Nhân Ngày truyền thống Học sinh, sinh viên Việt Nam (9-1): Kỷ niệm khó quên

Tháng 6-2016, vào một ngày đẹp trời, tôi nhận được một cuộc điện thoại bất ngờ, một người bạn có tên là Võ Trữ - là cựu lớp trưởng của tôi từ những năm học cấp 2 trong trường học sinh miền Nam trên đất Bắc.

Ảnh 1

Võ Trữ gọi điện báo tin cho tôi là anh đang tổ chức một cuộc họp mặt quan trọng tại Đà Nẵng, anh muốn tôi cùng tham gia, vì đây là cơ hội để gặp lại bạn bè thuở xưa.

Không cần phải đắn đo gì nên tôi nhận lời ngay. Khi bay ra đến Đà Nẵng tôi mới biết đây là điểm hẹn gặp mặt để kỷ niệm 50 năm của đoàn 50 du học sinh Cuba. Trong số 20 sinh viên do Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam đưa sang Cuba ngày ấy, đa số là bạn học cùng trường, cùng lớp với tôi, với những kỷ niệm thân thương từ tuổi thiếu nhi.

Câu chuyện bắt đầu từ cuối mùa hè năm 1966, những năm tháng mà không quân Mỹ điên cuồng ném bom phá hoại miền Bắc Việt Nam. Để giúp đỡ và nâng cao chất lượng đào tạo đại học của nước ta trong thời kỳ này, các nước xã hội chủ nghĩa anh em đã nhận nhiều lưu học sinh sang đào tạo trên đất nước của họ, trong đó người anh em nhiệt tình nhất là Cuba.

Các bạn trong nhóm 50 du học sinh ở Cuba còn giới thiệu cho tôi xem những hình ảnh rất quý giá về đất nước Cuba xinh đẹp và tình hữu nghị tuyệt vời.

Năm 1966 có 50 nam du học sinh được sang học tập và đào tạo tại Cuba với danh nghĩa là đoàn sinh viên của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Trong đó có 20 nam sinh của Việt Nam Dân chủ cộng hòa, 20 nam sinh do Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và 10 du học sinh là cán bộ thuộc Bộ Quốc phòng và Công an cử đi học.

Ngay từ những ngày đầu tiên đặt chân đến Cuba, những sinh viên Việt Nam luôn được Chính phủ, Nhà nước Cuba và Chủ tịch Fidel Castro quan tâm đặc biệt. Những năm tháng ấy Việt Nam và Cuba cùng có kẻ thù chung là đế quốc Mỹ, nhân dân Việt Nam đang trong cuộc kháng chiến oanh liệt để giải phóng miền Nam và chống trả những cuộc không kích điên cuồng của không quân Mỹ ở miền Bắc.

Sau 5 năm học đại học ở Cuba, từ năm 1970 đến cuối năm 1972 đa số các thành viên trong nhóm du học sinh của đoàn 50 trở về Việt Nam để nhận công tác theo yêu cầu của các bộ, ngành, dựa vào trình độ chuyên môn được đào tạo của từng người. Tuy nhiên, do nhu cầu công tác nên vẫn còn một số người trong nhóm lưu lại Cuba.

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, kể từ ngày nhóm 50 đặt bước chân đầu tiên lên đất nước Cuba, đến ngày hôm nay tất cả mọi thành viên trong nhóm đã nghỉ hưu. Nhưng được hẹn hò tìm đến nhau để ôn lại những kỷ niệm xưa, tất cả đều rất vui và hăng hái.

Trương Đình Chiểu đã khoe với tôi tấm hình được chụp chung với Chủ tịch Fidel Castro và nữ anh hùng Moncada Cuba: Melba Hernaldez - người cùng ở tù với Fidel (ngày 26-3-1953). Sau này bà từng là Chủ tịch Hội Hữu nghị Cuba - Miền Nam Việt Nam vào những ngày đầu thành lập (tháng 9-1963). Những năm sau đó, bà đảm nhận vai trò Đại sứ Cuba tại Việt Nam (Chiểu là người đứng hàng đầu bên phải) (ảnh 1).

Trong một tấm hình khác có mặt Trương Đình Chiểu và Trần Quốc Bé được chụp chung với Fidel (đang ngồi), đứng đầu bên trái là Chiểu (áo kẻ caro) ở giữa là ông Hoàng Trà đầu bếp Việt Nam, người bên phải hình là Trần Quốc Bé (sau này Trần Quốc Bé làm đại sứ Việt Nam tại Panama và Mexico). Bức hình được chụp trong bữa cơm thân mật với Fidel tháng 7-1969 tại La Habana (ảnh 2).

