Nhật ký hải trình đến 'Quần đảo hiên ngang thiên hùng ca ngời sáng'

Đến với Trường Sa như có một lực hấp dẫn khôn tả, như một lời giục giã đầy lôi cuốn từ khơi xa. Là người đã được đặt chân trên khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước nhưng với chuyến đi này, tôi vẫn thấy háo hức, hồi hộp lạ thường...

Tạm biệt đất liền

Ngày thứ nhất: Lên đường

7h00, dưới cái nắng đầu hè trên cầu tàu Quân cảng Học viện Hải quân (TP. Nha Trang), đoàn chúng tôi gần 200 người do Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc làm Trưởng đoàn có mặt. Xung quanh tôi là những ánh mắt long lanh, nụ cười háo hức trước chuyến đi có thể chỉ là 1 lần trong đời.

Mọi người nhận thẻ lên tàu, tìm phòng rồi làm quen với nhau.

Một chàng trai sinh năm 1991, anh Nguyễn Vũ Thắng, du học ở Anh và hiện đang làm ở Công ty Microsoft hồ hởi nói với bạn cùng phòng: “Chỉ có ra Trường Sa thế này mới là trải nghiệm đi biển thực thụ”. Còn một Trung úy phóng viên của báo Quốc phòng Thủ đô thì cởi mở: “Mình đi lần này là lần thứ 2 rồi nhưng cảm xúc vẫn như lần đầu vậy”.

Nghi lễ tiễn đoàn trang trọng, các sĩ quan Hải quân vùng 4 xếp hàng thẳng tắp dọc cầu tàu. Đúng 8h sáng, tàu HQ 561 kéo 3 hồi còi dài tạm biệt đất liền, các chiến hạm đậu trong Quân cảng cũng rúc 3 hồi còi đáp lại. Trưởng đoàn công tác nói với tôi: “Chuyến đi lịch sử của đoàn Hà Nội đấy. Chưa lần nào đoàn được tổ chức cho gần 200 thành viên ra đảo thế này đâu”.

Tôi thì nghĩ đây là chuyến đi hướng về Trường Sa thân yêu nhằm thể hiện sự quan tâm chia sẻ với những gian lao của những người lính ngày đêm chắc tay súng nơi đảo xa, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.

Biển bao la lặng sóng nhưng trong lòng tôi lúc này trào dâng nhiều cảm xúc khó tả khi đến với Trường Sa.

Tàu 561 chở đoàn công tác ra Trường Sa

Khi đất liền khuất tầm mắt cũng là lúc sóng điện thoại di động chập chờn rồi mất hẳn. Phía khơi xa, biển như dát vàng lấp lánh dưới nắng chói chang. Những cánh hải âu chao liệng. Từng đàn cá chuồn tung mình khỏi mặt nước trong tiếng sóng vỗ thân tàu ràn rạt. Cả đoàn đồng loạt thay áo phông đỏ in ngôi sao vàng năm cánh có dòng chữ "Tất cả vì Trường Sa thân yêu". Rồi mọi người ríu rít chạy về phía boong tàu để thỏa sức ngắm biển và lưu lại những khoảnh khắc làm kỷ niệm.

Theo thông báo của tàu: Một ngày sẽ ăn 4 bữa, sáng 5h30, trưa 10h30, chiều 17h30 và buổi tối 21h. Tất cả mọi người phải thực hiện nghiêm túc quy định của tàu, đúng tác phong quân đội. Hình như mọi người đều cảm nhận rằng cuộc hành trình dài nơi sóng và gió chắc chắn đang đón chờ ở phía trước thì ai cũng tự coi mình như một người lính, một người lính Hải quân.

Cất đồ đạc xong, mọi người nghỉ ngơi, thư giãn ít phút. Không gian yên lặng, mỗi người theo đuổi một suy nghĩ riêng. Tiếng loa trên tàu đang phát các bài hát về biển đảo.

14h, một khẩu lệnh vang lên qua tiếng loa trong phòng: "Đã hết giờ nghỉ, báo thức toàn tàu, đã hết giờ nghỉ, toàn tàu bào thức, báo thức toàn tàu, toàn tàu báo thức". Mặc dù còn ngái ngủ nhưng tất cả đều vui vẻ chấp hành vì đây là điều lệnh của quân đội.

