Nhập siêu đang trong ngưỡng an toàn

Ông Lê Quốc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) trao đổi với phóng viên Báo Hải quan xung quanh câu chuyện nhập siêu của Việt Nam.

Theo số liệu thống kê, nhập siêu của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2017 ước đạt 3,1 tỷ USD. Con số nhập siêu này có gì khác so với mọi khi không, thưa ông?

Trong mấy năm gần đây, Việt Nam đã thoát khỏi tình trạng nhập siêu, chuyển sang xuất siêu. Năm 2016, Việt Nam đã xuất siêu 2,5 tỷ USD. Tuy nhiên, trong những tháng đầu năm 2017, tình trạng nhập siêu đã quay trở lại, song đây không phải là vấn đề đáng lo ngại. Nhiều khả năng, năm 2017 Việt Nam lại tiếp tục nhập siêu.

Không đáng lo ngại là bởi nhập siêu vẫn ở trong “ngưỡng” an toàn, tức là nằm trong giới hạn đề ra. Bên cạnh đó, nhập siêu của Việt Nam vẫn phụ thuộc vào khối DN FDI. Nói chung, xuất siêu hay nhập siêu đều phụ thuộc vào khối DN này. Thêm nữa, nhập siêu trong 7 tháng chủ yếu là do NK các hàng mặt liên quan đến sản xuất, kinh doanh như nguyên phụ liệu, máy móc, thiết bị…

Vì vậy, đánh giá chung về tình hình nhập siêu theo tôi là tích cực, không đáng lo ngại. Nhóm hàng không khuyến khích NK không tăng nhiều, trong khi nhóm hàng khuyến khích NK tăng khá là dấu hiệu tích cực cho hoạt động sản xuất kinh doanh cuối năm của DN.

Dù vậy, nếu nhìn vào cơ cấu thị trường thì nhập siêu vẫn nằm trong diễn biến không mong muốn, tức là vẫn nhập siêu lớn từ các nước không có công nghệ nguồn, trình độ kém ở châu Á. Cụ thể, Việt Nam vẫn chủ yếu nhập siêu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN trong khi lại xuất siêu sang các nước tiên tiến như Mỹ, EU, Nhật Bản. Điều này cho thấy, nhập siêu chưa có chuyển biến gì và về lâu dài sẽ ảnh hưởng không tốt cho nền kinh tế. Nhập siêu chủ yếu do NK máy móc thiết bị ở Trung Quốc, Hàn Quốc- đây là nghịch lý đã tồn tại nhiều năm.

Ông nhận xét gì về việc Hàn Quốc đã vượt qua Trung Quốc trở thành nước nhập siêu lớn nhất của Việt Nam?

Hàn Quốc đã thay thế Trung Quốc trở thành nước nhập siêu lớn nhất của Việt Nam bởi sau khi chúng ta ký FTA Việt Nam – Hàn Quốc, theo đó hàng loạt mặt hàng được giảm thuế. Ngay lập tức, hàng hóa của Hàn Quốc có thể vào Việt Nam vì đáp ứng được các tiêu chuẩn cũng như chất lượng. Trong khi đó, hàng hóa của Việt Nam thì chưa chắc đã đáp ứng được yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, các tiêu chuẩn chất lượng. Điều đó dẫn tới thực tế nhập siêu từ Hàn Quốc tăng mạnh. Bên cạnh mặt tích cực là giảm phụ thuộc vào thị trường NK chính- Trung Quốc, thì còn có mặt không tích cực, đó là nhập siêu vẫn phụ thuộc vào một thị trường. Đáng chú ý, nhập siêu từ Hàn Quốc cũng cho thấy thực tế DN Việt Nam không tận dụng được lợi thế của FTA.

Các FTA mà Việt Nam đã ký kết được kỳ vọng sẽ tăng XK song nhập siêu càng tăng mạnh khi hiệp định đi vào thực hiện, ví dụ như FTA ASEAN- Trung Quốc, hay FTA Việt Nam- Hàn Quốc. Phải chăng khi có FTA thì nhập siêu của Việt Nam càng lớn?

Trên thực tế, khi các hiệp định có hiệu lực, XK của Việt Nam sang các thị trường có tăng nhưng NK từ các thị trường đó còn cao hơn nhiều so với lượng XK dẫn tới tình trạng nhập siêu tăng mạnh. Ví dụ, nhập siêu của Việt Nam từ thị trường Hàn Quốc tăng vọt khi FTA Việt Nam- Hàn Quốc có hiệu lực. Hay như khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) hình thành cũng dẫn đến tình trạng nhập siêu tăng. Điển hình, khi chưa có hiệp định ASEAN+1, chúng ta chỉ nhập siêu từ Trung Quốc vài trăm triệu USD, nhưng khi có hiệp định thì nhập siêu từ Trung Quốc có thời điểm tăng lên hơn 40 tỷ USD.

Điều đó cho thấy, với các nước châu Á, chúng ta xử lý kém, không tận dụng được các cơ hội khiến cho nhập siêu ngày càng tăng. Vấn đề này theo tôi chủ yếu là do DN. Trong khi Chính phủ “dọn đường” cho DN bằng việc đàm phán, ký kết các FTA nhưng DN không tận dụng được là bởi năng lực cạnh tranh, hàng XK của Việt Nam còn kém. Nếu không có sự vươn lên thì người hưởng lợi nhiều nhất vẫn là DN FDI và nỗ lực của Chính phủ cũng chỉ là “dọn đường” cho DN FDI.

Ông “mường tượng” bức tranh nhập siêu của Việt Nam trong thời gian tới sẽ ra sao khi các FTA khác có hiệu lực?

Trong khi nội lực còn yếu thì việc có thêm các FTA càng dẫn đến tình trạng nhập siêu cao hơn. Bởi lẽ, chúng ta không XK được nhiều (khi nội lực còn yếu), trong khi ở chiều ngược lại phải mở cửa thị trường cho hàng hóa các nước vào Việt Nam theo các cam kết.

Tôi cho rằng, muốn tận dụng cơ hội mà FTA mang lại thì hàng hóa của Việt Nam phải cạnh tranh được, lúc đó hàng hóa của Việt Nam mới XK sang nước ngoài nhiều hơn và hạn chế được hàng hóa nước ngoài vào khi hàng hóa “phủ sóng” rộng hơn ở thị trường nội địa. Ví dụ, một thời bia Trung Quốc, xe máy Trung Quốc tràn ngập ở Việt Nam nhưng nay đã không còn do năng lực cạnh tranh của hàng Việt Nam đã tốt hơn.

Nhìn rộng hơn, muốn tận dụng cơ hội từ các FTA, cả Chính phủ, DN nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, năng lực cạnh tranh của DN và năng lực cạnh tranh của sản phẩm, có như vậy mới có thể thắng. Nếu không nâng cao năng lực cạnh tranh ở cả 3 cấp, nếu không sớm cải thiện hoặc còn cải thiện chậm thì càng ký nhiều FTA Việt Nam sẽ càng thua thiệt.

Xin cảm ơn ông!

Phan Thu (thực hiện)

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/nhap-sieu-dang-trong-nguong-an-toan.aspx