Nhận diện

Năm 2016, cả nước phát hiện 1.641 vụ xâm hại trẻ em, xử lý 1.807 đối tượng. Có 1.627 nạn nhân bị xâm hại, trong đó 1.248 vụ xâm hại tình dục... Ẩn sau những con số thống kê lạnh lùng trong báo cáo của Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) là những số phận vướng đầy bi kịch, những nỗi đau lặng câm theo suốt một đời người, những mất mát khó có thể định lượng về một hiểm họa - theo nhận định của chính những người trực tiếp tham gia vào các chuyên án liên quan đến trẻ em - đang gia tăng một cách đáng báo động...

13 tuổi, T. từ một tỉnh miền trung được bạn trai rủ rê ra Hà Nội kiếm việc làm. Vẫn mô típ cũ mèm và quen thuộc: nhà nghèo, muốn phụ giúp cha mẹ chăm lo cho gia đình, T. hăm hở leo lên ô-tô tới Thủ đô. Chân ướt chân ráo ở một nơi xa lạ, cậu bạn kia đón T. về nhà trọ “làm chuyện vợ chồng”. Xong “việc”, ý thức được hành vi của mình, cậu bạn đuổi T. đi với lý do “chỗ định xin việc họ không muốn nhận nữa”. Không quen ai, biết ai, lang thang giữa chốn đông người, T. bị một nhóm thanh niên lêu lổng bắt gặp, thay nhau hãm hại, rồi chúng lại gọi điện cho một gã đàn ông khác, khoe “có bò lạc”. Đang cùng vợ con đi chơi phố, gã đàn ông liền chở vợ con về nhà, đón T. vào nhà nghỉ. “Hành trình” xin việc của T. chỉ dừng lại khi em được bắt gặp thất thần vô định trên hè đường, được người có trách nhiệm đưa về một trung tâm hoạt động xã hội. Câu chuyện của em loang ra, lực lượng chức năng vào cuộc, toàn bộ những kẻ xâm hại T. bị bắt giữ, bị truy tố ra tòa với mức án cao nhất cho một người là 18 năm tù...

“Hầu hết các đối tượng xâm hại tình dục trẻ em đều ít thì nhiều, quen biết nạn nhân”, Trung tá Khổng Ngọc Oanh - Đội trưởng Đội điều tra tội phạm liên quan đến trẻ em, Phòng 6, Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) một điều tra viên dày dạn kinh nghiệm cho biết. Điều này cũng tương thích với cảnh báo của Quỹ Dân số Liên hiệp quốc: “93% trẻ em có khả năng quen kẻ xâm hại mình”. Trong hồ sơ của cơ quan công an, những “kẻ” đó hoàn toàn có thể là cha ruột, cha dượng, anh ruột, một ông chú ông bác họ, một thầy giáo dạy đàn, một gã hàng xóm... Hòa Bình đã xử lý vụ việc cha ruột hãm hại con gái, đau đớn là nội tình chỉ loang ra khi cô bé uống thuốc diệt cỏ tự tử mong trốn khỏi bế tắc, nhưng em may mắn được cứu sống. Trái ngược cách nghĩ của nhiều người, đối tượng xâm hại trẻ em không hẳn “biến thái, lệch lạc về tình dục” mà phần lớn đều là những người bình thường, hành động bột phát khi có cơ hội đến. “Cơ hội” ấy ẩn trú ở những nơi vắng vẻ, vào khoảnh khắc em bé thoát khỏi sự trông coi giám sát của người lớn. “Cơ hội” ấy cũng dễ đến với những người có lối sống thiếu lành mạnh, không chịu tu dưỡng, không biết chế ngự bản năng, để cho rượu bia lấn lướt... Đại tá Trần Mười, Trưởng phòng 6, Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) bật mí: Công an Phú Thọ vừa bắt khẩn cấp một gã đốn mạt hãm hại em bé dưới năm tuổi. Việc quá dễ dàng truy cập vào các trang web đen hay nhận thức pháp luật hạn chế, thậm chí ngô nghê bệnh hoạn kiểu đã bị tra còng vào tay vẫn gân cổ cãi “con gái tao tao muốn làm gì thì làm” cũng được cho là nguyên nhân dễ dẫn đến hành vi phạm tội. “Cơ hội” thậm chí không loại trừ cả việc nạn nhân - đối tượng bị xâm hại - thiếu vốn sống, thiếu kỹ năng sống. Một người trông coi bè cá ở Hải Phòng có tiếng hiền lành đã bị giam giữ bởi tội danh “giao cấu với trẻ em”. Ở cơ quan công an, ông ta thành khẩn khai báo. Cô bé vị thành niên nhà gần đó thường ra bè cá chơi, rất thích quàng vai bá cổ, hồn nhiên trêu ghẹo người đàn ông sống một mình. Việc gì đến đã đến, đôi bên cứ thế qua lại, cho tới khi gia đình cô bé bắt quả tang những tin nhắn khả nghi trong điện thoại của con em mình.

