Nhật Bản làm lành với Trung Quốc

Nhật Bản vừa phái nhà ngoại giao cấp cao đến Trung Quốc để đàm phán về những mâu thuẫn giữa hai nước xung quanh vấn đề chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Trước đó, Thủ Tướng Nhật Shinzo Abe cũng đã bày tỏ thiện chí hòa đàm ở cấp cao nhất với Trung Quốc về vấn đền này.

Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Saiki Akitaka (trái) và người đồng cấp Trung Quốc Trương Nghiệp Toại.

Cần nhắc lại rằng mối quan hệ mong manh giữa Trung Quốc và Nhật Bản trở nên đặc biệt căng thẳng kể từ hồi tháng 9/2012, sau khi hai nước bị cuốn vào các tranh cãi về chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông do các động thái của Tokyo quốc hữu hóa các hòn đảo không có người ở này. Trong suốt gần 2 năm qua, các tàu thuyền, máy bay của Trung Quốc và Nhật Bản vẫn chơi trò "mèo vờn chuột" ở khu vực lân cận.

Động thái này làm gia tăng lo ngại về một vụ đụng độ bất ngờ có thể sẽ leo thang. Sau vụ Nhật Bản tố cáo tàu Trung Quốc khóa radar nhắm bắn tàu Nhật hồi tháng 2/2013, ngày 26/7 vừa qua, lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc đã lần đầu tiên tiến vào vùng biển tranh chấp với Nhật, làm gia tăng căng thẳng, khi Tokyo đang tính tới kế hoạch thiết lập một lực lượng thủy đánh bộ kiểu Mỹ để bảo vệ Senkaku/Điếu Ngư và máy bay không người lái giám sát không phận Senkaku.

Nếu những cuộc chạm trán giữa Nhật và Trung Quốc trên biển Hoa Đông trong gần 2 năm qua chủ yếu là giữa tàu đánh cá, tàu hải giám, tàu tuần tra của Trung Quốc với lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản thì vụ việc hôm 26/7 là một nấc thang nguy hiểm mới trong quan hệ giữa hai siêu cường châu Á.

Theo các học giả Trung Quốc, động thái trên chứng tỏ sẽ có nhiều tàu Trung Quốc được trang bị vũ khí xuất hiện ở Senkaku/Điếu Ngư trong thời gian tới. Arthur Ding, nhà nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Chengchi, Đài Bắc, cho biết Trung Quốc chắc chắn sẽ tiến hành các cuộc tuần tra "thường xuyên hơn và mạnh mẽ hơn".

Sự kiện trên diễn ra đúng vào ngày Bộ Quốc phòng Nhật đề xuất thành lập các đơn vị lưỡng cư và yêu cầu máy bay do thám không người lái vào cuộc để bảo vệ quần đảo. Đề xuất trên là một phần trong báo cáo tạm thời được phê chuẩn tại một cuộc họp quân sự cấp cao của Nhật vào ngày 26/7. Báo cáo cũng cho biết, cần phải có thêm "phần cứng" để giám sát các đảo xa.

Có thể nói quan hệ giữa Tokyo và Bắc Kinh luôn căng như dây đàn trong suốt gần 2 năm qua. Ngoài tình hình so kè trên thực địa, căng thẳng ấy còn đi vào đường lối chính trị và chính sách quân sự của mỗi bên, kéo theo cả những phản ứng của người dân hai nước. Trong một động thái mới nhất, ngày 29/7 vừa qua, lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản cho biết 4 tàu hải giám của Trung Quốc được trông thấy ở gần vùng biển Senkaku/Điếu Ngư.

Trước tình hình này, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Saiki Akitaka đã sang Trung Quốc để gặp người đồng cấp Trương Nghiệp Toại trong chuyến thăm 2 ngày, bắt đầu từ hôm 29/7. Mục tiêu chuyến đi được cho là nhằm làm dịu tình hình căng thẳng với Trung Quốc, vào lúc mà Thủ tướng Nhật Abe đang muốn nối lại đối thoại cấp cao với Bắc Kinh.

Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Suga Yoshihide nói, điều quan trọng là các quan chức Nhật Bản và Trung Quốc đối thoại thẳng thắn. Thứ trưởng Saiki sẽ trao đổi với các quan chức Trung Quốc quan điểm về một loạt vấn đề. Theo ông Suga, Nhật Bản và Trung Quốc chịu trách nhiệm về hòa bình và thịnh vượng trong khu vực cũng như trên thế giới.

