Nhập siêu năm nay: khó kiềm chế ở mức 20%

QĐND Online - Bộ Công Thương đề ra mục tiêu phấn đấu kiềm chế nhập siêu năm 2010 ở mức 20% kim ngạch xuất khẩu, tương đương 12,2 tỷ USD. Tuy nhiên, với tình hình xuất khẩu giảm và nhập khẩu tăng mạnh trong hai tháng đầu năm, việc thực hiện mục tiêu này trong những tháng còn lại sẽ rất khó khăn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên khẳng định tại cuộc họp ngày 26-3, giữa Bộ Công Thương và đại diện các tập đoàn, tổng công ty, hiệp hội ngành hàng…

Nhập khẩu tăng… chóng mặt Trong hai tháng đầu năm 2010, kim ngạch xuất khẩu đạt 8,86 tỷ USD, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, nhập khẩu lại diễn biến khác. Kim ngạch nhập khẩu hai tháng đầu năm đạt 11 tỷ USD, tăng 44,4% so với cùng kỳ 2009. Trong đó, khu vực 100% vốn trong nước tăng hơn 38%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng trên 55%. Một số mặt hàng như phân bón tăng 24%, cao su tăng 77%, thép thành phẩm tăng 12%, phôi thép 106 %, thức ăn gia súc tăng 140%, nguyên liệu dược phẩm tăng 61%... Theo ước tính sơ bộ của Bộ Công thương, kim ngạch nhập khẩu tháng 3 sẽ tăng trên 28% so với tháng 2. Như vậy, tổng kim ngạch nhập khẩu 3 tháng đầu năm ước tăng trên 37% so với cùng kỳ năm 2009. Một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng mạnh là thức ăn gia súc và nguyên liệu (hơn 136%), nguyên phụ liệu thuốc lá (112%), bông (trên 244%), linh kiện, phụ tùng ô tô (hơn 114%) và máy tính, điện tử và linh kiện (53%). Đối với nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu ước tăng 60,2% so với cùng kỳ và chiếm tỷ trọng 11,8% kim ngạch nhập khẩu. Cùng đó, nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu cũng ước tăng 33% so với cùng kỳ năm trước và chiếm tỷ trọng 10,3% kim ngạch nhập khẩu. Như vậy, ước nhập siêu trong 3 tháng đầu năm khoảng 3,51 tỷ USD, với tỷ lệ nhập siêu/xuất khẩu là 25%. Đâu là nguyên nhân? Nhiều loại hàng hóa, thiết bị vật tư trong nước sản xuất được nhưng vẫn phải nhập khẩu, khiến nhập siêu tăng ở nhiều ngành hàng. Ông Ngô Văn Trụ, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, cho biết: “Có nhiều mặt hàng, máy móc thiết bị Việt Nam sản xuất được nhưng vẫn nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc”. Theo ông Trụ, sản phẩm trong nước chưa được người tiêu dùng sử dụng vì một số nguyên nhân cơ bản: đó là chất lượng sản phẩm của ta chưa đáp ứng được mong muốn của người tiêu dùng; giá một số sản phẩm trong nước tương đối cao so với sản phẩm tương tự nhưng được nhập khẩu; tâm lý người Việt Nam hiện nay vẫn sính hàng ngoại. Ngoài ra, việc hàng hóa trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu của doanh nghiệp nội địa nên buộc họ phải nhập khẩu để thỏa mãn nhu cầu. Ông Vũ Ngọc Bảo, Tổng Thư ký Hiệp hội giấy cho hay, giấy loại chiếm 70% nguyên liệu sản xuất giấy, trong khi thu gom trong nước chỉ được 40%. Như vậy phải nhập khẩu để bù vào lượng thiếu hụt. Còn một lý do khác dẫn đến phải nhập khẩu nguyên liệu giấy, đấy là việc thu gom giấy loại trong nước còn khó khăn hơn cả nhập khẩu. Bởi nếu thu mua từ những người hành nghề “ve chai”, không thể có hóa đơn đỏ để giao cho doanh nghiệp, gây khó cho doanh nghiệp. Trong khi đó, giấy loại nhập khẩu có mức thuế 0%, và 10% VAT được “thoái lui”… Tìm “lời giải” cho bài toán giảm nhập siêu “Nếu chất lượng của sản phẩm sản xuất trong nước không tốt, không đáp ứng được yêu cầu của khách hàng thì có lẽ người tiêu dùng sẽ không chịu bỏ tiền ra mua lần thứ hai”, ông Trụ nhấn mạnh. Đồng quan điểm với ông Trụ, nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam chưa cao, phần lớn là vì chất lượng sản phẩm. Do vậy, cần có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp trong nước về đầu tư công nghệ, nâng cao chất lượng hàng hóa để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Theo ý kiến của ông Nguyễn Kiên, Phó Tổng Giám đốc Petrolimex, để hạn chế nhập khẩu hàng hóa cũng như nguyên vật liệu… đòi hỏi hàng hóa trong nước phải đảm bảo cung cấp ổn định cho khách hàng. Một trong những biện pháp khác để giảm nhập khẩu, theo ông Nguyễn Tiến Đức, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Giấy Việt Nam đưa ra là nên tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa cuộc vận động Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt. Song song với đó là tạo dựng thương hiệu cho sản phẩm để có sức cạnh tranh tốt ở thị trường trong và ngoài nước. Cuối cuộc họp này, Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên đã kết luận và đưa ra nhiều giải pháp nhằm hạn chế nhập khẩu trong thời gian tới, như cân đối nhu cầu nhập khẩu năm 2010 và xây dựng danh mục các mặt hàng sản xuất trong nước thay thế hàng nhập khẩu (xăng dầu, sắt thép, giấy…) để từ đó đưa ra chính sách hỗ trợ sản xuất, khuyến khích sử dụng, đồng thời tăng cường biện pháp hạn chế nhập khẩu với các mặt hàng thuộc danh mục này; khuyến khích đầu tư phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghiệp hàng tiêu dùng để tạo ra nhiều hàng hóa thay thế hàng nhập khẩu; đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền vận động người dân và doanh nghiệp sử dụng hàng Việt Nam và tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu trong sản xuất và tiêu dùng… Bích Huệ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/QDNDSite/vi-VN/61/43/2/26/26/107293/Default.aspx