Hoàng hôn trên biển

Cả buổi chiều tôi ngồi ở trước cabin tàu nhìn ngắm hoàng hôn biển và có cảm giác đã lâu lắm mình mới có một khoảng thời gian không phải suy nghĩ gì nhiều, tâm hồn thật thư thái. Phía đường chân trời, mặt trời lặng lẽ khuất dần sau làn mây chìm xuống biển, thỉnh thoảng có những con cá chuồn vọt lên mặt nước và bay xa hàng chục mét.

Ăn tối xong, mọi người lên boong giao lưu văn nghệ giữa các đoàn, tập thể thuyền viên tàu HQ 561 trình bày ca khúc về con tàu 561 rất hào hùng, các diễn viên không chuyên của các đoàn được dịp trổ tài cùng với sinh viên Trường Cao đẳng VHNT Hà Nội. Giữa biển khơi nghìn trùng, cả con tàu rộn vang tiếng hát hòa cùng nhịp vỗ tay.

Ai cũng say sưa câu hát

22h, đêm giữa trùng khơi, có lẽ cả đoàn ai cũng mệt vì chưa quen sóng gió. Phần lớn các thành viên trong đoàn mới chỉ biết về Trường Sa qua sách vở, qua các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng dường như Trường Sa luôn gần gũi với tất cả. Giờ đây, khi khái niệm ấy được hiện thực hóa qua từng hải lý thì niềm xúc động đó mỗi lúc một tăng thêm.

Ngày thứ 2: Lên đảo

5h, “Đã đến giờ dậy, toàn tàu báo thức, báo thức toàn tàu”. Nghe hiệu lệnh, tôi xách vội chiếc máy ảnh chạy lên boong chụp bình minh. Trên boong tàu đã có vài người cũng đang lăm lăm máy ảnh và điện thoại để ghi lại hình ảnh bình minh nơi biển xa. Lúc này, chân mây ửng hồng, trời yên ả, biển lặng sóng.

Đảo Đá Lớn - thuộc bãi đá ngầm của nền san hô ngập nước.

Chụp ảnh xong xuống phòng đã thấy anh nuôi bày xong bữa sáng cho 5 người. Bữa sáng có phở bò. Phải nói lính hải quân chế biến đồ ăn cũng khá.

Anh Nghĩa có thâm niên 120 tháng công tác ở các đảo chia sẻ: “Bếp chúng tôi phải dậy từ 4h sáng để chuẩn bị đồ, chế biến rồi dọn dẹp đến 11h đêm mới lên giường. Cố gắng duy trì thực đơn phong phú cho đoàn công tác được ngon miệng và bảo đảm sức khỏe”.

Theo lịch trình, vào 14h, tàu cập đảo Đá Lớn thì từ 13h mọi người đã có mặt trên boong. Từ xa đã thấy đảo Đá Lớn hiện lên giữa mênh mông sóng nước. Mọi người ai cũng háo hức được đặt chân lên đảo để cảm nhận được đặt bước chân lên đảo, nơi khẳng định chủ quyền lãnh thổ Tổ quốc giữa trùng khơi.

Chiến sĩ đảo Đá Lớn vui mừng chào đón đoàn

Lên đảo thấy tận mắt cuộc sống và điều kiện sinh hoạt của các anh, tôi mới cảm nhận thật rõ ràng sự hy sinh, gian khổ của chiến sĩ bám đảo ngày đêm canh giữ bảo vệ chủ quyền.

Đi một vòng quanh đảo mới thấy nhiều điều thú vị. Một góc nhỏ quây tôn làm thành vườn rau xanh tăng gia với khá nhiều loại rau từ mùng tơi, muống, cải xanh đến các loại rau gia vị như mùi tàu, rau húng, rau thơm, ớt… Đàn lợn béo núc nằm cạnh mấy con chó thấy khách lạ sủa vài câu như chào hỏi rồi vẫy đuôi chạy lại gần. Hỏi chuyện, Chỉ huy đảo Phan Văn Cân cho biết vườn rau tăng gia, chăn nuôi và đánh bắt hải sản của anh em không những góp phần nâng cao dinh dưỡng còn mang thu nhập hơn 120 triệu đồng cho đảo trong năm qua.

