Nhật Bản, Ấn Độ và Úc quan ngại nghiêm trọng về Biển Đông

(Tổ Quốc)-Thứ trưởng Ngoại giao 3 nước bày tỏ “quan ngại mạnh mẽ” về việc Trung Quốc thay đổi nguyên trạng Biển Đông.

Cuộc Đối thoại 3 bên diễn ra tại Tokyo ngày 26/2 trong bối cảnh hoạt động cải tạo nhanh chóng và quy mô lớn của Trung Quốc trên Biển Đông đang gây quan ngại cho cả trong lẫn ngoài khu vực châu Á-Thái Bình Dương.Việc Trung Quốc triển khai hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa cũng góp phần làm leo thang căng thẳng.

Ấn Độ và Nhật Bản tập trận chung ngoài Vịnh Bengal, tháng 1/2016, tạo tiền đề cho hoạt động hải quân chung Ấn-Nhật-Úc

Theo Kyodo News, các nhà ngoại giao cao cấp của 3 nước đã bày tỏ “quan ngại mạnh mẽ” đối với xu hướng “thúc đẩy quân sự hóa của Trung Quốc” ở Nam Hải (Biển Đông), và 3 nước đã thống nhất tăng cường hợp tác an ninh biển.

Cơ chế Đối thoại 3 bên này hoạt động lần đầu tiên tháng 6/2015 tại Niu Đêli theo sáng kiến của Ấn Độ. Cuộc đối thoại nhằm trao đổi và phối hợp chính sách trong các vấn đề chính trị, ngoại giao và an ninh khu vực. Cuộc Đối thoại không nhằm vào nước thứ ba, nhưng Trung Quốc tỏ ra không hài lòng.

Theo Kyodo News, sau khi Đối thoại kết thúc, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Akitaka Saiki cho biết, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc đã trao đổi ý kiến về phương hướng hành động của Trung Quốc ở Nam Hải (Biển Đông), Đông Hải và Ấn Độ Dương, cho rằng “cộng đồng quốc tế nên đoàn kết thống nhất, nhanh chóng xây dựng bộ quy tắc đảm bảo tự do hàng hải”. Đài NHK của Nhật Bản cho biết, 3 nước cho rằng hoạt động của Trung Quốc ở Nam Hải là “hành động đơn phương thay đổi hiện trạng khiến cho tình hình khu vực mất ổn định”.

Chính phủ Nhật Bản trước đó nhiều lần bày tỏ quan ngại về hành vi của Trung Quốc tại Biển Đông. Sách trắng quốc phòng Úc vừa công bố “cảm thấy hết sức lo ngại” đối với tốc độ và quy mô chưa từng có của hoạt động bồi lấp biển xây đảo của Trung Quốc. Phản ứng lại, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã bày tỏ việc Trung Quốc “quan ngại sâu sắc và không hài lòng về những nhận định tiêu cực của Sách trắng (của Úc) liên quan đến hồ sơ Biển Đông và việc phát triển sức mạnh quân sự của Trung Quốc”. Trung Quốc tỏ ra “quan ngại” về việc Úc chủ trương tăng mạnh ngân sách quốc phòng trong những thập niên tới. Bắc Kinh cũng bày tỏ mong muốn Canberra thay đổi lập trường và có quan điểm tích cực về sự phát triển của Trung Quốc.

Triệu Tiểu Trác, Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu Quan hệ quốc tế quốc phòng Trung - Mỹ thuộc Viện Khoa học Quân sự Trung Quốc, cho biết, 3 nước này đều cho rằng Nam Hải (Biển Đông) rất quan trọng, hơn nữa đây không phải là xu hướng mới xuất hiện trong 2 năm gần đây. Ông này cho rằng, Nam Hải (Biển Đông) là tuyến vận tải biển quan trọng, đối với Nhật Bản, tất cả thương mại với Ấn Độ, Trung Đông và Châu Phi đều phải đi qua nơi này. Úc cho rằng là quốc gia nằm ở cả Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, mà Nam Hải là “phần cấu thành” của hai đại dương này. Về Ấn Độ, Triệu Tiểu Trác nhận xét, nước này hiện nay có chính sách “Hướng Đông”, cho rằng tầm quan trọng của Đông Á ngày càng nổi bật. Đồng thời, việc học giả Mỹ trước đây đã chỉ ra Trung Quốc thực hiện chính sách ngoại giao “chuỗi ngọc trai” ở Ấn Độ Dương cũng cổ vũ Ấn Độ mong muốn tăng cường sự hiện diện ở khu vực Đông Nam Á và Nam Hải (Biển Đông).

Theo Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) ngày 27/2, Canh Hân, nhà nghiên cứu hàng đầu của Trung tâm nghiên cứu Đạo Kỷ Trung Hoa của Nhật Bản, cho biết, mức độ quan tâm của ba nước đối với vấn đề Nam Hải thực ra không giống nhau”. Ấn Độ không muốn làm ầm ĩ với Trung Quốc; Úc chịu áp lực của Mỹ; Nhật Bản là nước tích cực nhất, một mặt do nước này có tâm lý “bá chủ” ở Đông Nam Á, mặt khác Nhật Bản muốn tăng thêm lá bài mặc cả với Trung Quốc trong vấn đề Đông Hải (Biển Hoa Đông)./.

PV

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.gov.vn/sites/vi-vn/details/9/the-gioi-su-kien/140784/nhat-ban-an-do-va-uc-quan-ngai-nghiem-trong-ve-bien-dong.aspx