Nhật ký liệt sĩ và hành trình lưu lạc 43 năm trên đất Mỹ

Trong triển lãm “Ký ức chiến tranh” tổ chức tại Hà Nội vừa qua, có một cuốn nhật ký thu hút mạnh mẽ công chúng. Đó là cuốn nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Văn Nam (quê Nông Cống, Thanh Hóa) đã lưu lạc 43 năm trên đất Mỹ trước khi được Bộ Quốc phòng Mỹ trao lại vào tháng 5.2015.

Vật bất ly thân

Tháng 5.2015, khi cuộc hội đàm giữa hai Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam và Mỹ kết thúc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ trao tặng Bộ trưởng Phùng Quang Thanh 2 kỷ vật liên quan đến những người lính Việt Nam mà phía Mỹ lưu giữ. Đó là một chiếc thắt lưng của quân giải phóng và một cuốn nhật ký đã ố vàng. Ngài Ash Carter - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ chia sẻ: “Cuốn nhật ký này đã lưu lạc tại Mỹ 43 năm. Đây là 1 trong số rất nhiều kỷ vật Mỹ lưu giữ được. Nay chúng tôi mong muốn những kỷ vật này được về bên người thân của các chiến sĩ Việt Nam, để xoa dịu những nỗi đau trong quá khứ, để chúng ta cùng nhìn về một tương lai tươi sáng hơn”.

Hình liệt sĩ Nguyễn Văn Nam hồi trẻ (ảnh nhỏ).

Cuốn nhật ký được trưng bày trong bộ sưu tập “Ký ức chiến tranh”.

Quay trở lại đường đi của cuốn nhật ký, theo cựu chiến binh Lê Minh Ức (75 tuổi, quê Hưng Yên, người từng có 17 năm chiến đấu ở chiến trường B, C, K) mà chúng tôi gặp tại Bảo tàng Lịch sử quân sự (LSQS) khi tham quan triển lãm “Ký ức chiến tranh”, ông Ức cho biết: “Thời chúng tôi đi bộ đội, hầu như ai cũng có một cuốn nhật ký của riêng mình. Chúng tôi lúc ấy đi chiến đấu khi tuổi đều mười tám, đôi mươi, tâm hồn ai cũng căng tràn nhựa sống. Vào chiến trường, ai nào cũng có một cuốn nhật ký nhỏ. Nói một điều rất thật là những lúc chiến tranh bom rơi, đạn nổ, nếu không có những khoảnh khắc riêng tư, để người lính được tĩnh tâm, rất khó có thể vượt qua sự ác liệt của chiến tranh. Nhiều chiến sĩ khi hy sinh, cuốn nhật ký vẫn còn trong túi áo ngực...”.

Với kinh nghiệm chiến trường của mình, ông Ức cho biết: “Theo tôi phán đoán, người có cuốn nhật ký này đã hy sinh và cuốn nhật ký, sau hơn 40 năm đã được trao trả lại. Cuốn nhật ký trao trả lại gia đình liệt sĩ Nam là “sợi dây” hàn gắn tình cảm với người đã khuất và cả gia đình họ, vì trong chiến tranh có biết bao nhiêu người đã mãi mãi không trở về mà không để lại chút kỷ vật gì”- cựu chiến binh Lê Minh Ức xúc động chia sẻ.

Truy tìm từ con số 0

Tuy được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đích thân trao lại, nhưng thông tin về người nhặt được cuốn nhật ký của 43 năm trước rất mù mịt nên cơ quan chức năng khó xác định ngay số phận của chủ nhân cuốn nhật ký. Trong cuốn nhật ký còn có bức ảnh một người cô gái tầm tuổi 18-20, mặc váy, đứng bên cạnh lọ hoa, nhìn qua trang phục có vẻ là người miền Nam. Thiếu tá Vũ Văn An- cán bộ Phòng Nghiên cứu, sưu tầm và Quản lý nghiệp vụ Bảo tàng LSQS Việt Nam cho biết: “Nhận được cuốn nhật ký vào ngày 25.6.2015, chúng tôi biết mình đang bắt đầu cuộc kiếm tìm từ con số 0, bởi những dữ liệu để lại là khá mông lung. Tuy nhiên, các cán bộ của phòng đã khẩn trương tìm hiểu thông tin, quyết tìm bằng được chủ nhân cuốn nhật ký và người con gái trong bức ảnh kẹp trong cuốn nhật ký mà phía Mỹ trao trả lại”.