Vườn rau trên đảo Đá Lớn

15h30, gần 2 tiếng ở trên đảo và cảm nhận cuộc sống nơi đây mới thấy ý chí quyết tâm của cán bộ chiến sĩ trên Đá Lớn. Chia tay mà lòng bồi hồi, hẹn gặp lại Đá Lớn vào một ngày gần nhất.

20h, biển lặng và im ắng, trên boong tàu, mỗi người một góc chìm đắm suy tư...

Ngày thứ 3: Đến đảo nổi

6h sáng, đoàn chúng tôi cập đảo Sinh Tồn Đông. Đây là đảo luôn được sự quan tâm của lãnh đạo, nhân dân cả nước, đảo đã vinh dự 8 lần được nhận danh hiệu "Đơn vị Quyết thắng".

Đảo đã quy hoạch khu tăng gia tập trung khá rộng, có vườn rau với những luống rau mùng tơi lá to hơn bàn tay người lớn, chuồng gà vịt có hàng chục con. Tổng số tiền thu từ tăng gia sản xuất năm 2016 và 3 tháng đầu năm 2017 đạt hơn 170 triệu đồng và góp phần đáng kể nâng cao đời sống cho bộ đội.

Hỏi chuyện chiến sĩ thuộc thế hệ 9X, anh tâm sự hầu hết lính trẻ lần đầu tiên ra đây đều hơi trầm cảm do xa đất liền, thiếu thốn tình cảm của đất liền. Nhưng một thời gian ở đây thì thấy “đảo là nhà, biển cả là quê hương”.

Chính vì điều đó nên khi chứng kiến cô sinh viên Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội lau mồ hôi cho chiến sĩ đứng gác mà tôi thấy cay cay nơi khóe mắt.

11h, chúng tôi rời Sinh Tồn Đông đi đảo đá Len Đao.

Bề mặt Len Đao tương đối bằng phẳng, nước biển trong suốt tận đáy nên thấy rõ rặng san hô, nhìn rõ từng đàn cá kìm bơi lượn. Vào tháng 3, tháng 4, ở đây có gió mùa Đông Bắc khiến bãi cát dịch chuyển về phía tây nam của đảo, khi nước triều lên có thời điểm bãi cát tạo thành hình bản đồ Việt Nam, tôi nghe kể vậy mà tiếc cho mình chưa được chứng kiến hiện tượng có một không hai này.

Thật bất ngờ khi tôi thấy trên đảo có một vườn hoa chào mừng Đại hội Đoàn cơ sở. Vườn hoa có diện tích khiêm tốn nhưng có những chậu hoa giấy, hoa hoàng yến khoe sắc. Phải nói với khí hậu và điều kiện này mà các chiến sĩ ở đây chăm sóc được cho những chậu hoa thế này phải nói thật là kỳ công. Với diện tích của công trình không lớn nhưng trên đảo cũng có hẳn 1 tủ sách với khá nhiều loại sách để phục vụ lính đảo.

Buổi chiều trước khi chúng tôi rời đảo, các chiến sĩ tổ chức lễ tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh tại Trường Sa.

Lễ tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh tại Trường Sa

Sau lời tưởng nhớ của Chuẩn Đô đốc Hoàng Hồng Hà, còi tàu hú 3 hồi dài, chúng tôi thả vòng hoa xuống biển để bày tỏ lòng biết ơn các liệt sĩ. Nhiều người không cầm được nước mắt và cùng hướng ra biển xa, thầm nguyện cho hương hồn các anh được yên nghỉ nơi vĩnh hằng...

Ngày thứ 4: Nơi xa nhất của hải trình

Chúng tôi đến nơi đón ánh bình minh đầu tiên trên biển của cụm đảo Trường Sa - đảo đá Tiên Nữ - hòn đảo xa nhất trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam, cách đất liền khoảng 450 hải lý.

Đảo có 2 khu nhà được nối với nhau bằng một chiếc cầu. Thật ấn tượng khi thấy các chiến sĩ trên đảo nuôi được cả một đàn chó gần hai chục con. Chúng tôi nói vui đấy là một biên đội “lính phòng thủ” trên đảo. Trời nắng, nóng, ít gió nên lên đến đảo ai cũng thấm mệt. Nhưng nhìn thấy sự vất vả của cán bộ chiến sĩ trên đảo thì dường như cái mệt ấy được xua tan.

