Nhật Bản tiến hành diễn tập chiếm đảo liên hợp răn đe Trung Quốc

(GDVN) - Cuộc diễn tập liên hợp 3 quân chủng này thực chất là diễn tập đoạt đảo quy mô lớn, có bắn đạn thật, có tên lửa chống hạm, mục đích là để kiềm chế, răn đe TQ.

Nhật Bản tham gia cuộc diễn tập liên hợp "Dawn Blitz" do Mỹ tổ chức để học tập kỹ năng đổ bộ.

Nhật sắp tiến hành diễn tập đoạt đảo 3 quân chủng

Bộ Tham mưu liên quân, Bộ Quốc phòng Nhật Bản ngày 23 tháng 10 cho biết, Nhật Bản sẽ huy động khoảng 34.000 binh sĩ Lực lượng Phòng vệ Mặt đất/Biển/Trên không, tiến hành diễn tập liên hợp ở khu vực lấy Kyushu và tỉnh Okinawa làm trung tâm từ ngày 1 đến ngày 18 tháng 11 năm 2013.

Ngày 23 tháng 10, hãng Kyodo dẫn lời Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, cuộc diễn tập nhằm tiến hành huấn luyện về tác chiến đổ bộ và vận tải. Hoạt động huấn luyện "đoạt đảo" này có thể kích động các nước láng giềng trong đó có Trung Quốc.

Khu vực huấn luyện chính nằm ở đảo không người ở Okidaito được quân Mỹ dùng làm nơi huấn luyện ném bom, cách Naha khoảng 400 km về phía đông nam.

Cuộc diễn tập lần này sẽ mô phỏng tác chiến đổ bộ, có kế hoạch để cho đơn vị chuyên phụ trách "phòng thủ đảo nhỏ" WAiR của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất đáp tàu vận tải của Lực lượng Phòng vệ Biển để áp sát đảo này, máy bay chiến đấu của Lực lượng Phòng vệ Trên không có kế hoạch tiến hành bắn đạn thật. Được biết, do xung quanh đảo này có đá san hô, khi đó sẽ không tiến hành đổ bộ thực tế.

Mỹ-Nhật tiến hành diễn tập liên hợp đánh chiếm đảo tháng 6 năm 2013

Kiềm chế Trung Quốc

Trong khi đó, tờ "Thời báo Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 25 tháng 10 cho biết, cuộc diễn tập lần này của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản có "thủ đoạn đa dạng", quy mô cũng ngày càng lớn. Theo hãng Kyodo, cuộc diễn tập này có tính chất "đánh chiếm đảo" rất rõ rệt, hơn nữa lại áp sát đảo Senkaku - nơi Nhật Bản đang kiểm soát và Trung Quốc cũng đòi hỏi chủ quyền.

Ngày 24 tháng 10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho rằng, Trung Quốc muốn "bên liên quan làm nhiều việc có lợi cho tăng cường lòng tin chính trị, an ninh giữa các nước trong khu vực, bảo vệ hòa bình và ổn định khu vực".

Theo tờ "Ryukyu Shimpo" Nhật Bản ngày 24 tháng 10, nội dung cuộc diễn tập lần này có tác chiến đổ bộ, huấn luyện vận tải, thực chất là một cuộc diễn tập đánh chiếm đảo thực sự. Hãng Kyodo tiết lộ, trung tâm của cuộc diễn tập lần này là đơn vị WAiR đáp tàu vận tải lớp Osumi áp sát "đảo mục tiêu".

Tờ "Sankei Shimbun" ngày 24 tháng 10 cho biết, máy bay chiến đấu F-2, tàu hộ vệ của Nhật Bản cũng sẽ tiến hành bắn đạn thật trong diễn tập. Bài báo nhấn mạnh, mục đích diễn tập nằm ở chỗ "kiềm chế Trung Quốc, nước tăng cường các hoạt động khiêu khích ở xung quanh đảo Senkaku".