Ảnh 2

Tôi vốn không thích nhắc đến thành tích của người khác, vì thời đại của chúng tôi sống và làm việc ngày ấy, trước hết là vì Tổ quốc, vì nhân dân phục vụ. Trong sự nghiệp lao động, học tập chân chính của mình mỗi người chúng tôi đều có những hoàn cảnh riêng, có những bức tường ngăn cách vô hình, ai muốn chiến thắng tự mình phải tìm lấy lối đi để vượt qua chính mình. Nhưng tôi rất nể phục những tấm gương của những người bạn cùng thế hệ với chúng tôi ngày ấy, nên không thể không nhắc đến

Nguyễn Luận bạn cùng quê Quảng Ngãi, khi ra Bắc cùng học chung lớp cho đến hết lớp 8. Bạn học giỏi và thông minh, sau này là sinh viên Đại học Kiến trúc La Habana, đã từng đoạt giải cuộc thi thiết kế công trình do sinh viên quốc tế tổ chức.

Võ Trữ là người bạn, lớp trưởng của tôi nhiều năm, năm học nào anh cũng là học sinh giỏi. Sau khi tốt nghiệp và lấy bằng kiến trúc sư từ Đại học La Habana - Cuba trở về, anh làm công tác giảng dạy tại Trường đại học Kiến trúc Hà Nội.

Ngày thống nhất đất nước, trước khi trở về miền Nam, anh được Đảng, Nhà nước phân công theo đoàn chuyên gia của Tổng cục Cao su sang Nicaragua.

Với Trương Đình Chiểu, sang Cuba học về Văn học châu Mỹ la tinh, là nghề được đào tạo để ăn nói và viết lách, vì thế ngay từ những năm đầu ở trường đại học, anh được tạo điều kiện tham gia với nhiều hoạt động thực tế hơn. Trước hết là được chọn làm phiên dịch cho đoàn thanh niên Việt Nam sang chặt mía tại Cuba vào năm 1968. Năm ấy, Cuba đưa ra kế hoạch sẽ hoàn thành sản xuất 10 triệu tấn đường, sự kiện này đã được các liên đoàn thanh niên thế giới ủng hộ và tình nguyện đưa nhiều đoàn đến Cuba chặt mía. Trong những tấm hình đoàn thanh niên Việt Nam chặt mía ở Cuba đều có sự góp mặt động viên của Fidel Castro và có Trương Đình Chiểu phiên dịch.

Sau khi học xong chương trình ở Cuba, Trương Đình Chiểu về nước hoạt động trong lĩnh vực báo chí tại ban CP72, cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng thì làm việc tại Ủy ban Quân quản TP.HCM.

Vài năm tiếp theo Chiểu về làm Tổng biên tập Báo Nghĩa Bình. Sau đó chuyển cả gia đình vào Bình Dương công tác. Năm 1986, Chiểu được điều vào một đơn vị đặc biệt của Quân đội nhân dân Việt Nam trở lại Cuba cho đến hết năm 1989 anh trở về Việt Nam.

Sau nghỉ hưu, năm 2014 Chiểu được mời làm phiên dịch cho đoàn chuyên gia Cuba xây dựng tuyến đường Hồ Chí Minh. Mới đây nhất anh vừa dịch xong cuốn sách Chú bé đồ hộp của nữ văn sĩ Áo Christine Npstiger, người được Giải Anderson văn học dành cho thiếu nhi…

Từ những tấm hình mới hiểu ra những năm tháng ấy Nhà nước ta đã có tầm nhìn tuyệt vời. Nhà nước Cuba đã có nền giáo dục nhìn xa trông rộng để cho 50 con người được đào tạo ở Cuba ngày ấy khi trở về Việt Nam đều trở thành những trí thức yêu nước, đã cống hiến hết mình cho Tổ quốc.

Những người bạn của tôi, bây giờ tuổi đã cao nhưng chẳng thấy bạn nào già đi, mỗi lần gặp nhau là ôn lại quá khứ vui vẻ, những năm tháng khó khăn nhưng đầy ắp tình người. Một cuộc gặp mặt với những kỷ niệm không bao giờ quên.

Trong ngày gặp mặt, Võ Trữ và Trương Đình Chiểu đã tặng cho tôi và các bạn trong nhóm học sinh miền Nam một tấm hình chụp chung từ ngày còn là học sinh lớp 8, là sự khởi đầu ôn lại những kỷ niệm xưa, đáng nhớ. Ngày ấy tôi và các bạn trong bức hình này như: Võ Trữ, Trương Đình Chiểu, Nguyễn Luận, Võ Tấn Thành, Mai Đức Chính, Nguyễn Đựng, Bùi Dũng, Trần Quốc Bé vào tuổi lên 8, lên 10, đầu năm 1955 từ các vùng quê miền Trung như Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định tập trung về cảng Quy Nhơn để chờ tàu thủy của Ba Lan chở đi tập kết ra miền Bắc. Sau 3 ngày 2 đêm trên biển, tàu đến Sầm Sơn - Thanh Hóa rồi từ đó chúng tôi được chuyển đến các trường học sinh miền Nam ở Hải Phòng, Hà Đông, Hà Nam… Tại những nơi này, chúng tôi được học hết phổ thông rồi vào đại học trong và ngoài nước, nơi ươm mầm của những “Hạt giống đỏ”.

Hoàng Đình Nguyễn

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202401/nhan-ngay-truyen-thong-hoc-sinh-sinh-vien-viet-nam-9-1-ky-niem-kho-quen-82d2255/