Theo Trung tá Khổng Ngọc Oanh, đúng như dư luận vẫn dấy lên, một nhóm đối tượng xâm hại trẻ em mang bệnh lý “ấu dâm”, chỉ có nhu cầu “làm trò người lớn” với các em bé, kể cả những em bé non tơ vài năm tuổi, kể cả các bé trai... Cơ quan công an Việt Nam thường xuyên nhận được tin nhắn thông báo từ đồng nghiệp các nước về tên tuổi những kẻ có “tiền án tiền sự” ấu dâm đã nhập cảnh vào Việt Nam. Nguy cơ bị lạm dụng thường trực, rình mò trẻ em ở khắp mọi nơi, ngay thời điểm bản thân các em và cha mẹ các em lơ là mất cảnh giác. “Cứ bốn bé gái thì có một em bị xâm hại tình dục, sáu bé trai thì có một em bị xâm hại tình dục, độ tuổi trung bình của các em khi bị xâm hại là chín; 47% số kẻ xâm hại có khả năng ở trong gia đình, họ hàng; 93% số kẻ xâm hại có khả năng là người quen biết”, cảnh báo của Quỹ Dân số Liên hợp quốc dễ làm ớn lạnh, toát mồ hôi bất cứ bậc cha mẹ nào có con nhỏ... Trong số các nguyên nhân được đưa ra lý giải cho sự gia tăng của vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em, có một phần đến từ các cơ quan chức năng. Dù đã rất cố gắng, nhưng các cơ quan chức năng vẫn chưa chủ động và kịp thời phát hiện, nắm bắt, thậm chí chưa được rèn giũa, tôi luyện kỹ năng làm việc với trẻ em trong các sự vụ nhạy cảm. “Có những cán bộ trẻ, dẫu nhiệt tình, nhưng thiếu kỹ năng, hỏi chuyện trẻ em lại cứ khô khan kiểu: đối tượng ấy hiếp cháu như thế nào khiến các em bị tái tổn thương, rất tội nghiệp”..., Trung tá Khổng Ngọc Oanh chia sẻ. Điều tra thân thiện là phương châm được ngành công an hướng tới, trong các vụ án liên quan tới trẻ em. Định kiến xã hội đeo đẳng từ ngàn đời cũng trói buộc nạn nhân và tạo thêm điều kiện cho kẻ đồi bại thực hiện thêm hành vi phạm tội. Phát hiện người cha dở trò đốn mạt với con gái ruột, người mẹ đã câm lặng nín thinh, chỉ tổ chức họp họ thông báo tình hình. Biện pháp đưa ra là cho “chìm xuồng” bắt gã đàn ông bỉ ổi kia hứa sửa chữa, thay đổi. Hứa, nhưng rồi sau đó, người cha tiếp tục hành động thú tính với cô con gái thứ hai. Lần này thì một người trong họ không chịu được, đứng ra tố cáo với cơ quan công an. Từ thực tế cuộc sống, Bộ Công an đã có công điện gửi công an các địa phương nghiêm cấm các biện pháp hòa giải, xử lý nội bộ những vụ xâm hại tình dục trẻ em, bằng mọi cách điều tra, đưa kẻ phạm tội ra xử lý nghiêm minh trước pháp luật để răn đe, ngăn chặn...

Quỹ dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNFPA) dịch và đăng tải clip với nội dung “Làm thế nào để bảo vệ các con của mình không bị xâm hại tình dục?” của tổ chức How to tell your child cảnh báo phụ huynh về năm mối nguy hiểm trẻ dễ gặp phải:

Báo động Nhìn: Khi có người nhìn vào vùng kín của trẻ, hoặc bắt trẻ nhìn vào vùng kín của họ.

Báo động Nói: Nói chuyện về vùng kín với trẻ.

Báo động Chạm: Khi ai đó sờ vào vùng kín của trẻ, hoặc dụ dỗ trẻ sờ vào vùng kín của người đó.

Báo động Bắt cóc: Đưa trẻ đến khu vực vắng mà không có sự cho phép của cha mẹ.

Báo động Ôm: Ôm trẻ theo cách không đứng đắn.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hangthang/tieu-diem/item/32403602-nhan-dien.html