Máy bay chiến đấu F-2 Nhật Bản

Theo bài viết, cuộc diễn tập lần này là hoạt động diễn tập-huấn luyện có quy mô lớn nhất của Lực lượng Phòng vệ kể từ "diễn tập phòng thủ đảo Kyushu và đề phòng đặc công địch xâm nhập" năm 2009 đến nay.

Khác với việc chủ yếu thử thách năng lực của lực lượng vận chuyển nhanh xe tăng từ đảo Honshu đến đảo Kyushu, cuộc diễn tập lần này tập trung vào sát hạch năng lực phản ứng nhanh và giành quyền kiểm soát trên không và trên biển cục bộ của 3 "quân chủng" Lực lượng Phòng vệ, ý nghĩa chiến đấu thực tế rất lớn.

Do Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã tuyên bố muốn thành lập "Trung đoàn đổ bộ" (thực chất là Thủy quân lục chiến) quy mô 3.000 quân trong khuôn khổ của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất, vì vậy cuộc diễn tập lần này mang màu sắc tiến hành "sát hạch" đối với toàn bộ hệ thống chỉ huy và thể chế của Lực lượng Phòng vệ.

Cụ thể trên phương diện "đánh chiếm đảo", cấp độ diễn tập của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản có xu thế tăng lên từng năm, mục đích diễn tập cũng từ "thể nghiệm" ban đầu tiến hóa đến "kiểm nghiệm chiến đấu thực tế". Từ năm 2006 đến nay, Mỹ-Nhật đã tổ chức nhiều cuộc diễn tập với tình huống đưa ra là "đoạt lại đảo nhỏ".

Tàu vận tải lớp Osumi, lượng giãn nước 8.900 tấn của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản.

Trong các cuộc diễn tập này, theo sắp xếp của phía Mỹ, binh sĩ Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đáp tàu vận tải, tàu đổ bộ cơ động tầm xa tới khu vực xa lạ, nhằm mục đích rèn luyện năng lực điều động binh lực từ lãnh thổ tới các hòn đảo nhỏ xa xôi cho Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản.

Trong giai đoạn diễn tập thực binh, quân Mỹ trực tiếp (tay cầm tay) truyền thụ các kỹ xảo tác chiến đổ bộ lập thể đặc biệt, phương thức chính là đáp tàu cao su và tàu đổ bộ đệm khí tốc độ cao bí mật xâm nhập đảo nhỏ, triển khai trinh sát thực địa và thu thập tin tức tình báo của địch, tạo cơ sở cho việc tiếp tục điều động lực lượng nhảy dù đánh chiếm đảo nhỏ.

Trải qua nhiều cuộc diễn tập, lực lượng WAiR giỏi tấn công đánh chiếm đảo, trinh sát, thâm nhập tác chiến, họ thậm chí có thể thoải mái mặc bộ đồ lặn tiến hành tác chiến "đặt mìn" ở dưới nước.

Lữ đoàn nhảy dù 1 của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản cũng hội nhập rất nhiều nội dung "thu hồi đảo nhỏ bị địch chiếm" trong huấn luyện những năm gần đây. Tháng 1 năm nay, lữ đoàn này đã tiến hành huấn luyện nhảy dù mang màu sắc "đoạt lại đảo nhỏ" ở trường bắn Narashino của tỉnh Chiba.

Khi đó một số máy bay trực thăng đã đưa binh sĩ trinh sát của lữ đoàn nhảy dù đổ bộ xuống bãi cát "hòn đảo bị chiếm" mô phỏng. Sau khi khảo sát địa hình và địch tình, họ dẫn theo lực lượng phía sau đổ bộ tấn công, cuối cùng hoàn thành nhảy dù "tiêu diệt địch và chiếm lĩnh thực tế" dưới sự yểm trợ hỏa lực của Lực lượng Phòng vệ Trên không và Lực lượng Phòng vệ Biển.

