Nhật Bản chạy đua giúp nông dân trồng lúa khi Trái đất nóng lên

Trên khắp Nhật Bản, nhiều biện pháp thích ứng khác nhau đang được thực hiện để giảm thiểu tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu đối với cây lúa.

Người nông dân Nhật Bản

Chạy đua với thời gian

Mô hình hóa của một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế cho thấy việc lựa chọn giống lúa là phương pháp thích ứng có khả năng giúp ngăn ngừa tổn thất năng suất lớn nhất. Theo dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Nhật Bản, tính đến năm 2022, các giống lúa chịu nhiệt chiếm khoảng 13% tổng lượng gạo được trồng ở Nhật Bản theo khu vực, với ba giống phổ biến nhất là Kinu-musume, Koshi-ibuki và Tsuya-hime. Chính phủ Nhật đặt mục tiêu tăng tỷ lệ các giống chịu nhiệt lên 18% vào năm 2026, mặc dù họ chưa đặt mục tiêu xa hơn.

Vào năm 2022, Yuji Masutomi, người đứng đầu Bộ phận Nghiên cứu Thích ứng với Biến đổi Khí hậu Châu Á-Thái Bình Dương tại Trung tâm Thích ứng Biến đổi Khí hậu thuộc Viện nghiên cứu môi trường quốc gia và các đồng nghiệp đã báo cáo rằng các giống lúa chịu được nhiệt độ cao hơn tới 3 độ C nên được giới thiệu cho đến năm 2040. Điều này đặc biệt cần thiết ở các khu vực ven biển phía tây và phía đông Nhật Bản, nơi được dự đoán sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn do nhiệt độ tăng cao.

Nhóm của Masutomi viết: “Vì việc nhân giống một giống mới thường tốn kém và tốn thời gian nên điều cần thiết là phải phát triển các kế hoạch dài hạn”. Hiện tại, phải mất khoảng 10 năm để phát triển và thử nghiệm một giống mới, mặc dù phân tích và chỉnh sửa gien có thể rút ngắn quá trình này trong tương lai.

Tuy nhiên, người tiêu dùng mới là người nắm giữ chìa khóa thành công của các giống chịu nhiệt. Masutomi băn khoăn: “Câu hỏi đặt ra là liệu người tiêu dùng có muốn mua chúng không?”đồng thời lưu ý đến sức mạnh thương hiệu mà các giống không chịu nhiệt, như Koshi-hikari trồng ở Niigata, hiện đang được ưa chuộng. Masutomi nói: “Nếu giống chịu nhiệt không bán được thì giá sẽ thấp và nông dân sẽ không muốn trồng nó”.

Nhóm nông dân trồng lúa Tsushima bắt đầu trồng giống lúa chịu nhiệt có tên là Natsu-honoka, nhưng không phải vì đặc tính chịu nhiệt của nó. Yu Arikawa, thành viên của hội nông dân theo đuổi canh tác bền vững trên đảo Tsushima cho biết, hạt Natsu-honoka trưởng thành tương đối nhanh, cho phép nông dân thu hoạch trước khi mùa bão bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 10.

Mặc dù có đặc tính chịu nhiệt, cây Natsu-honoka trong vụ mùa năm 2023 vẫn phát triển các hạt phấn. Có thể thấy ngay cả khi trồng những giống như giới thiệu thì điều đó không có nghĩa là nông dân có thể trồng ngũ cốc mà không cần lo lắng.

Các biện pháp linh hoạt

Là người trọng canh tác truyền thống, Arikawa vẫn cho rằng: “Bão tố, sóng nhiệt, mùa hè mát mẻ… là những hiện tượng mà người nông dân chúng tôi coi như một phần tự nhiên trong nông nghiệp, và chúng phản ứng với các điều kiện thay đổi từ năm này sang năm khác chứ không phải là tác động cụ thể của biến đổi khí hậu”.

Có thể thấy cho dù nông dân coi nhiệt độ cao là tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu hay đơn giản là thời tiết mà họ phải sống chung, họ vẫn nên thực hiện các biện pháp để bảo vệ cây lúa khỏi cái nóng mùa hè, mặc dù không có biện pháp nào là giải pháp an toàn tuyệt đối.

Ví dụ, các công nghệ mới có thể được sử dụng để phân tích các kiểu thời tiết và theo dõi điều kiện đồng ruộng. Mặc dù giá của công nghệ giám sát như vậy có thể rất đắt đỏ đối với các trang trại kiểu hộ gia đình, nhưng chính phủ Nhật vẫn hỗ trợ kinh phí để thực hiện những nỗ lực đó.

Thay đổi thời điểm trồng hoặc thu hoạch là một cách khác mà nông dân có thể cố gắng tránh thiệt hại do nhiệt. Arikawa cũng lưu ý rằng vụ lúa ở Tsushima đã sẵn sàng cho thu hoạch sớm hơn thường lệ khoảng một tuần trong những năm gần đây.

Masutomi cho biết, duy trì nước chảy qua cánh đồng cũng có thể giúp làm mát chúng, nhưng việc sử dụng nước thường bị chi phối bởi các quy tắc chặt chẽ. Một lựa chọn khác là bón phân bổ sung cho cây lúa vào mùa hè cực kỳ nóng bức.

Ryuhei Kanda, Phó trưởng Phòng ngũ cốc thuộc Cục trồng trọt của Bộ Nông nghiệp Nhật Bản cho biết: “Phân bón hóa học hoạt động nhanh hơn (so với phân hữu cơ), vì vậy nên sử dụng chúng trong trường hợp này". Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận “để đảm bảo nông nghiệp bền vững về lâu dài, chúng ta nên nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào hóa chất thông qua các biện pháp như tăng cường giống chịu nhiệt và hệ thống dự đoán”. Hiện tại, chính phủ Nhật đặt mục tiêu đạt được 25% nông nghiệp hữu cơ vào năm 2050.

Nhưng vẫn còn một câu hỏi lớn: Nếu nông dân và các bên liên quan thực hiện các biện pháp thích ứng này, liệu nó có đủ để bảo vệ cây lúa của Nhật Bản trước hiện tượng nóng lên toàn cầu không? Câu trả lời phụ thuộc vào lượng phát thải khí nhà kính trong tương lai.

Toshihiro Hasegawa, nhà khoa học điều hành tại Viện Khoa học Môi trường Nông nghiệp thuộc Tổ chức Nghiên cứu Nông nghiệp và Thực phẩm Quốc gia nói: “Sự nóng lên toàn cầu đang tiến triển quá nhanh và việc ứng phó thỏa đáng đang trở nên thực sự khó khăn”, đồng thời ông lưu ý rằng có một giới hạn đối với những gì các biện pháp thích ứng hiện tại có thể đạt được. Còn nếu vượt qua lằn ranh đó thì hậu quả rất khôn lường, ông nói: “Nếu trong khi thích ứng với hiện tượng nóng lên toàn cầu mà chúng ta không tiếp tục nỗ lực hạn chế nó thì sẽ không có cách nào tránh khỏi thiệt hại”.

Anh Tú

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/nhat-ban-chay-dua-giup-nong-dan-trong-lua-khi-trai-dat-nong-len-216637.html