Nhân rộng các điển hình lao động giỏi, sáng tạo

Dấn thân với nghề, luôn biết cách khắc phục khó khăn để tạo ra sáng kiến, góp phần vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp (DN), đây chính là 'mẫu số chung' của 77 công nhân viên chức - người lao động đã được Liên đoàn Lao động (LÐLÐ) TP Hồ Chí Minh vinh danh trong phong trào 'Lao động giỏi, lao động sáng tạo' năm 2016-2017.

Dấn thân với nghề, luôn biết cách khắc phục khó khăn để tạo ra sáng kiến, góp phần vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp (DN), đây chính là "mẫu số chung" của 77 công nhân viên chức - người lao động đã được Liên đoàn Lao động (LÐLÐ) TP Hồ Chí Minh vinh danh trong phong trào "Lao động giỏi, lao động sáng tạo" năm 2016-2017.

Năm 2012, vào làm công nhân may túi xách ở Công ty TNHH Sakos (quận 3) khi mới 21 tuổi, Lê Văn Vũ, quê An Giang chỉ mong muốn kiếm tiền phụ giúp cha mẹ nuôi hai em. Với vị trí thợ phụ, Vũ đảm nhiệm công việc nhận hàng, lấy con dấu rồi mang đến cho thợ chính may. Nhưng nhờ ham học hỏi, luôn cố gắng phấn đấu, sau ba tháng, Vũ đã trở thành thợ chính và được tin tưởng giao vị trí chuyền phó. Chín tháng kể từ ngày vào công ty làm việc, được xếp bậc thợ 5/7. Năm 2014, Vũ vui mừng nhận quyết định làm chuyền trưởng chuyền may ba-lô 2 của công ty với nhiều sáng kiến đã được Vũ ấp ủ từ lâu.

Với sản phẩm túi xách, ba-lô, công đoạn cắt chỉ mất rất nhiều thời gian, Vũ đã mạnh dạn đề xuất và được công ty mua máy cắt chỉ tự động. Vũ còn đưa ra sáng kiến dùng máy cắt chỉ phục vụ công đoạn hoàn thành sản phẩm và cũng được ban giám đốc đồng ý. Với sự đam mê cùng cách quản lý, sắp xếp công việc hết sức khoa học, Vũ đã đưa chuyền may do anh quản lý thành một đơn vị đứng đầu công ty. Từ sản lượng ban đầu khoảng 3.000 chiếc ba-lô/ngày, với sự điều phối khéo léo của Vũ, đến nay chuyền có thể đảm nhiệm sản xuất 3.500 chiếc ba-lô/ngày. Hiện, thu nhập của công nhân thuộc chuyền may của Vũ ở mức sáu triệu rưỡi đến bảy triệu đồng/người/tháng.

Năm năm gắn bó với nghề, chàng trai 26 tuổi này đã có nhiều ý tưởng thiết thực nhằm giúp công nhân tăng năng suất lao động và giảm chi phí cho công ty và là tấm gương sáng cho các thợ trẻ của đơn vị noi theo. Trong năm 2016, chuyền may do Vũ phụ trách đã đoạt giải nhất hội thi "Chuyền may xuất sắc" do LÐLÐ quận 3 phối hợp với công ty tổ chức. "Cách quản lý tốt nhất là làm gương cho các em, các bạn đồng nghiệp và không ngại khó khăn, tiếp nhận những công nghệ mới để các anh chị lớn tuổi nhìn nhận năng lực của mình", Vũ chia sẻ bí quyết để có những đóng góp thiết thực cho công ty.

Với nhiều sáng kiến hiệu quả, bác sĩ Ðào Phú Phúc, sinh năm 1985, đang công tác tại Khoa Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng là niềm tự hào của đội ngũ thầy thuốc của Bệnh viện quận 9. Một lãnh đạo Bệnh viện quận 9 cho biết: Ðể nâng cao chất lượng khám và điều trị cho bệnh nhân, bác sĩ Phúc đã tìm tòi và đưa ra sáng kiến mang tên: "Phát triển tối đa sự tận tình với người bệnh". Sáng kiến này bao gồm chuỗi chương trình thiết thực hướng về cộng đồng bệnh nhân và thân nhân bệnh nhân như lập đường dây nóng tư vấn liên tục (gần như 24 giờ hằng ngày) với tên gọi "Ðường dây tình người"; lập tủ thuốc từ thiện "Viên thuốc tình người"; tổ chức xoa bóp, bấm huyệt trị bệnh miễn phí từ thiện dành cho bệnh nhân ngoài giờ với tên gọi "Thế huyệt tình người". Bác sĩ Phúc còn xây dựng giải pháp: "Hoàn thiện các hoạt động trong Ðề án xã hội hóa phòng khám điều trị vật lý trị liệu - phục hồi chức năng". Sau khi Bệnh viện quận 9 áp dụng cả hai sáng kiến và giải pháp nêu trên đã tạo sự chuyển biến, hiệu quả rõ rệt. Số lượng bệnh nhân đến khám tăng lên, tiết kiệm thời gian chờ khám của bệnh nhân, tổng giá trị làm lợi ước tính khoảng 500 triệu đồng/năm. Năm 2016, bác sĩ Ðào Phú Phúc được trao danh hiệu "Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở"; Giấy khen cá nhân thực hiện tốt phong cách tận tình với người bệnh năm 2016 do giám đốc Bệnh viện quận 9 tặng.

Bác sĩ Nguyễn Phước Bích Hạnh (sinh năm 1962), trưởng khoa Tiếp nhận hiến máu, Bệnh viện Truyền máu huyết học đã tìm tòi, nghiên cứu và đưa vào ứng dụng hai đề tài: "Ðánh giá hiệu quả sử dụng hồng cầu lắng đông lạnh tại TP Hồ Chí Minh" nhằm tạo sẵn máu cung cấp cho cấp cứu và điều trị, góp phần chăm sóc sức khỏe người dân và "Ðánh giá hiệu quả chiết tách tiểu cầu túi ba tại bệnh viện", góp phần tạo nguồn cung cấp, xây dựng tiêu chuẩn cho người hiến tiểu cầu túi ba và bảo đảm an toàn, chất lượng tiểu cầu. Năm 2016, bác sĩ Bích Hạnh được nhận danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú do Chủ tịch nước trao tặng được UBND thành phố tặng bằng khen.

Đánh giá về tác động tích cực của các phong trào thi đua lao động sản xuất do tổ chức Công đoàn thành phố phát động, Chủ tịch LÐLÐ thành phố Hồ Chí Minh Trần Kim Yến nhấn mạnh: "Thành công của các phong trào thi đua, nhất là phong trào "Lao động giỏi, lao động sáng tạo" đã từng bước khẳng định bản lĩnh, trình độ tay nghề của đội ngũ công nhân thành phố. Sự nỗ lực phấn đấu, không ngừng học hỏi, thi đua sáng tạo của công nhân viên chức - người lao động đã đóng góp tích cực vào sự phát triển ổn định và bền vững của các doanh nghiệp. Ðây cũng là bệ phóng vững chắc cho sự thăng tiến về lâu dài của mỗi người thợ…".

QUÝ HIỀN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/33209002-nhan-rong-cac-dien-hinh-lao-dong-gioi-sang-tao.html