Mỹ-Nhật tiến hành diễn tập đánh chiếm đảo ở Guam (ảnh tư liệu)

Điều thu hút sự quan tâm nhất là cuộc diễn tập đổ bộ đánh chiếm đảo của Mỹ-Nhật mang tên "Dawn Blitz" do Mỹ tổ chức, Lực lượng Phòng vệ lần đầu tiên tham gia với cả tập thể 3 "quân chủng", quy mô đạt cấp chiến dịch, tăng cường rất lớn tác chiến liên hợp tổng thể cho Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản.

Ngoài thông qua diễn tập liên hợp với quân Mỹ để học tập kỹ năng đánh chiếm đảo, những năm gần đây Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản cũng đã tăng cường huấn luyện đánh chiếm đảo liên hợp giữa Lực lượng Phòng vệ Mặt đất/Biển/Trên không (3 quân chủng).

Bối cảnh diễn tập bắn đạn thật liên tục nhiều năm có quy mô lớn nhất của Nhật Bản đều giả thiết là các hòn đảo nhỏ bị kẻ thù xâm lược, 3 quân chủng của Lực lượng Phòng vệ liên hợp điều động tiến hành tác chiến đánh chiếm đảo tổng hợp, cuối cùng kết thúc với việc giành thắng lợi trong đánh chiếm đảo.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản tiết lộ, khu vực diễn tập lần này là ở đảo Okidaito cách thành phố Naha, Okinawa khoảng 408 km về phía đông nam, đây là một hòn đảo không người ở được hình thành bởi đá san hô bồi lên, xung quanh đều được bao bọc bởi đá san hô. Từ năm 1956, hòn đảo này được coi là bãi huấn luyện bắn của Hải quân Mỹ đóng tại Okinawa, hạ tầng mô phỏng chiến trường đầy đủ, có thể coi là khu vực tốt cho tác chiến liên hợp 3 quân chủng.

Ngày 10 tháng 1 năm 2013, Lữ đoàn nhảy dù 1 của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản tiến hành diễn tập ở thao trường Narashino, tỉnh Chiba, Nhật Bản.

Có chuyên gia phân tích cho rằng, so với đảo Senkaku, môi trường thực tế của đảo Okidaito vẫn có sự khác biệt. Tình hình bãi biển của đảo này phức tạp hơn, rủi ro đối với tàu trực tiếp tấn công cao hơn, vô hình trung là một thử thách cho sức chiến đấu đổ bộ của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản.

Thứ hai, sau khi trải qua nhiều cuộc diễn tập đổ bộ liên hợp với Mỹ, Nhật Bản hy vọng tự tổ chức diễn tập đổ bộ có tính chất liên hợp 3 quân chủng, xây dựng quan hệ chỉ huy thông suốt, đồng thời kiểm tra năng lực phản ứng nhanh của 3 quân chủng Lực lượng Phòng vệ, từ đó ứng phó hiệu quả với những sự cố bất trắc trên hướng tây nam.

Triển khai tên lửa đất đối hạm nhưng “không nhằm vào quốc gia cụ thể nào”

Cũng liên quan đến cuộc diễn tập lần này, hãng AFP cho rằng, đảo Okidaito cách đảo Senkaku tương đối xa, nhưng theo hãng phát thanh Asahi và Đài truyền hình Fuji, quan chức Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đang xem xét triển khai tên lửa đất đối hạm tầm ngắn ở đảo Ishigaki cách đảo Senkaku 150 km. Hai đài truyền hình đều cho biết, cuộc diễn tập lần này không có kế hoạch tiến hành bắn đạn thật ở đảo Ishigaki.

Hệ thống phóng tên lửa đất đối hạm Project 88 (SSM-1) của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản.

Một tuyên bố của Bộ Tham mưu liên quân, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, cuộc diễn tập tháng 11 nhằm "duy trì và nâng cao năng lực tác chiến liên hợp trong tình hình Lực lượng Phòng vệ bi tấn công vũ lực". Theo tuyên bố, cuộc diễn tập sẽ gồm có "một loạt hành động phòng thủ đảo", bao gồm hành động đổ bộ liên hợp.

