Nhật Bản tăng cường xây dựng nhà máy điện hạt nhân

VIT - Trong bản dự thảo chính sách được công bố mới đây, Bộ Năng lượng Nhật Bản cho biết họ đang cân nhắc kế hoạch tăng số lượng các nhà máy điện hạt nhân nhằm đối phó với tình trạng ấm lên trên toàn cầu, đồng thời góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước.

Bản dự thảo đã vạch ra kế hoạch phát triển năng lượng cho Nhật Bản trong 20 năm tới, đồng thời cho rằng Nhật Bản nên xây dựng thêm 8 nhà máy điện hạt nhân mới vào năm 2020 và nhiều hơn nữa vào năm 2030, để có thể đứng đầu thế giới trong lĩnh vực này. Hiện nay, Nhật Bản có 53 nhà máy điện hạt nhân. Trong những năm gần đây, tỷ trọng điện hạt nhân tại Nhật Bản đã giảm đáng kể, chỉ chiếm khoảng 60% vào năm 2008, do nước này tạm thời đóng cửa một số cơ sở sản xuất để đảm bảo an toàn. Báo cáo cho rằng, con số này phải được tăng lên mức 85% vào năm 2020. Ngoài ra, bản dự thảo cũng đề ra mục tiêu cắt giảm carbon dioxide và hiệu ứng nhà kính ở Nhật Bản. Bộ Công nghiệp Nhật Bản vẫn cho rằng, việc mở rộng sử dụng năng lượng hạt nhân sẽ tạo ra ít carbon dioxide hơn là nhiên liệu hóa thạch và là điều không thể thiếu để đạt được mục tiêu cắt giảm khí thải. Tuy nhiên, một số nghị sỹ và các tổ chức bảo thủ ở Nhật Bản đã phản đối việc sử dụng rộng rãi điện hạt nhân, cho rằng rác thải hạt nhân sẽ gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng. Bản dự thảo cũng cho rằng, nhiệm vu cấp bách hiện nay của Nhật Bản là tiếp cận nguồn năng lượng dưới biển. Điều này là nhằm ám chỉ tới việc bảo vệ quyền lợi của Nhật Bản tại các giếng dầu và mỏ khoáng sản tại các nước trên thế giới. Bản dự thảo cho rằng, 38% năng lượng mà Nhật Bản tiêu dùng là được cung cấp từ điện hạt nhân và các nhà máy điện trong nước khác, cũng như là các dự án năng lượng khác ở nước ngoài mà nước này tham gia. Nhật Bản cũng đang phấn đấu nâng tỷ lệ “tự lực” về điện lên mức 70% vào năm 2030.

Nguồn VITINFO: http://vitinfo.com.vn/muctin/kinhte/nangluong/la74574/default.htm