Nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2: Còn đó, những tấm lòng...

13h ngày 18 tháng Chạp âm lịch, xuất phát từ Đại học Y dược TP HCM, nhóm công tác xã hội từ thiện "Tấm lòng Việt “ gồm 16 thành viên lên xe đi huyện Tân Châu, tỉnh An Giang để ngày hôm sau, sẽ tiến hành khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 500 bà con nghèo theo lời mời của Huyện ủy, UBND Tân Châu.

1. Ý tưởng hình thành nhóm "Tấm lòng Việt" xuất hiện khoảng 5 năm về trước. Nhóm trưởng - bác sĩ Nguyễn Cộng Hòa, giảng viên bộ môn Ngoại tổng quát, Đại học Y Dược TP HCM, đồng thời là Phó chủ tịch Công đoàn Khoa Y, nhớ lại: "Hồi đó, sau khi mổ cho một bệnh nhân, người nhà họ đã gặp gỡ, cảm ơn tôi. Trong lúc trò chuyện, họ gợi ý với tôi là tổ chức một nhóm y, bác sĩ về quê họ ở Tiền Giang để khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho bà con nghèo. Kinh phí họ lo hết...". Vốn đã có kinh nghiệm trong những lần tham gia công tác xã hội từ thiện do Công đoàn Khoa Y tổ chức, bác sĩ Nguyễn Cộng Hòa nhanh chóng tập hợp đội ngũ chuyên môn - là những giảng viên Đại học Y Dược TP HCM, là một số bác sĩ hiện đang công tác ở các bệnh viện trong thành phố, là những điều dưỡng, dược sĩ, dược tá, là những sinh viên Y khoa có tâm huyết. Lưu Khiết Nghi, Nguyễn Lê Thu Hằng, Vương Bích Trân, Vũ Thị Phương Thảo, Phạm Thị Xuân Thư..., tất cả đều là sinh viên Y khoa năm thứ 5, năm thứ 6, nói: "Thầy Cộng Hòa dạy tụi em về Ngoại khoa nên khi thầy kêu, là tụi em tham gia liền". Sau chuyến đi Tiền Giang năm ấy, tiếng lành đồn xa. Bây giờ, nhóm công tác xã hội "Tấm lòng Việt" đã có một bộ "khung" cứng: Ngoài bác sĩ Nguyễn Cộng Hòa, còn có bác sĩ Võ Thị Mỹ Dung, giảng viên bộ môn Nội gan mật - Đại học Y Dược TP HCM; bác sĩ Lư Huỳnh Thanh Thảo, nội trú Tai Mũi Họng BV Chợ Rẫy; bác sĩ Vũ Đức, Khoa Ngoại tổng quát BV Chợ Rẫy; bác sĩ Vương Trọng Hiếu, BV phụ sản Hùng Vương; bác sĩ Lê Văn Vui, bác sĩ Xuân Hòa, bác sĩ Nguyễn Minh Khanh, khoa Răng Hàm Mặt BV An Bình; bác sĩ Mai Đức Huy, khoa Tim mạch; bác sĩ Nguyễn Hữu Long, thuộc Ban Bảo vệ sức khỏe Tỉnh ủy Đồng Nai - là con rể của nhân vật nổi tiếng trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ: "Anh Ba Hưng" với bài hát đã đi vào huyền thoại... Suốt 5 năm kể từ ngày hình thành nhóm, "Tấm lòng Việt" đã đi nhiều nơi, khám bệnh, cấp thuốc, nhổ, trám răng cho hàng chục nghìn người. Từ những xã hẻo lánh ở vùng rừng núi, căn cứ kháng chiến cũ thuộc huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi đến những ấp nằm lẻ loi trên những cù lao, tứ bề sông nước ở huyện Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng; huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau. Từ những phum, sóc người Việt gốc Khơme ở huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh đến các xóm chài ngoài đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận... Tất cả những chuyến đi ấy, các nhà hảo tâm - người cho tiền mua thuốc, người tặng một chuyến xe, người lo chỗ ăn, chỗ ngủ. Tất cả chỉ vì một mục đích duy nhất, đó là góp phần cùng xã hội, chăm sóc sức khỏe cho những người nghèo. Nhóm "Tấm lòng Việt" chuẩn bị thuốc men để cấp phát cho bà con nghèo. 