Nhận được những đề thi này, học sinh nào cũng thích thú

Những nhân vật, bài hát nổi tiếng hay một vấn đề trong xã hội gây sự chú ý của dân mạng đã được đưa vào các đề thi, khiến nhiều học sinh thích thú.

Đỗ Nhật Nam vào đề thi Văn

"Thần đồng" Đỗ Nhật Nam đã xuất hiện trong câu nghị luận xã hội 8 điểm (theo thang điểm 20) - đề thi học sinh giỏi Văn, khối 11, tỉnh Bắc Giang: "Trong một lần trả lời phỏng vấn, du học sinh Đỗ Nhật Nam từng chia sẻ: 'Tiếng Anh giúp em đi xa, tiếng Việt giúp em về gần".

Câu nói của Đỗ Nhật Nam vào đề thi học sinh giỏi Văn.

Câu nói của Đỗ Nhật Nam gợi cho anh chị suy nghĩ gì? Hãy viết một bài văn để bày tỏ quan điểm của bản thân xoay quanh vấn đề trên".

"Thần đồng" Đỗ Nhật Nam.

Đề thi được nhiều người đánh giá hay. Câu nói của nhân vật thể hiện quan điểm về tầm quan trọng của tiếng Anh trong thời kỳ hội nhập (vì đó là ngôn ngữ quốc tế phổ biến) nhưng đồng thời nhắn nhủ không được quên tiếng mẹ đẻ - nguồn cội của dân tộc.

Bài hát 'Ông bà anh' vào đề kiểm tra học kỳ

Bài hát “Ông bà anh” của tác giả Lê Thiện Hiếu trong chương trình Sing my song (Bài hát hay nhất) được đưa vào đề kiểm tra học kỳ I, dành cho lớp 12, trường THPT Trường Chinh, TP.HCM.

Bài hát “Ông bà anh” của tác giả Lê Thiện Hiếu được đưa vào đề thi học kỳ.

Cụ thể, đề bài đưa ra đoạn văn bản trích bài hát Ông bà anh của Lê Thiện Hiếu:

Ông bà anh yêu nhau thời chưa có ti vi

Ông bà anh yêu nhau thời chưa có xe hơi

Ông thường đưa bà anh đi dạo quanh trên con ngựa sắt Thống nhất màu xanh

Ông bà anh đưa nhau đi khắp phố xa

Bà ngồi trên gác ba ga chiếc xe đạp tróc sơn

Ông mua tặng bà anh một đóa hoa

Và đó là món quà đầu tiên

Ôi tình yêu!

Ngày xưa đẹp lắm con ơi !

Những dòng thư tay viết vội, những lời ngây ngô đầu môi

Và thời ấy,

Bình dị lắm con ơi!

Chạm tay nhau 1 giây thôi, là nhớ nhau cả đời

(...)

Anh và em yêu nhau thời xe máy, ô tô

Anh và em yêu nhau thời facebook, zalo

Anh và em yêu nhau thời tay cầm oppo

Anh và em yêu nhau ngày tháng trôi mau

Vì:

Ta chẳng nói chuyện gì với nhau, ngồi bên nhau cầm điện thoại thật lâu

Và có nhiều lúc em giận dỗi khi anh chẳng muốn khoe em với thiên hạ hiếu kì

Ôi tình yêu!

Thời nay mệt quá ai ơi!

Giận nhau không nói 1 lời chỉ vì không rep inbox thôi

Và em ơi!

Thời nay mệt quá đi thôi!

Anh muốn tình yêu tuyệt vời, như ông bà anh

Và em ơi em, em có hiểu lòng anh, anh muốn 1 tình yêu xanh ngát xanh như ông bà anh.

Trong phần Đọc hiểu (3 điểm), đề yêu cầu học sinh trả lời các câu hỏi: Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản?

Tình yêu của hai thế hệ trong văn bản có gì khác nhau? Lời bài hát đã bộc lộ tâm sự gì của tác giả?