Đảo Tiên Nữ

Chính trị viên của đảo, Thượng úy Phạm Viết Sao cho biết toàn bộ cán bộ chiến sĩ trên đảo được quán triệt sâu sắc về nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo. Trong thời gian qua toàn đảo đã thực hiện nghiêm các nội dung công tác về sẵn sàng chiến đấu như tuần tra canh gác bảo đảm phát hiện 100% các mục tiêu, xử lý linh hoạt và báo cáo chỉ huy các cấp.

Buổi gặp mặt thật nhiều xúc động. Nhận quà của đoàn, một chàng lính trẻ bồi hồi nói: "Các cô chú ra đây chúng con rất vui nhưng chúng con không có quà gì để tặng, chúng con chỉ có bài hát Lá Cờ".

Giọng nói miền Nam dễ thương của người lính như chạm đến trái tim khiến nhiều người thổn thức rơi nước mắt.

Lính đảo nhận món quà nhỏ của đất liền

14h, chúng tôi di chuyển ra đảo đá Núi Le. Đây là địa chỉ tin cậy của ngư dân khi ra đánh bắt hải sản ở khu vực này.

Gặp Thượng úy Nguyễn Văn Trường ở Phân đội xây dựng làng chài để giúp đỡ bà con ngư dân đi biển, anh nói: "Chúng tôi luôn xác định đây là trách nhiệm và vinh dự được Đảng, quân đội giao phó. Xác định quyết tâm huấn luyện sẵn sàng chiến đấu vừa bảo vệ biển đảo, bảo vệ Tổ quốc vừa giúp đỡ ngư dân bảo đảm hoạt động kinh tế biển".

Ngày thứ 5: Đến đảo Đá Đông A

5h, từ xa phía mạn phải con tàu, đảo Đá Đông A trông giống một ngôi nhà kiên định giữa biển khơi. Chúng tôi cập cầu cảng, đoàn cán bộ chiến sĩ đã chờ đón sẵn, những cái bắt tay ấm áp nghĩa tình quân dân. Chúng tôi đi qua những con đường hẹp, cầu thang hẹp dẫn lên hội trường. Khẩu hiệu chào đón, những lẵng hoa thấm đẫm vị mặn mòi của biển, nhiều ly trà đã chuẩn bị sẵn đón đoàn. Hội trường chỉ vừa đủ cho 10 người ngồi. Nghi thức giản dị như tấm lòng bộ đội.

Vườn rau trên đảo Đá Đông A

Chỉ huy trưởng đảo Đá Đông A Nguyễn Thái Sơn cho biết cơ sở vật chất dù còn thiếu thốn, song cán bộ chiến sĩ trên đảo luôn đoàn kết khắc phục khó khăn, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao, từ công tác huấn luyện, công tác sẵn sàng chiến đấu, xây dựng Đảng, xây dựng đơn vị vững mạnh.

Năm 2016 và 3 tháng năm 2017, đảo đã khám và chữa bệnh cho hơn 230 lượt ngư dân, cấp hơn 10.000 lít nước ngọt cho ngư dân đánh bắt hải sản quanh khu vực. Đơn vị còn tích cực tăng gia sản xuất, chăm sóc rau xanh và vật nuôi, 100% các bữa ăn của bộ đội đều có rau xanh.

15h, chúng tôi đến Trường Sa Đông, hòn đảo nằm trên bãi san hô ngập nước dài khoảng 1 hải lý. Các chiến sĩ trên đảo xếp hàng đón đoàn công tác theo nghi thức quân đội.

Đảo Trường Sa Đông

Đảo khá rộng, vườn rau có nhiều loại rau hơn so với các đảo khác, hệ thống chuồng trại sạch sẽ với đàn lợn hơn chục con. Cả đảo phủ một màu xanh của những tán bàng vuông, cây tra, xen lẫn những ngôi nhà mái đỏ và các máy phát điện sức gió, cảm giác như đến khu nghỉ dưỡng giữa biển.

