khi thu nhập của giới trung lưu đang tăng dần. Và các doanh nghiệp nước ngoài đã nhắm đến phân khúc thị trường này. Theo số liệu của Công ty khảo sát, đánh giá thị trường Niesel, tại thành phố Hồ Chí Minh có trên 500 cửa hàng tiện lợi, trong đó 60% do các tập đoàn nước ngoài đầu tư, có sự khác biệt so với các cửa hàng tiện lợi trong nước, đó là hầu hết mởã cửa 24 giờ mỗi ngày và xuyên suốt cả tuần. Cửa hàng tiện lợi có cả không gian ăn uống và nghỉ trưa, có nghiên cứu sâu về tập quán tiêu dùng nội địa, dịch vụ tốt, đã “hút ” được người tiêu dùng. Doanh nghiệp bán lẻ có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có nhiều lợi thế về vốn, thương hiệu, mạng lưới, kỹ năng bán hàng, tuyên truyền quảng cáo, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, phương tiện cân đo đong đếm, vệ sinh an toàn thực phẩm…

Việc mở rộng đầu tư trong năm 2014 và những năm tiếp theo của các nhà đầu tư trong và ngoài nước đang trở thành minh chứng rõ nét cho sức hấp dẫn của thị trường bán lẻ Việt Nam. Cạnh tranh trên thị trường bán lẻ càng gay gắt, sẽ là sự thử thách, sàng lọc loại bỏ các doanh nghiệp có tư duy “ăn xổi” và người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi từ quá trình cạnh tranh này. Để có thể trụ vững, phát triển, bài học kinh nghiệm của các doanh nghiệp thành công cho thấy cần phải có sự nghiên cứu xu hướng tiêu dùng trong nước và trên thế giới nhằm định hướng phát triển cho ngành bán lẻ trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới cũng như nhu cầu thay đổi của người tiêu dùng.

Xuân Lan

Đại biểu nhân dân

Nguồn VietStock: http://vietstock.vn/2014/01/nhan-dien-thach-thuc-cua-thi-truong-ban-le-nam-2014-768-328693.htm