Nhật Bản mong muốn là đối tác chiến lược sâu rộng của Campuchia

Campuchia hoan nghênh mong muốn của Nhật Bản nâng cấp quan hệ hai nước từ “đối tác chiến lược” lên “đối tác chiến lược sâu rộng”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia Chum Sontary cho biết, trên đây là lời khẳng định của Bộ trưởng Bộ này, ông Prak Sokhonn tại cuộc gặp mới đây với Đại sứ Nhật Bản tại Campuchia, ông Hidehisa Horinouchi.

Campuchia và Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1953. Cách đây ba năm, Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Sen và người đồng cấp Nhật Bản Shinzo Abe đã ký thỏa thuận nâng cấp quan hệ giữa hai nước lên thành “đối tác chiến lược” trong một cuộc gặp tại Thủ đô Tokyo của Nhật Bản.

Hiện nay, theo Đại sứ Hidehisa Horinouchi, Nhật Bản đang xúc tiến mở Phòng Lãnh sự tại tỉnh Siem Reap của Campuchia để tăng lượng du khách Nhật Bản đến quốc gia Đông - Nam Á này. Trong nửa đầu năm nay, Nhật Bản là quốc gia đứng thứ tư về lượng du khách tới thăm Campuchia với gần 91.000 lượt người, đứng sau Việt Nam (gần 462.000 lượt khách), Trung Quốc (gần 379.000 lượt) và Hàn Quốc (193.000 lượt). Theo Bộ Du lịch Campuchia, nước này đặt mục tiêu sẽ thu hút khoảng 300.000 du khách Nhật Bản vào năm 2020. Ngày 1-9 vừa qua, Hãng hàng không All Nippon Airways (ANA) của Nhật Bản đã mở đường bay thẳng từ Thủ đô Tokyo đến Thủ đô Phnom Penh.

Điểm nổi bật trong quan hệ giữa Campuchia và Nhật Bản trong hơn 20 năm qua là viện trợ phát triển chính thức (ODA) của Nhật Bản dành cho Campuchia.

Từ năm 1993 - 2014, tổng nguồn vốn ODA của Nhật Bản dành cho Campuchia là hơn 2,4 tỷ USD, trong đó 190 triệu USD là các khoản vay ưu đãi, 1,4 tỷ USD viện trợ không hoàn lại và 798 triệu USD là khoản tiền hợp tác kỹ thuật. Nguồn vốn ODA của Nhật Bản chủ yếu tập trung vào các dự án phát triển hạ tầng giao thông, điện, nước, y tế, giáo dục, cải thiện nguồn nhân lực và rà phá bom mìn.

Mới đây nhất, giữa tháng 12, Nhật Bản đã ký hợp đồng viện trợ không hoàn lại hơn 330.000 USD để triển khai bốn dự án về y tế, thủy lợi, nông nghiệp và xây dựng tại bốn tỉnh của Campuchia.

Bên cạnh việc ưu tiên giúp Campuchia phát triển kinh tế và giảm nghèo, Nhật Bản cũng dành ODA giúp Campuchia cải thiện năng lực quản lý tài chính công, cải cách hệ thống pháp lý và tư pháp, thúc đẩy bình đẳng giới. Hiện nay, theo đề nghị của Campuchia, Nhật Bản cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và tài chính giúp Campuchia tổ chức các cuộc bầu cử công bằng và minh bạch. Nhật Bản tích cực ủng hộ việc xét xử tội ác Khmer Đỏ, giúp đem lại công lý cho các nạn nhân.

Trong bối cảnh chi phí sản xuất tại một số thị trường đầu tư truyền thống của Nhật Bản gia tăng trong những năm gần đây, nước này đã xúc tiến mở rộng đầu tư tại Campuchia. Theo số liệu của Hội đồng Phát triển Campuchia, từ năm 1994 - 2015, tổng vốn đầu tư của Nhật Bản vào CPC là 801 triệu USD.

Nhiều công ty Nhật Bản, như Minebea, Sumitomo và Ajinomoto, đã thành lập nhà máy tại các đặc khu kinh tế của Campuchia. Nhật Bản đang xúc tiến xây dựng trung tâm thương mại Aeon Mall thứ hai tại Thủ đô Phnom Penh.

Hai nước đang nỗ lực đẩy mạnh quan hệ song phương ngày càng đi vào thực chất, thiết thực và hiệu quả.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/31697002-nhat-ban-mong-muon-la-doi-tac-chien-luoc-sau-rong-cua-campuchia.html