Sau một hồi tíu tít chuyện trò, hỏi han, chia sẻ, chúng tôi rời Trường Sa Đông. Bất giác tôi nghĩ rằng mỗi người chúng ta nếu có ý thức trách nhiệm làm tốt những phần việc của mình thì đó là cách tốt nhất để đền đáp công sức những người chiến sĩ đã hy sinh tuổi thanh xuân để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Ngọn hải đăng Đá Tây

Ngày thứ 6: Đến Đá Tây

7h, chúng tôi đến đảo Đá Tây (gồm 2 cụm A và B), một khu đảo chìm với nền là các rạn san hô. Khi nước biển hạ thấp, nhìn khu đảo như một miệng núi lửa.

Điểm đảo A có một khu như chiếc hồ sâu ở giữa đảo, là nơi tàu thuyền có thể vào tránh bão, đây cũng là nơi cung cấp dịch vụ hậu cần cho tàu cá Việt Nam.

Đảo gồm 4 cụm nhà: Khu chỉ huy, khu nhà ở, nhà văn hóa đa năng và ngọn hải đăng. Trong khu vực ngọn hải đăng vẫn còn xác một chiếc tàu đã gỉ thủng lỗ chỗ như một minh chứng lịch sử về chủ quyền lâu đời của Việt Nam trên Biển Đông.

Ngày thứ 7: Đến nơi mong chờ nhất

Đến đảo Trường Sa Lớn từ tối hôm trước, sau khi nghỉ ngơi một đêm, 7h hôm sau, Đoàn công tác bắt đầu lên đảo, nơi mong chờ nhất của chuyến hải trình.

Do là ngày Chủ nhật nên tất cả người dân trên đảo đều ra đón chúng tôi và tất cả dự lễ chào cờ, hát Quốc ca.

Cột mốc chủ quyền trên đảo Trường Sa

Lễ chào cờ trên đảo Trường Sa

Khi nghe "10 Lời thề danh dự của người chiến sĩ QĐND Việt Nam" dưới cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió, chúng tôi thầm hứa sẽ trách nhiệm trong từng suy nghĩ và việc làm, đóng góp sức mình để Trường Sa luôn gần bên đất liền. Đoàn cũng đi thắp hương tại đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, đền thờ Bác Hồ và chùa Trường Sa lớn.

Đến Trường Sa lần này, đoàn công tác chuẩn bị gần 3 tấn hàng tặng cán bộ chiến sĩ đang phục vụ trên các đảo như máy lọc nước, tủ đông, máy tính...; chị em phụ nữ trên đảo được tặng áo dài, một số quận huyện Hà Nội mang tặng đặc sản địa phương như kẹo dồi, chè lam, mứt sen, cây hoa…

Những lá cờ Tổ quốc gửi tặng Trường Sa là lời nhắn nhủ "Tổ quốc luôn ở bên Trường Sa".

Biết rằng quà tặng là không thể so sánh với sự hy sinh của quân dân trên đảo, nhưng đồng chí Trưởng đoàn bày tỏ: “Chúng tôi muốn mang cả Hà Nội ra với Trường Sa, để có một Trường Sa trong lòng Hà Nội”.

Tính từ năm 2009 đến nay, Hà Nội đã hỗ trợ xây dựng được 6 công trình, đang hỗ trợ xây dựng 1 công trình với số tiền là 217 tỷ đồng.

Trung tá Đỗ Bá Tuyến, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa cho biết: “Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân cả nước, cơ sở vật chất trên đảo ngày càng củng cố, nơi ăn ở gọn gàng, đời sống cán bộ, chiến sĩ, nhân dân ngày càng được nâng cao. Đặc biệt, đơn vị luôn phối hợp với UBND thị trấn Trường Sa quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi, giúp đỡ ngư dân về mọi mặt để ngư dân yên tâm bám biển; tổ chức các hoạt động chăm lo đời sống cho thiếu nhi, phụ nữ trên đảo".

Sân đỗ máy bay trên đảo Trường Sa

Theo lịch trình, 17h, tàu sẽ rời Trường Sa lớn. Vậy mà mọi người bịn rịn như chưa muốn chia tay những người dân trên đảo sớm vậy. Đứng trên thành tàu những cánh tay vẫy chào tạm biệt đến khi Trường Sa xa dần mới thôi.

