Nhật Bản coi Việt Nam là một trong những nước đáng tin cậy nhất

Trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Lao Động, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Umeda Kunio khẳng định, trong mối quan hệ giữa Nhật Bản và Việt Nam, nhân dân hai nước luôn dành cho nhau những tình cảm tốt đẹp, giữa lãnh đạo cấp cao hai nước có sự tin cậy sâu sắc. Bên cạnh đó, hai nước cùng chia sẻ nhiều lợi ích chiến lược, có mối quan hệ bổ trợ lẫn nhau về mặt kinh tế.

Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Umeda Kunio.

“Tôi nghĩ rằng đối với Nhật Bản, Việt Nam là một trong những nước đáng tin cậy nhất. Và đối với Việt Nam, Nhật Bản cũng có một vị thế tương đồng như vậy” - Đại sứ Umeda nhấn mạnh.

Kể từ năm 1992 đến nay, Nhật Bản đã và đang hợp tác thực hiện các dự án hoàn thiện hạ tầng, đào tạo nhân lực và hoàn thiện môi trường đầu tư với tư cách là nhà tài trợ ODA hàng đầu của Việt Nam. Đại sứ Umeda cho biết, Nhật Bản có thể lo lắng về một số vấn đề như nợ công và chậm giải ngân của Việt Nam. “Tuy nhiên, từ lập trường cho rằng sự ổn định và thịnh vượng của Việt Nam phù hợp với lợi ích của Nhật Bản, nên Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ cho những nỗ lực phát triển của Việt Nam” - Đại sứ Umeda khẳng định.

Đại sứ Umeda cũng đưa ra một số đề xuất nhằm cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư của Việt Nam trong thời gian tới, mà công việc cấp bách là giải quyết 2 vấn đề mang tính căn bản.

Vấn đề thứ nhất là xây dựng cơ chế thực hiện các mục tiêu chính sách. Việt Nam được mong đợi sẽ hoàn thiện cơ chế giám sát trong tổ chức của Chính phủ để có thể thực hiện một cách chắc chắn các mục tiêu đề ra.

Vấn đề thứ hai là giải quyết những chi phí phát sinh về mặt thủ tục hành chính được gọi là “chi phí không chính thức” - một trong những nguyên nhân chính gây trở ngại cho việc tăng năng suất.

Đại sứ cho rằng, để cho kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhảy vọt trong thời gian tới, thì đây là những vấn đề mà Việt Nam cần phải vượt qua bằng mọi cách.

Theo Đại sứ, phía Nhật Bản đang trao đổi với các bộ, ngành liên quan của Việt Nam nhằm cải thiện môi trường đầu tư trong 7 lĩnh vực như: Lao động - tiền lương, cơ chế luật (Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp), ngành nhập khẩu dược phẩm...

Liên quan đến chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Đại sứ Umeda bày tỏ hy vọng, chuyến thăm sẽ tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước.

“Cụ thể, bên cạnh các vấn đề liên quan đến hòa bình, an ninh của khu vực như vấn đề Biển Đông, Triều Tiên, tôi hy vọng hai nước sẽ đạt được nhiều kết quả cụ thể, như các dự án ODA, các dự án đầu tư, các chương trình hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo nhân lực. Tôi cũng hy vọng, chuyến thăm này sẽ là dịp để tăng cường mối giao lưu trên lĩnh vực văn hóa, thể thao, hướng tới kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản - Việt Nam vào năm 2018” - Đại sứ Umeda nói.

Tính đến ngày 20.5.2017, Nhật Bản đứng thứ 2, với 40,69 tỉ USD (chiếm 13,4% tổng vốn đầu tư) trong số 119 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với lũy kế 23.545 dự án FDI còn hiệu lực và tổng vốn đăng ký 303 tỉ USD; là đối tác lớn thứ 3 về du lịch (năm 2016, gần 700.000 lượt du khách Nhật Bản sang thăm Việt Nam, hơn 200.000 du khách Việt Nam thăm Nhật Bản) và đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam (kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước năm 2016 đã đạt gần 30 tỉ USD, và phấn đấu tăng gấp đôi đến năm 2020). Hợp tác văn hóa, giao lưu giữa nhân dân hai nước cũng được thúc đẩy mạnh mẽ. Tại Nhật Bản hiện có 58.820 du học sinh và 71.983 tu nghiệp sinh kỹ thuật Việt Nam học tập và làm việc.

Vân Anh (thực hiện)

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/the-gioi/nhat-ban-coi-viet-nam-la-mot-trong-nhung-nuoc-dang-tin-cay-nhat-671713.bld