Nhặt chuyện đầu xuân trên xe buýt

Đến cơ quan ngày làm việc đầu tiên sau Tết Đinh Dậu bằng xe buýt trợ giá của Sở GTVT Đà Nẵng quả là nhiều thú vị. 5 giờ 30, từ bến xe trên đường Phạm Hùng, tôi lên xe số 7. Lúc này trên xe, ngoài tài xế, nhân viên phụ xe chỉ có tôi là khách. Tôi được chào đón rất thân thiện, nhiệt tình, lịch sự. Cảm nhận đầu tiên của tôi khi bước lên xe là không khí thoáng mát, mùi xe mới với những hàng ghế được vệ sinh rất sạch sẽ, tiếng nhạc du dương trên xe hòa chung những tiếng nhỏ nhẹ của cô nhân viên: “Thời gian xuất các tuyến xe buýt này từ 5 giờ đến 21 giờ hàng ngày với tần suất 10 phút/chuyến vào giờ cao điểm và 20 phút/chuyến vào các giờ khác. Giá vé là 5.000 đồng/lượt; vé tháng dành cho hành khách được ưu tiên là 45.000 đồng/tháng và không được ưu tiên là 90.000 đồng/tháng thì có thể đi được tất cả các tuyến đó anh”.

Đến trạm dừng đầu tiên có thêm một hành khách lên xe và cũng được chào đón rất niềm nở. Hai chúng tôi dễ dàng bắt chuyện với nhau. Được biết tên anh là Tuấn, tới chợ Đầu mối phụ vợ bán hàng... Câu chuyện đầu năm giữa hai hành khách và nhân viên trên xe buýt chỉ xoay quanh chủ đề về các tuyến xe buýt trợ giá và các tuyến xe buýt cũ khác hiện có tại TP Đà Nẵng. Cùng tâm trạng và cảm nhận như tôi về sự thuận lợi của các tuyến xe buýt mới này, anh Tuấn nhận xét: “Đây thực sự là chủ trương rất hợp lòng dân của lãnh đạo Thành ủy và UBND TP Đà Nẵng trong việc phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt để đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng cao của người dân, góp phần giảm thiểu TNGT, ô nhiễm môi trường, giảm chi phí đi lại, văn minh, hiện đại trong mắt người dân và du khách.

Câu chuyện bị gián đoạn bởi hai hành khách đứng trên vỉa hè đường Cách Mạng Tháng Tám vẫy xe đón khách. Mặc dù xe còn rất nhiều chỗ trống nhưng tài xế vẫn không dừng cho khách lên. Thấy chúng tôi ngạc nhiên, cô nhân viên nhà xe giải thích là do những hành khách đó đón xe không đúng điểm dừng theo quy định. Anh Tuấn thắc mắc: “Sao lần trước tôi đi xe buýt màu vàng tuyến Tam Kỳ-Đà Nẵng trong nội thành mà thấy khách đứng đón không phải ở điểm dừng xe buýt mà họ vẫn dừng xe rất nhanh cho khách lên?”.

Sau câu hỏi này, tôi chợt lục lại trong ký ức về những lần đi đường bằng xe máy và chứng kiến cảnh xe buýt tuyến Đà Nẵng-Phú Đa, Đà Nẵng- Tam Kỳ... kèm theo cảm giác ớn lạnh, xen lẫn bức xúc. Đúng là những xe buýt này chạy với tốc độ khủng khiếp, phóng nhanh vượt ẩu, lấn sang cả làn đường chiều ngược lại, thấy khách đón là sẵn sàng tấp xe vào lề rất nguy hiểm cho các phương tiện lưu thông phía trước; ngay cả khi xe chạy vào khu vực nội thành đông đúc mà vẫn bấm còi xin vượt inh ỏi... Tôi tiếp tục hỏi vì sao khoảng cách các điểm dừng xe buýt quá dài mà chỉ đón khách ở điểm dừng xe buýt thì rất ít khách mới được lên xe được? Trong khi các điểm dừng không có khách chờ xe vẫn dừng làm mất thời gian của người trên xe? Các tuyến xe có trợ giá của thành phố lại quá ngắn, đơn cử như tuyến xe buýt Xuân Diệu - Metro- Phạm Hùng chỉ dừng lại ở Trạm nằm ở giữa cầu Cẩm Lệ và chợ Miếu Bông mà không di chuyển bến hoặc cho xe vào quá chợ Miếu Bông đón khách? Chẳng lẽ nơi đây có nhiều sinh viên, học sinh, công nhân có nhu cầu phải đón xe ôm đến Trạm xe buýt Phạm Hùng để đi xe buýt?... Trước loạt câu hỏi này của chúng tôi, cô nhân viên bảo chỉ có thể chuyển đến Giám đốc Sở GTVT thành phố trả lời mà thôi! Thiết nghĩ cơ quan chức năng cần kiểm tra, giám sát thường xuyên trên các truyến đường và các xe buýt ngoại tỉnh để các chủ trương, chính sách của thành phố đến được với người dân, giúp tránh ùn tắc, giảm thiểu TNGT và ô nhiễm môi trường.

Trong ảnh: Một xe buýt tuyến Tam Kỳ-Đà Nẵng tấp nhanh vào lề đón khách
không đúng nơi quy định.

Được biết, nhiều sinh viên, học sinh sau khi trải nghiệm các tuyến xe buýt mới này đã đăng những thông tin phản ánh tích cực, mang tính xây dựng lên mạng xã hội. Điều này thôi thúc việc tham gia giao thông của các cán bộ thuộc cơ quan hành chính, UBND các quận, huyện, đơn vị công an, đơn vị sự nghiệp công lập; cán bộ công nhân viên chức là giáo viên; học sinh, sinh viên tham gia giao thông hàng ngày bằng phương tiện xe buýt.

Sau khi UBND TP Đà Nẵng yêu cầu đẩy mạnh quảng bá, truyền thông rộng rãi hệ thống giao thông công cộng bằng xe buýt đến nhân dân, mới đây, Ban ATGT TP cũng có văn bản gửi các sở, ban, ngành vận động cán bộ, công chức và người lao động đi làm bằng xe buýt để góp phần xây dựng chủ trương thực hiện văn hóa, văn minh đô thị trên địa bàn.

Thành Chung

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_161176_nha-t-chuye-n-da-u-xuan-tren-xe-buy-t.aspx