Chị Nguyễn Thị Lan Hương, đại biểu HĐND Hà Nội xúc động chia sẻ: “Hôm nay là một ngày ý nghĩa trong cuộc đời mình vì được đến Trường Sa vào đúng sinh nhật. Đây có thể là món quà sinh nhật lớn nhất mà mình từng có".

Ngày cuối cùng: Đến nơi chỉ có trời

Tàu chạy suốt cả đêm, đến 6h sáng hôm sau mới đến Nhà giàn DK1/8, Trạm dịch vụ kinh tế-khoa học-kỹ thuật Quế Đường.

Đúng 8h, bắt đầu Lễ tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh tại thềm lục địa phía nam. Sau Lễ tưởng niệm, đoàn ra thăm nhà giàn. Nhà giàn DK1/8 là một khung giàn nổi đặt trên 4 chân cắm xuống biển như hệ thống nhà sàn. Việc lên được nhà giàn vô cùng khó khăn, những con sóng dữ tợn, dập dềnh có thể cắt đứt chân nếu bước chân lên bậc thang không đúng cách.

Tàu cập nhà giàn DK1/8

Lính đảo ở đây kể chuyện, đã có nhiều thời điểm, họ thấy những con sóng cao đến mức có thể trùm kín cả nhà giàn, như thể nuốt trọn bất kỳ thứ gì mà nó đi qua, kèm theo đó là những trận cuồng phong như chực chờ để kéo sập nhà giàn xuống đáy biển. Sự sống và cái chết khi đó chỉ cách nhau gang tấc.

Đến tháng 6/2015, Bộ Tư lệnh Công binh đã nâng cấp nhà giàn mới nối với khu nhà cũ, đưa vào sử dụng với hệ thống khá tiện nghi: Có các khu sinh hoạt riêng, có cả khu tập gym… Tuy nhiên so với đảo chìm thì rau xanh và nước ngọt vẫn là hai thứ thiếu nhất ở nhà giàn. Việc tích trữ rau xanh từ đất liền gửi ra không hề dễ dàng và cũng chẳng được bao nhiêu. Để cải thiện bữa ăn, người lính buộc phải tự trồng rau trong những khay bằng nhựa mà cánh phóng viên phong tặng là “Vườn treo Babylon-Trường Sa-Việt Nam”.

Chia sẻ với tôi, Đại úy Trần Văn Sang, Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/8 khẳng định: “Tuy khó khăn vất vả nhưng đáp lại sự quan tâm của Đảng, nhà nước, quân đội, nhân dân các địa phương, cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn nguyện sẽ mưu trí, dũng cảm, chấp nhận hy sinh, quyết tâm bảo vệ vững chắc nhà giàn với phương châm “còn người, còn nhà giàn”...

Vườn treo Babylon - Trường Sa - Việt Nam

Lúc 16h, chúng tôi rời nhà giàn DK, ngôi nhà nhỏ bé giữa biển khơi mà hiên ngang bất khuất như ý chí và nghị lực kiên cường của bộ đội Trường Sa.

Xa Trường Sa, chúng tôi sẽ nhớ những ngày ở Trường Sa... Và những ngày đầy ắp kỷ niệm ấy sẽ làm chúng tôi thêm quyết tâm thực hiện nhiều điều ý nghĩa với mong muốn xứng đáng phần nào với sự hy sinh cao cả của các anh - những người lính Trường Sa.

Tạm biệt nhé, Trường Sa

Xin được dừng những dòng nhật ký về Trường Sa.

Tôi biết câu chuyện của tôi có thể chưa đầy đủ, cảm xúc có thể chưa đầy, cái nhìn của tôi chưa mô tả hết được cuộc sống, sinh hoạt của quân dân quần đảo Trường Sa nhưng tôi hy vọng, những dòng này sẽ giúp bạn hình dung một phần về nơi xa xôi nhất của Tổ quốc Việt Nam để bạn càng thêm yêu thương Tổ quốc, càng thêm tự hào về truyền thống anh hùng bất khuất của nhân dân Việt Nam, của quân đội nhân dân Việt Nam, càng thêm khâm phục sự cống hiến, hy sinh của quân dân trên đảo Trường Sa.

Bài&Ảnh: Nhật Bắc

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/doi-song/nhat-ky-hai-trinh-den-quan-dao-hien-ngang-thien-hung-ca-ngoi-sang/304739.vgp