2. Nhắc đến những nhà hảo tâm thì không thể không nhắc đến các ông Lâm Nhơn Hưng, Lưu Minh Quan, Trần Văn Lộc, Huỳnh Văn Khai, Tống Văn Toàn, Đặng Thành Phước, Trần Văn Út, Huỳnh Chí Tân, Hàn Vĩnh Mai, Đặng Phước Ái... Họ là chủ những cơ sở sản xuất, hoặc là cán bộ còn đương chức - hay đã nghỉ hưu nhưng hầu như bất kỳ một chuyến đi nào, họ cũng đều có mặt. Ông Lâm Nhơn Hưng, nói: "Mình không có chuyên môn về nghề Y, nhưng mình đi là để động viên tinh thần các em, các cháu". Ông Lưu Minh Quan, chủ cơ sở sản xuất vòi nước (rôbinê) cho biết: "Tất cả mọi chuyến đi, tôi lấy xe của tôi chở thuốc, chở người để giảm bớt chi phí". Ông Đặng Thành Phước, chủ cơ sở dệt lưới đánh cá thì đơn giản hơn: “Thứ 7, chủ nhật, lẽ ra các y bác sĩ ở nhà với gia đình hoặc làm thêm để tăng thu nhập nhưng anh chị em lại bỏ thời gian đến với những người nghèo. Điều đó làm tôi rất cảm động”. Anh Tống Văn Toàn, Giám đốc Công ty may Toàn Thủy do bận công việc nên ít khi tham gia, nhưng cứ hễ nghe nhóm chuẩn bị đi khám ở nơi này, nơi kia, là anh lại ủng hộ vật chất. Tháng nào cũng vậy, kẻ ít người nhiều, những nhà hảo tâm đều đặn đóng góp một số tiền trích ra từ lợi nhuận kinh doanh, để "Tấm lòng Việt" làm quỹ, mua thuốc. Đại tá Trần Văn Lộc, Trưởng Công an quận 11, TP HCM, nay đã nghỉ hưu, nói: "Có những chuyến đi, anh em tụi tôi còn vận động xin sách, xin tập, xin gạo ủng hộ đồng bào". Chẳng những góp tiền, góp của, mà mỗi khi đến điểm khám bệnh, trong lúc các bác sĩ tiến hành thăm khám, các dược sĩ, dược tá, các sinh viên Y khoa sắp xếp thuốc men thì anh Huỳnh Văn Khai, cán bộ Chi nhánh Điện lực huyện Bình Chánh lại nhận nhiệm vụ đọc tên từng bệnh nhân, mời họ đến lĩnh thuốc. Lại có chuyến đi, như chuyến đi huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi hồi tháng 8/2009, các nhà hảo tâm khởi hành trước 2 ngày để liên hệ với chính quyền địa phương, tìm địa điểm khám bệnh, cấp thuốc đồng thời sắp xếp chỗ ăn, chỗ nghỉ cho nhóm. Nhờ vậy, khi các thành viên trong nhóm lên đến nơi, thì mọi sự đã sẵn sàng. 3. Những chuyến đi công tác xã hội từ thiện ấy, đã để lại nhiều dấu ấn trong lòng những người tham gia. Có đêm, cả nhóm cùng ngủ trong một trường học, xếp bàn ghế lại làm giường. Phụ nữ được ưu tiên ở phòng có quạt máy, còn cánh nam giới thì ở một phòng mà quạt máy đã... bị hư. Có đêm, nhóm ngủ ở Hội trường Ủy ban xã và cũng có đêm, một gia đình người dân tốt bụng đã lau sạch hàng hiên rồi cho cả nhóm mượn 2 chiếc mùng - loại mùng rất lớn, nằm được cả chục người. Thế là chia nhau ra, nam chung một mùng, nữ một mùng, tất cả lăn ra nền gạch bông ngủ lấy sức để ngày mai "chiến đấu". Hồng Liên, điều dưỡng BV Đại học Y Dược, là thủ quỹ kiêm hậu cần của nhóm, kể: "Trước lúc khởi hành, em mua bánh mì thịt, nước suối. Lên xe, chia nhau mỗi người một ổ, một chai nước. Thế là xong". Đối với các sinh viên, mỗi chuyến đi ngoài việc tạo cho mình những kỹ năng hội nhập cộng đồng, thì đó còn là dịp để họ trau dồi thêm về chuyên môn. Hải Đường, sinh viên Y khoa năm thứ 6, nói: "Qua việc khám, chữa bệnh của các thầy, cô, của những bác