Nhật Bản - Động lực và thách thức đối với TPP

Nhật Bản đã bắt đầu tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái bình dương (TPP) từ ngày 22/7/2013. Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng sự tham gia của Nhật Bản một mặt sẽ tạo ra động lực mới cho các cuộc đàm phán TPP, nhưng mặt khác có thể sẽ khiến quá trình đàm phán này trở nên phức tạp hơn.

Động lực

Theo bà Mireya Solis, chuyên gia nghiên cứu cấp cao về Nhật Bản tại Viện Brookings, việc Nhật Bản tham gia vào đàm phán TPP sẽ giúp tăng gấp 3 lần những lợi ích kinh tế mà Hoa Kỳ mong muốn có được từ TPP, cùng với đó ‘bản sắc’ châu Á của TPP cũng được ‘kiên cố hóa’. Tiến trình đàm phán TPP hiện tại có 12 quốc gia là Australia, Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Nhật Bản, Hoa Kỳ, và Việt Nam, chiếm khoảng 40% GDP toàn cầu và chiếm khoảng một phần ba thương mại thế giới.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe công bố Nhật Bản sẽ tham gia đàm phán TPP hồi tháng 4/2013.

Mỗi nước đàm phán TPP đều quan trọng nhưng Nhật Bản có tầm quan trọng khá đặc biệt vì đây là một nền kinh tế lớn. Với sự tham gia của Nhật Bản, TPP đã đạt được một tầm vóc mà nó chưa từng có trước đây.

Các nhà kinh tế đã thực hiện những nghiên cứu để ước tính lợi nhuận thương mại, và lợi ích kinh tế mà các nước có được từ các thỏa thuận thương mại TPP khi có sự tham gia của Nhật Bản. Kết quả cho thấy, lợi ích này sẽ tăng gấp ba lần so với dự đoán của Hoa Kỳ. Sở dĩ như vậy vì nền kinh tế của Nhật Bản rất lớn. Nhiều quốc gia không có hiệp định thương mại với Nhật Bản như Mỹ thì đây là cơ hội duy nhất để tiến vào thị trường Nhật Bản.

Vì vậy, chỉ nói riêng về mặt lợi ích kinh tế đối với từng quốc gia, việc Nhật Bản trở thành thành viên của TPP đã có ý nghĩa cực kì quan trọng. Nó cũng khích lệ nhiều nước khác tham gia TPP. Có một số nguồn tin cho rằng Hàn Quốc hiện đang cân nhắc tham gia TPP.

Một khi có sự tham gia của nhiều nền kinh tế lớn, TPP sẽ gần như trở thành một tổ chức cực kỳ hấp dẫn. Hơn nữa, nhiều nhà phê bình TPP trước đây thường cho rằng hiệp định này không thực sự là một hiệp định của Châu Á Thái Bình Dương vì không có một nền kinh tế châu Á lớn nào tham gia, nhưng khi Nhật Bản gia nhập thì lập luận trên không còn tồn tại được nữa. Xét trên nhiều khía cạnh, Nhật Bản là một nhân tố vô cùng quan trọng đối với TPP.

Thách thức

Bên cạnh những kì vọng rằng sự tham gia của Nhật Bản sẽ tạo ra động lực mới cho tiến trình TPP, một số chuyên gia phân tích cho rằng điều này có thể sẽ khiến quá trình đàm phán TPP trở nên phức tạp hơn.

Nguyên nhân là Nhật Bản và một số nước chủ chốt trong tiến trình TPP, đặc biệt là Mỹ, có những bất đồng quan điểm lớn.

Nhật Bản đang phải chịu sức ép lớn trong nước về việc không được loại bỏ thuế đối với các sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu khi tham gia TPP.

Tại Nhật Bản, có sức ép lớn trong nước yêu cầu duy trì thuế đối với gạo và các sản phẩm nông nghiệp chủ đạo khác để bảo vệ các sản phẩm này trước hàng nhập khẩu giá rẻ. Do vậy, Nhật Bản kiên quyết bảo hộ 5 mặt hàng nông sản (thịt bò, thịt lợn, gạo, lúa mỳ, các sản phẩm sữa và đường), trong khi muốn các nước khác bao gồm cả Mỹ xóa bỏ hàng rào thuế quan cho việc xuất khẩu ôtô và các hàng hóa chế tạo khác của Nhật Bản. Trong khi đó, các nước đều cho rằng tất cả các mặt hàng đều phải tuân theo những quy tắc phi thuế quan của TPP chứ không được có ngoại lệ.

Về phía Mỹ, ngành công nghiệp ôtô không muốn mở cửa thị trường cho các doanh nghiệp nước ngoài, nhất là các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản và tăng áp lực lên chính phủ Mỹ nhằm duy trì thuế suất đánh vào ôtô nhập khẩu từ Nhật Bản.

Hội đồng Chính sách Ôtô Mỹ đã kêu gọi Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ cần phải duy trì mức thuế đánh vào ôtô nhập khẩu từ Nhật Bản trong ít nhất từ 25 đến 30 năm.

Dù đã tổ chức vòng đàm phán song phương trước khi bước vào vòng đàm phán đa phương thứ 19 về TPP, nhưng Nhật Bản và Mỹ vẫn chưa thể tháo gỡ được những bất đồng trên.

Bất đồng giữa Nhật Bản và Mỹ còn lan sang nhiều lĩnh vực khác như lĩnh vực bảo hiểm. Chính vì vậy mà Trưởng đoàn đàm phán của Mỹ Wendy Cutler, thừa nhận “còn rất nhiều công việc đầy thách thức đang chờ đợi ở phía trước”.

Nhật Bản đàm phán TPP có lợi gì cho Việt Nam?

Một trong những giải pháp mà Nhật Bản đang hướng tới nhằm giải quyết vấn đề nông nghiệp khi đến với TPP là tìm kiếm các đối tác xuất khẩu lương thực lớn, thông qua ký kết các thỏa thuận hợp tác song phương. Bằng cách này, nền nông nghiệp Nhật Bản sẽ không phải chiến đấu với mọi đối thủ một cách ‘nép vế’ mà sẽ chỉ là những đối tác dựa trên cơ sở đôi bên cùng có lợi.

Việt Nam là một sự lựa chọn phù hợp với mục tiêu đó của Nhật Bản. Có ít nhất ba khả năng hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam trong vấn đề nông nghiệp. Thứ nhất, Nhật Bản sẽ chuyển toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý nông nghiệp của mình sang Việt Nam để sản xuất trong điều kiện chi phí nhân công, sản xuất nông nghiệp thấp hơn nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh với các quốc gia khác. Thứ hai, Nhật Bản có thể chủ động chuyển một số kĩ thuật hiện đại bao gồm máy móc, quy trình sản xuất để kết hợp với lao động, tài nguyên nông nghiệp Việt Nam nhằm đổi lại có một nguồn cung ổn định, giá cả hợp lý từ Việt Nam. Thứ ba, Nhật Bản có thể đặt các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất gạo theo tiêu chuẩn của thị trường Nhật Bản với giá cả hợp lý, số lượng phù hợp với nhu cầu.

Những mô hình hợp tác trên sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nền nông nghiệp Việt Nam vốn đang còn nghèo nàn và lạc hậu. Tạo điều kiện cho nông sản Việt Nam thâm nhập một thị trường tiềm năng như Nhật Bản.

Phạm Khánh

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/The-gioi/Nhat-Ban-Dong-luc-va-thach-thuc-doi-voi-TPP/117506.info