Nhân văn cũng cần... ưu tiên!

Dư luận đang đặc biệt quan tâm tới một quy định mới: Từ 15/9/2017, chó thả rông sẽ bị bắt, sau 72 giờ nếu không có người đến nhận sẽ mang đi tiêu hủy.

Hà Nội và TP HCM là hai địa phương đi đầu và kiên quyết thực hiện quy định này. Tại Hà Nội, Chi cục Thú y cũng đã có đề xuất về việc tiêu hủy chó sau 72 giờ đồng hồ nếu không có chủ đến nhận. Chủ trương bắt chó thả rông để phòng chống bệnh dại tại TP HCM và Hà Nội được cộng đồng ủng hộ song việc tiêu huỷ chó lại ghi nhận nhiều chiều ý kiến.

Người phản đối cho rằng, việc này sai với thông lệ quốc tế về bảo vệ động vật. Chó thả rông bắt về nên kiểm tra bệnh dại. Con nào khỏe mạnh thì chuyển sang cơ sở nuôi hoặc bán chó chuyển sang chủ mới thay vì giết tiêu hủy.

Tuy nhiên, phần lớn cộng đồng ủng hộ thì thẳng thắn rằng, những người nuôi chó "đòi hỏi" phải đối xử với chó của mình thế nọ thế kia nhưng trách nhiệm của mình thì lơ là. Thành phố đất chật người đông, công việc vất vả, căng thẳng hàng ngày lại phải nghe tiếng chó sủa, nhiều người không ý thức để chó... bậy đầy đường mất mỹ quan đô thị. Các cháu nhỏ cần chỗ chơi mà nơi nào cũng thấy chó thả rông không rọ mõm thì không gian làm sao an toàn được v.v.

Nhiều người cũng đặt ra giả thiết rằng, nếu như thay vì tiêu hủy chó vô chủ và nuôi giữ chó sống đến lúc có người nhận nuôi thì tốn kém cỡ nào? Phương pháp tính đơn giản nhất cũng đã cho ra con số vài ba triệu đồng một năm cho một chú chó được nuôi như thế. Đó là chưa tính các chi phí về chuồng nuôi, thú y, người chăm sóc, kiểm tra y tế từng con chó chạy rông… Vấn đề đặt ra ở đây dường như là không thể, bởi ngân sách dành cho việc này sẽ chiếm một khoản không nhỏ.

Đành rằng, cũng đã xuất hiện những chỉ trích kiểu “hành vi tiêu hủy chó là thiếu nhân văn” hay “sao không làm giống nước ngoài với chó thả rông” nhưng nếu như biết được các chi phí phát sinh từ việc làm sao cho “nhân văn” trong điều kiện kinh tế hạn hẹp thì có lẽ những người chỉ trích sẽ phần nào thông cảm với các nhà quản lý. Chưa hết, trước khi đòi hỏi một cách hành xử với vấn nạn chó thả rông giống nước ngoài đã làm, có lẽ trước hết những người nuôi chó của chúng ta phải học cách nuôi chó như người nước ngoài cái đã.

Đòi hỏi một cách hành xử văn minh và nhân văn là nhu cầu bình thường của con người có văn hóa. Tuy nhiên, mục tiêu nhân văn cũng cần phải phù hợp với điều kiện cụ thể, hoàn cảnh xã hội. Bởi, có một mục tiêu còn nhân văn và cao cả hơn là phòng chống bệnh chó dại, bảo vệ con người... không thể không ưu tiên hàng đầu khi các nhà quản lý phải đối diện với vấn nạn “chó thả rông” gây nhiều hệ lụy như hiện nay. Nhân văn cũng cần có thứ tự ưu tiên là vậy!

Mai Hạnh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/nhan-van-cung-can-uu-tien-20170914095228927.htm