sĩ đàn anh đi trước, em học được rất nhiều. Chẳng hạn như cũng là bệnh viêm phế quản, nhưng mỗi bác sĩ lại điều trị theo một trường phái khác nhau. Tổng hợp những kiến thức ấy lại, sẽ là vốn quý cho em sau này khi ra đời". Lưu Khiết Nghi, sinh viên năm thứ 5, nói: "Ở trường Y, cô Mỹ Dung nổi tiếng là một giảng viên rất nghiêm khắc trong học tập. Nhưng khi đi với nhóm, cô lại rất... dễ thương. Những đơn thuốc với những chẩn đoán về các bệnh gan mật của cô, đối với tụi em cũng chính là những bài giảng". 4. Đi công tác xã hội, vui cũng nhiều mà... buồn cũng chẳng thiếu. Lần đi huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, một thành viên trong nhóm không may bị cạnh sắc của một viên gạch bông cắt đứt chân vùng gần mắt cá một đường dài, sâu hoắm, máu chảy đầm đìa. Sau khi băng ép cầm máu, mới nhớ ra rằng gần đó có bệnh xá Đặng Thùy Trâm! Gần 8 giờ tối, bệnh xá chỉ có một điều dưỡng trực nhưng khổ thay, cô điều dưỡng lại mang bầu 6 tháng. Trước tình cảnh này, bác sĩ Xuân Hòa đề nghị cô điều dưỡng cho nhóm mượn bộ tiểu phẫu rồi sau đó, bác sĩ Xuân Hòa gây tê, bác sĩ Cộng Hòa khâu vết thương. Ác thay, kim khâu lại chẳng phải là kim tam giác khâu da, mà là kim tròn chuyên dùng để khâu cơ nên bác sĩ Cộng Hòa phải nghiến răng nghiến lợi, móc cây kim cho qua được lớp da khá dày, còn bác sĩ Mỹ Dung thì liên tục động viên cô học trò của mình cố gắng chịu đựng. Cuối cùng, cô điều dưỡng bệnh xá Đặng Thùy Trâm chỉ nhận 44 nghìn đồng, là tiền vật tư tiêu hao, bao gồm kim, chỉ, thuốc gây tê, bơm tiêm, băng, gạc và thuốc sát trùng. Một kỷ niệm nữa. Lần đó nhóm chuẩn bị đi khám, chữa bệnh, cấp thuốc ở một xã thuộc huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu theo đề nghị của địa phương. Bác sĩ Nguyễn Cộng Hòa, kể: "Trước ngày đi 1 tuần, tôi đã gửi công văn nói rõ về mục đích của chuyến công tác, cùng danh sách tất cả những thành viên tham gia, gồm họ tên, chức vụ, nơi công tác, số điện thoại cùng bản danh mục thuốc, liệt kê tất cả những loại thuốc mà nhóm mang theo để cấp phát cho bà con". Thế nhưng gần sát ngày đi, Sở Y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lại yêu cầu những bác sĩ tham gia nhóm, phải gửi cho Sở bản photo bằng... bác sĩ để sở xem xét. “Đành rằng đó là quy định chung của ngành y tế nhằm tránh trường hợp có người lợi dụng danh nghĩa từ thiện để làm việc xấu, nhưng áp dụng máy móc quá thì chúng tôi chịu thua". Cuối cùng, 600 bà con đã được gửi giấy mời đến khám bệnh, đành đợi một ngày khác. Chỉ tính riêng trong năm 2009, nhóm công tác xã hội từ thiện "Tấm lòng Việt" đã thực hiện 12 chuyến đi, với kinh phí thuốc men gần 200 triệu đồng, do những nhà hảo tâm trong nhóm ủng hộ. Bác sĩ Võ Thị Mỹ Dung cho biết: "Ăn tết xong, nhóm có 3 "đơn đặt hàng". Đó là xã Cổ Thạch, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận; huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long cùng một xã nữa ở huyện Củ Chi TP HCM". Và mặc dù việc làm của nhóm vẫn còn rất nhỏ nhoi nhưng thật đáng trân trọng, bởi ở đó vẫn có những tấm lòng...

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/vi-vn/sukien/2010/3/71742.cand