Tình yêu của ông bà ngày xưa được tái hiện qua hình ảnh, kí ức nào?

Những câu được gạch chân trong văn bản đã đề cập đến hiện tượng gì ở một số người trong cuộc sống hiện nay? Chỉ ra và phân tích một biện pháp tu từ trong văn bản?

Nhạc sĩ trẻ Lê Thiện Hiếu.

Ở phần Làm văn (câu hỏi 2 điểm), đề cũng yêu cầu bài Ông bà anh đang rất được nhiều bạn trẻ yêu thích.

Có người cho rằng Đừng ai bận lòng so sánh tình yêu xưa - tình yêu nay làm gì. Dù ngày xưa hay ngày nay thì tình yêu vẫn đẹp như nó vốn thế mà thôi. Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 từ) trình bày suy nghĩ của các bạn về câu nói trên.

Sau khi được đưa lên diễn đàn Học văn - văn học, đã có nhiều ý kiến bày tỏ sự thích thú khi cho rằng đề văn có tính sáng tạo, hấp dẫn, thú vị.

Tuy nhiên, nhiều người cũng đặt câu hỏi đây có phải là một đề văn thực thụ và thấy không phù hợp khi đưa vấn đề này vào đề kiểm tra.

Lời nhắn xin lỗi vì làm bể kính xe

Học sinh viết giấy xin lỗi vì làm bể kính xe... đã được đưa vào đề kiểm tra học kỳ môn Giáo dục công dân ở TP.HCM.

Cụ thể, câu 5 trong đề Giáo dục công dân lớp 7 được nhiều học sinh và phụ huynh đánh giá cao.

Đề đưa ra hình ảnh về mẩu giấy ghi lời nhắn xin lỗi kèm số điện thoại của một nam sinh lớp 11 ở Hải Phòng sau khi đâm vỡ gương xe. Đây là sự việc rất được chú ý thời gian qua trên cộng đồng mạng.

Cụ thể lời nhắn là “Do vô tình nên cháu đâm vào gương ôtô. Cháu xin lỗi ạ, liên lạc với cháu theo số điện thoại để cháu đền ạ (do không biết chủ ôtô là ai) 0949...”.

Đề còn ghi thêm “Chủ xe không bắt đền mà còn lấy đó làm tấm gương cho con mình” và yêu cầu học sinh hãy viết đoạn văn (7 - 10 câu) nêu suy nghĩ của em về bạn HS trên và bản thân em sẽ rèn luyện như thế nào để trở thành người trung thực?

Thực phẩm bẩn và nạn “hôi của”

Cụ thể, câu 4 nêu một số người kinh doanh buôn bán chú ý đến số lượng mà không quan tâm chất lượng như hàng giả, trái cây hóa chất, thực phẩm bẩn...

Còn ở câu 5, đề đưa ra sự kiện: Tại Bình Định, ngày 1/1/2016, trên quốc lộ 1D, đoạn qua đường Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn), ôtô tải đang chở hàng gặp nạn bị cháy, nhiều mặt hàng trên thùng xe hư hỏng.

Hàng chục người chạy vào hôi của, họ cầm bao và túi nylon chạy đến lục xới và lấy những vật dụng còn sót lại như bột giặt, bột ngọt, sữa...Tài xế phụ của xe đứng khóc, bất lực nhìn đám đông vơ vét hàng hóa.

Từ đó, đề yêu cầu học sinh viết đoạn văn dài (7 - 10 câu) khuyên những người dân không nên hôi của khi người khác gặp nạn nên sống tình nghĩa, yêu thương nhau.

Video: Công bố đề thi minh họa kỳ thi THPT quốc gia 2017.

Lưu Ly (tổng hợp)

Nguồn VTC: http://vtc.vn/nhan-duoc-nhung-de-thi-nay-hoc-sinh-nao-cung-thich-thu-d292761.html