Theo bài báo, từ khi ông Shinzo Abe lên nắm quyền vào tháng 12 năm 2012 đến nay, Nhật Bản luôn áp dụng lập trường cứng rắn hơn.

Mạng "Tin tức Trung Quốc" ngày 25 tháng 10 còn dẫn tờ "Japan News Network" cho biết, ngày 24 tháng 10, Bộ Quốc phòng Nhật Bản thông báo, 5 tàu chiến của Trung Quốc từ đêm ngày 23 đến ngày 24 (giờ địa phương) đã chạy qua vùng biển giữa đảo Okinawa và đảo Miyako đến Thái Bình Dương. Thông tin này cũng được khẳng định bởi Đài truyền hình NHK Nhật Bản.

Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, 6 giờ tối ngày 23 (giờ địa phương), tàu hộ vệ của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản đã phát hiện một đội tàu hải quân Trung Quốc ở vùng biển cách đảo Miyako 300 km về phía tây bắc, đồng thời đã tiến hành theo dõi, giám sát. Đến sáng ngày 24 tháng 10, đội tàu này chạy hướng ra Thái Bình Dương. Nhật Bản hiện đang tiến hành phân tích mục đích hành động của hạm đội Trung Quốc.

Ngày 25 tháng 7 năm 2013, biên đội tàu chiến Hải quân Trung Quốc chạy qua eo biển Miyako (ảnh tư liệu)

Ngày 27 tháng 8 năm nay, Bộ Tham mưu liên quân, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng ra tuyên bố cho biết, cùng ngày phát hiện 2 tàu hộ vệ Hải quân Trung Quốc chạy qua vùng biển giữa đảo Okinawa và đảo Miyako vào khoảng 3 giờ chiều (giờ địa phương), từ biển Hoa Đông tiến ra Thái Bình Dương.

Theo bài báo, do vùng biển này thuộc biển quốc tế, hành động này không vi phạm luật pháp quốc tế. Đây là lần tiếp theo phía Nhật phát hiện được tàu chiến Trung Quốc chạy xuyên qua vùng biển này kể từ khi 5 tàu chiến Trung Quốc từ Thái Bình Dương chạy tới biển Hoa Đông vào ngày 25 tháng 7 đến nay.

Ngày 25 tháng 7, Bộ Tham mưu liên quân, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng thông báo, phát hiện 5 tàu chiến của Hải quân Trung Quốc trong đó có tàu khu trục tên lửa, tàu hộ vệ đã chạy xuyên qua vùng biển giữa đảo Okinawa và đảo Miyako.

Về vấn đề này, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Cảnh Nhạn Sinh ngày 25 tháng 7 trả lời rằng, biên đội tàu chiến Hải quân Trung Quốc đến vùng biển Tây Thái Bình Dương tiến hành diễn tập, phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế. Ở vùng biển và eo biển có liên quan của Tây Thái Bình Dương, các bên đều có quyền lợi tự do qua lại. Trong tương lai, Trung Quốc sẽ còn tiếp tục tiến hành huấn luyện biển xa ở vùng biển châu Á-Thái Bình Dương, hy vọng các bên có thể nhìn nhận khách quan.

Theo đài NHK, mặc dù trong cuộc diễn tập của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tới đây, Nhật Bản sẽ lần đầu tiên triển khai lực lượng tên lửa đất đối hạm tại đảo Miyako, tỉnh Okinawa, điều lực lượng đến phía nam đảo Okinawa, đưa toàn bộ vùng biển giữa đảo Okinawa và đảo Miyako vào tầm bắn, nhưng theo tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nhật Bản, cuộc diễn tập lần này không nhằm vào bất cứ quốc gia cụ thể nào.

Tên lửa chống hạm Project 88 (SSM-1) của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản.

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/giao-duc-quoc-phong/nhat-ban-tien-hanh-dien-tap-chiem-dao-lien-hop-ran-de-trung-quoc/322463.gd