Với trách nhiệm và linh cảm của người làm công tác bảo tàng, để tìm được chủ nhân cuốn nhật ký, Ban giám đốc Bảo tàng LSQS Việt Nam đã thành lập một tổ công tác nghiên cứu các nội dung thông tin ghi trong cuốn nhật ký để liên hệ, xác minh, tìm kiếm. Qua những vệt máu còn thấm đẫm trong cuốn nhật ký, khả năng chiến sĩ Nguyễn Văn Nam có thể đã hy sinh. “Khác với nhiều cuốn nhật ký được phía Mỹ trao trả trước đây, nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Văn Nam khi về Việt Nam gần như không có thông tin cụ thể nào liên quan đến người nhặt được nó, cũng như thời điểm, địa điểm và hoàn cảnh nhặt được. Chính vì vậy, việc tìm kiếm, xác minh của chúng tôi gặp không ít khó khăn” – thiếu tá An cho biết.

Những thông tin bà Hà Thị Rốt cung cấp đã hé lộ về một mối tình đẹp, một nhân cách lớn của chàng trai Nguyễn Văn Nam khi những thông tin mà bà Rốt xác nhận trùng khớp với những thông tin được ghi trong cuốn nhật ký.

Từ những “từ khóa” ghi trong cuốn nhật ký như: Nguyễn Văn Nam, Minh Nghĩa, Nông Cống, Thanh Hóa, tổ công tác đặt ra hai giả thuyết: Một là chiến sĩ Nguyễn Văn Nam quê ở xã Minh Nghĩa, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. Nếu như đây là sự thật, việc xác định người thân của chiến sĩ Nguyễn Văn Nam sẽ rất thuận lợi. Thứ hai, anh có thể là cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc, từng dừng lại ở Thanh Hóa. Bức tranh người con gái trong cuốn nhật ký có thể là người thân của anh trong miền Nam. Nếu giả định này đúng, việc tìm kiếm người thân của liệt sĩ Nam gần như vô vọng.

Với 2 giả thuyết trên, tổ công tác của Bảo tàng LSQS Việt Nam đã đồng thời liên hệ với Bộ chỉ huy quân sự và cơ quan chính sách tỉnh Thanh Hóa để công bố công khai những thông tin trong cuốn nhật ký trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Lần theo thông tin trong danh sách 132 liệt sĩ ở xã Minh Nghĩa, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa, có 3 liệt sĩ cùng tên là Nguyễn Văn Nam, thời gian hy sinh từ năm 1971 đến 1973. Ngay lập tức, tổ công tác cử cán bộ về phối hợp với địa phương xác minh thông tin về 3 liệt sĩ cùng tên Nguyễn Văn Nam trên.

Trong thời gian tiến hành xác minh, bất ngờ tổ công tác nhận được thông tin của một người dân báo mình có quen một người con gái tên là Hà Thị Rốt, quê ở Nông Cống, Thanh Hóa. Bà Hà Thị Rốt là người được liệt sĩ Nguyễn Văn Nam nhắc đến rất nhiều trong nhật ký của mình. Liên hệ với bà Rốt, bà cũng khẳng định có quen người bạn tên là Nguyễn Văn Nam, đồng thời sẵn sàng cung cấp thông tin liên quan đến người thân và liệt sĩ.

Cái tên Hà Thị Rốt là nhân chứng xuyên suốt để tìm ra chủ nhân cuốn nhật ký. Những thông tin bà Hà Thị Rốt cung cấp đã hé lộ về một mối tình đẹp, một nhân cách lớn của chàng trai Nguyễn Văn Nam khi những thông tin mà bà Rốt xác nhận trùng khớp với những thông tin được ghi trong cuốn nhật ký.

>>XEM THÊM 2 KỲ SAU:

>> Nhật ký liệt sĩ 43 năm lưu lạc trên đất Mỹ: Chuyện tình cảm động

>> Nhật ký liệt sĩ lưu lạc 43 năm trên đất Mỹ: Ước mong đưa anh về quê mẹ

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/van-hoa/nhat-ky-liet-si-va-hanh-trinh-luu-lac-43-nam-tren-dat-my-680376.html