Nhập nhèm bảo hành điện máy

Không phải điểm bán hàng điện máy nào cũng liên kết được với chính hãng để bảo hành nên tạo kẽ hở cho hàng giả, hàng nhái trà trộn, đánh lừa người tiêu dùng

Thời gian qua, nhiều đơn vị kinh doanh hàng điện tử, điện máy đã lợi dụng sự chủ quan cũng như thiếu hiểu biết của khách hàng để bán sản phẩm không chính hãng và tự đưa ra phiếu bảo hành. Đến khi có sự cố, họ lại phủi trách nhiệm khiến người tiêu dùng dở khóc dở cười.

Chuỗi cửa hàng HomeOne đóng cửa khiến nhiều người tiêu dùng lo lắng về việc bảo hành sản phẩm của mình

Cuối tháng 8-2013, sau khi tìm thông tin trên mạng, một đơn vị có trụ sở tại quận 3, TP HCM đã gọi điện thoại cho một công ty để đặt mua một máy in hiệu HP với giá chỉ hơn 6 triệu đồng. Sau khi lắp đặt máy, đơn vị này kiểm tra thì phát hiện giấy bảo hành do công ty bán hàng tự in, không phải của HP.

Nhân viên lắp đặt giải thích đây là hàng công ty nhập khẩu trực tiếp nên tự bảo hành. Bên mua gọi điện thoại đến công ty bán hàng thì được giải thích đây là "hàng trong một dự án" nên không có bảo hành chính hãng. Khi bên mua yêu cầu chứng nhận hàng chính hãng, công ty này vội vàng "xin" lại máy, hoàn tiền 100%!

Không may mắn như thế, trường hợp của ông Trương Quang T. (ngụ quận Gò Vấp, TP HCM) phải khiếu nại lên Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP. Ông T. cho biết cuối năm 2012, ông mua một chiếc điện thoại hiệu S. với giá 8,7 triệu đồng tại cửa hàng N.T trên đường Lê Hồng Phong, quận 10. Sản phẩm có phiếu bảo hành của cửa hàng, thời hạn 12 tháng.

"Một thời gian sau, điện thoại không lên nguồn dù pin đã sạc. Tôi đến yêu cầu bảo hành thì cửa hàng chỉ nhận sửa tính tiền. Đến chính hãng hỏi, tôi mới té ngửa vì đây là hàng giả. Do cửa hàng không hợp tác giải quyết nên tôi đành phải chịu thiệt" - ông T. bức xúc.

Mới đây, chuỗi cửa hàng HomeOne đã đóng cửa, quyền lợi khách hàng chưa biết sẽ ra sao vì đơn vị này chưa phát ngôn chính thức. Trước đó, khi hệ thống cửa hàng của WonderBuy đóng cửa, Công ty CP Điện tử Nguyễn Kim đã nhận bảo hành thay. Tuy nhiên, công ty phát hiện nhiều hàng hóa không thương hiệu, hàng nhái, chất lượng kém… nên không thể bảo hành được.

Ông Lê Phạm Anh Thy, Giám đốc marketing Công ty CP Điện tử Nguyễn Kim, cho rằng người tiêu dùng có thói quen muốn được bảo hành tại nơi đã mua sản phẩm. Tuy nhiên, các cửa hàng nhỏ lẻ thường có quy mô nhỏ, tiềm lực yếu nên hạn chế trong việc đầu tư hậu mãi, chưa kể có thể dễ dàng ngừng kinh doanh bất cứ lúc nào. Vì thế, các trung tâm mua sắm lớn, bán hàng chính hãng chính là cầu nối giữa khách hàng với hãng trong việc bảo hành, hậu mãi.

Một chuyên gia trong lĩnh vực điện máy nhận định người tiêu dùng thường có tâm lý ngại tốn thời gian đi tìm chỗ bảo hành nên lúc mua hàng không chú ý truy đúng nguồn gốc sản phẩm có chính hãng hay không. Theo ông, người tiêu dùng nên lựa chọn những sản phẩm chính hãng, uy tín để giảm thiểu rủi ro.

Chọn sản phẩm đầy đủ tem, phiếu bảo hành

Theo Chi cục QLTT TP HCM, các mặt hàng kim khí điện máy thường được làm giả với trình độ tinh vi, người thiếu chuyên môn khó có khả năng phân biệt. Hàng nhập ngoại bán trên thị trường không có loại 2 nên giá bán không chênh lệch nhiều. Nếu thấy giá bán quá rẻ, rất có thể đó là hàng giả.

Chi cục QLTT TP HCM cho rằng để tránh mua phải hàng giả, hàng nhái, khách hàng nên chọn các sản phẩm có đầy đủ phiếu bảo hành, tem CR, tem nhãn phụ với thông tin rõ ràng xuất xứ hàng hóa, nơi sản xuất, nơi chịu trách nhiệm bảo hành cũng như địa chỉ, số điện thoại liên hệ.

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/20130906095946339p1014c1016/nhap-nhem-bao-hanh-dien-may.htm