Nhận rõ trách nhiệm trước nhân dân

(ANTĐ) - Phát biểu trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XII, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, nhận rõ trách nhiệm trước đất nước, trước nhân dân, Chính phủ sẽ bám sát tình hình, nâng cao năng lực dự báo, hành động quyết liệt, sáng tạo và nỗ lực cao nhất để thực hiện tốt trọng trách nhân dân giao phó.

Sau phát biểu khai mạc kỳ họp của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, phiên làm việc đầu tiên của Quốc hội bắt đầu với phần báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2009 và nhiệm vụ năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng. Nhìn lại quá trình ứng phó với suy thoái kinh tế trong những tháng đầu năm 2009, Thủ tướng cho rằng, những khó khăn, thách thức là “trầm trọng” song bằng những giải pháp tổng hợp, Việt Nam đã sớm ngăn chặn được đà suy giảm. Các doanh nghiệp đã vượt qua thời điểm khó khăn nhất, sản xuất đã phục hồi và có bước phát triển, lao động được thu hút trở lại. Từ quý II-2009, giá trị sản xuất công nghiệp tăng ổn định, tháng sau cao hơn tháng trước. GDP tăng đều qua các quý, từ 3,14% của quý I, 4,46% quý II tới 5,76% quý III. 9 tháng đầu năm GDP tăng 4,56% dự kiến cả năm 2009 tăng khoảng 5,2% đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Tuy mức tăng GDP của Việt Nam được đánh giá là cao nhất trong khu vực nhưng người đứng đầu Chính phủ chưa hài lòng bởi “tốc độ tăng GDP vẫn thấp nhất trong 10 năm trở lại đây”. Phân tích rõ những diễn biến trong điều hành nền kinh tế, chuyển từ ưu tiên kiềm chế lạm phát sang ưu tiên ngăn chặn suy giảm kinh tế, Thủ tướng cho rằng, “đây là sự chuyển hướng quan trọng, kịp thời, đúng đắn và cũng rất khó khăn thể hiện bước tiến mới về năng lực lãnh đạo, trình độ dự báo và khả năng phản ứng”. Chỉ ra những tồn tại, yếu kém của nền kinh tế, Thủ tướng nhấn mạnh: “Tăng trưởng chủ yếu vẫn theo chiều rộng, cơ cấu kinh tế kém hiệu quả, năng suất lao động, chất lượng và sức cạnh tranh còn thấp”. Thủ tướng đánh giá, các cân đối vĩ mô của nền kinh tế chưa thật vững chắc. Điều hành tỷ giá và thị trường ngoại hối chưa thật linh hoạt, dẫn đến tình trạng găm giữ USD. Bội chi ngân sách tăng và chính sách tiền tệ nới lỏng luôn tiềm ẩn nguy cơ lạm phát cao trở lại. Đặc biệt, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực và thể chế kinh tế thị trường chưa có bước cải thiện đáng kể, hiện vẫn là những điểm nghẽn của tăng trưởng. Môi trường kinh doanh chưa thật thông thoáng. Bộ máy hành chính còn cồng kềnh, hiệu lực, hiệu quả còn thấp. Cùng với đó, mạng lưới giao thông chưa hoàn chỉnh, chất lượng thấp. Hệ thống thủy lợi chưa đồng bộ, hiệu quả quản lý và sử dụng chưa cao. Quản lý Nhà nước về chất lượng giáo dục, đào tạo còn bất cập. Chất lượng nguồn nhân lực thấp. Việc bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội cũng còn nhiều khó khăn... Nhận định “thách thức ở phía trước là rất lớn” và “tín hiệu phục hồi kinh tế toàn cầu còn yếu”, song Chính phủ vẫn đề xuất các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 cao hơn so với năm 2009. Thủ tướng nhấn mạnh, sẽ tập trung mọi nỗ lực phục hồi tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức cao hơn năm 2009; nâng cao chất lượng tăng trưởng, tăng cường sự ổn định của kinh tế vĩ mô và ngăn chặn lạm phát cao trở lại; bảo đảm an sinh xã hội và cải thiện một bước đời sống nhân dân... GDP tăng khoảng 6,5% so với 2009. Chỉ số giá tiêu dùng khoảng 7%; tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 10%; điều chỉnh lương tối thiểu trong các doanh nghiệp từ đầu năm 2010, lương tối thiểu chung lên 730.000 đồng/tháng từ 1-5-2010... Thủ tướng cũng làm rõ 5 nhóm giải pháp lớn để thực hiện các chỉ tiêu của năm 2010. Trước hết, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; đẩy mạnh sản xuất, phát triển dịch vụ; khẩn trương xây dựng đề án và thực hiện một bước tái cấu trúc nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Đồng thời, điều hành linh hoạt, thận trọng chính sách tài chính, tiền tệ để ổn định kinh tế vĩ mô, ngăn ngừa tái lạm phát cao và bảo đảm mục tiêu tăng trưởng. Cùng lúc, phải bảo đảm tốt an sinh xã hội và phúc lợi xã hội; phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội và bảo vệ môi trường. Ngoài ra, cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và tăng cường quốc phòng, an ninh; bảo đảm trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển đất nước. Báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm ủy ban Kinh tế của Quốc hội Hà Văn Hiền trình bày cơ bản tán thành những nhận định trong báo cáo của Chính phủ. Đa số ý kiến trong ủy ban Kinh tế nhất trí đề nghị tốc độ tăng trưởng GDP năm 2010 là 6,5% và chỉ số giá tiêu dùng năm 2010 tăng không quá 8%. Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra cảnh báo: “Có những mặt hạn chế đã tích tụ trong nội tại nền kinh tế, song cũng có những hạn chế mới phát sinh do tác động trái chiều của việc thực hiện các chính sách mới ban hành”. Đơn cử, một số cân đối vĩ mô chưa thật vững chắc, còn nhiều yếu tố tiềm ẩn bất ổn. Bội chi ngân sách cao trong nhiều năm trở lại đây. Nợ Chính phủ tăng cao, và “nếu không có giải pháp quyết liệt để giảm dần bội chi ngân sách thì trong vài năm tới, nợ Chính phủ sẽ tiến dần đến mức giới hạn an toàn. Thêm vào đó, nền kinh tế vẫn tăng trưởng theo chiều rộng trong khi chất lượng tăng trưởng chưa cao. Tổng mức đầu tư toàn xã hội bằng 42,2% GDP (kế hoạch là 39,5% GDP), trong khi tốc độ tăng trưởng sụt giảm chỉ còn khoảng 5,2%, chỉ số ICOR tăng lên trên 8 so với mức 6,66 của năm 2008. Về thực hiện cho vay hỗ trợ lãi suất 4%, đa số ý kiến trong ủy ban Kinh tế cho rằng, gói hỗ trợ lãi suất vay vốn ngắn hạn đã hoàn thành vai trò “giải cứu” cho một bộ phận doanh nghiệp gặp khó khăn, song vấn đề quan trọng đặt ra là chưa kiểm soát được hiệu quả thực chất của các khoản tín dụng...

Nguồn ANTĐ: http://www.anninhthudo.vn/tianyon/index.aspx?articleid=60179&channelid=3