Hôm 27/7 vừa qua, nhân chuyến thăm Philippines, Thủ tướng Abe đã đề nghị cùng với Bắc Kinh thiết lập "thảo luận không điều kiện tiên quyết" ở cấp cao nhất về vấn đề tranh chấp lãnh thổ của quần đảo Senkaku giàu tài nguyên, mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.

Lên tiếng tại buổi họp báo ở thủ đô Manila của Philippines sau khi hội đàm Tổng thống Benigno Aquino, ông Abe nói về mối quan hệ giữa Nhật Bản với Trung Quốc: "Vì là láng giềng, hiển nhiên là chúng ta có nhiều vấn đề, thế nhưng mối quan hệ giữa hai bên không thể tách rời. Chúng ta phải nhận thức rõ điều này và điều quan trọng là hai bên phải thực hiện các nỗ lực chung để duy trì quan hệ".

Tàu hải giám số 51 của Trung Quốc chạy ngang tàu tuần tra của Nhật Bản gần đảo Uotsuri, một trong những hòn đảo đang trong vòng tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc tại biển Hoa Đông.

Ông Abe nói rằng: "Đây thực sự là mối quan hệ hai bên đều có lợi dựa trên các quyền lợi chiến lược chung". Thủ tướng Nhật nhấn mạnh: "Hòa bình và ổn định khu vực là tiền đề cho sự thịnh vượng không chỉ của Nhật Bản mà còn của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Cùng lúc đó, sự thịnh vượng kinh tế mang lại hòa bình và ổn định cho khu vực".

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đáp lại đề xuất của Thủ tướng Abe và nói rằng, Bắc Kinh luôn hoan nghênh và sẵn sàng tham gia đàm phán, tuy nhiên, khúc mắc nằm ở chỗ thái độ của phía Nhật Bản.

Trong một tuyên bố được chuyển tới Hãng tin Reuters, Bộ Ngoại giao Trung Quốc viết: "Nút thắt hiện tại chính là việc Nhật Bản chưa sẵn sàng đối mặt với các vấn đề nghiêm trọng tồn tại trong mối quan hệ Nhật Bản - Trung Quốc. Nước này vẫn đang né tránh các cuộc đàm phán và tham vấn thẳng thắn với Trung Quốc". Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng cho rằng Nhật Bản "nên chấm dứt việc sử dụng những khẩu hiệu sáo rỗng để nói về cái gọi là đối thoại nhằm che giấu các bất đồng song phương".

Hãng tin Kyodo, trích lời một cố vấn thân cận của Thủ tướng Nhật, ông Isao Iijima, hôm 28/7, cho biết là ông rất tin tưởng sẽ có một cuộc họp thượng đỉnh nay mai giữa hai bên. Theo giới quan sát, lãnh đạo Trung Quốc và Nhật Bản có thể gặp nhau nhân Hội nghị thượng đỉnh nhóm G20 tại Saint Pétersburg (Nga) sẽ diễn ra vào hai ngày 5 và 6 tháng 9 tới đây. Tuy nhiên, họ vẫn thận trọng vì căng thẳng Nhật Bản - Trung Quốc về vấn đề Senkaku/Điếu Ngư chưa có dấu hiệu giảm cường độ. Theo các chuyên gia, Trung Quốc muốn Nhật Bản trước tiên phải thừa nhận rằng, hiện có một bất đồng đang tồn tại. Tokyo đã bác bỏ điều này bởi lo ngại rằng nó có thể gây ảnh hưởng xấu tới tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Hiện vẫn chưa rõ Chủ tịch Tập Cận Bình - người đang đối mặt với nhiều thách thức lớn trong việc giải quyết nạn tham nhũng và tốc độ tăng trưởng chậm hơn mong đợi của Trung Quốc - có thể thúc đẩy quan hệ với Tokyo một cách hiệu quả hay không, nhất là trong bối cảnh rất nhiều người Trung Quốc vẫn giữ thái độ tiêu cực đối với Nhật Bản. Trong khi đó, Bắc Kinh có thể sẽ chờ xem Thủ tướng Abe giải quyết vấn đề lịch sử thời chiến đầy nhạy cảm này như thế nào, trong bối cảnh các ký ức đau thương về cuộc xâm lược của Nhật Bản vẫn còn hiện hữu rất sâu sắc ở Trung Quốc.

Các chuyên gia cho rằng, bế tắc chính trong hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - Nhật Bản là liệu hai bên có thể tìm cách gạt bỏ các tranh chấp chủ quyền sang một bên để làm lắng dịu tình hình và tập trung vào các lĩnh vực khác nhằm thúc đẩy quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới này hay không

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/vi-vn/sukien/2013/8/81171.cand