Nhật - Nga tạm gác tranh chấp, cùng hướng tới lợi ích chung

Tương tự như Hàn Quốc và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, Nhật Bản và Liên bang Nga trên lý thuyết vẫn đang trong tình trạng chiến tranh, do hai nước đã không thể ký kết được thỏa thuận hòa bình sau Chiến tranh Thế giới II. Thực trạng tranh chấp chủ quyền tại quần đảo Kuril theo cách gọi của Nga hay Chishima theo cách gọi của Nhật đã phủ bóng đen lên mối quan hệ hai nước trong hàng chục năm nay. Tuy nhiên, hai nhà lãnh đạo Nga và Nhật đang có những bước đi tích cực nhằm hóa giải thái độ nghi ngờ và thù địch, mở ra những cơ hội hợp tác giữa hai nước.

Tổng thống Nga Putin và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe

Thiện chí từ cả hai phía

Tổng thống Nga Putin vừa có chuyến thăm chính thức Nhật Bản theo lời mời của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe. Trong chuyến công du, lãnh đạo 2 nước đã có các cuộc hội đàm về nhiều lĩnh vực, trong đó nổi bật nhất là việc ký kết các hợp đồng kinh tế trị giá hàng tỷ USD và giải quyết tranh chấp lãnh thổ tiến đến việc ký hiệp định hòa bình.

Ngay từ khi nhậm chức, Thủ tướng Shinzo Abe đã chủ trương thúc đẩy quan hệ với Nga tiến tới giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ, ký kết Hiệp ước Hòa bình. Cuộc gặp lần này sẽ là cuộc gặp thượng đỉnh song phương thứ 16 giữa 2 nhà lãnh đạo và là lần thứ 4 riêng trong năm nay.

Hai nước nhất trí xem xét triển khai chương trình khai thác chung quần đảo tranh chấp...

Trước đó, hồi tháng 5/2016, bỏ qua sự phản đối của Mỹ, Thủ tướng Abe đã tới gặp Tổng thống Putin tại thành phố Sochi, Nga, ngay trước khi ông chủ trì Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) tại Tokyo và đưa ra kế hoạch 8 điểm nhằm thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai nước.

Chuyến thăm Nhật Bản lần này của ông Putin đã nhen nhóm lên hy vọng giải quyết dứt điểm nút thắt tranh chấp chủ quyền khó gỡ trong quan hệ ngoại giao Nga - Nhật. Trước khi lên đường tới Nhật Bản, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng ông muốn giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ tại quần đảo Kuril, trong khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng khẳng định quyết tâm chấm dứt những bất đồng tồn đọng hàng chục năm qua giữa hai nước.

Tuy nhiên, cả 2 đều khá thận trọng khi nói về kết quả có thể đạt được. “Tôi muốn bước vào cuộc hội đàm (với Tổng thống Putin) với quyết tâm chấm dứt các vấn đề này trong thế hệ của tôi”, Thủ tướng Abe nói hồi đầu tuần này, song cũng cho biết thêm rằng một thỏa thuận về chủ quyền lãnh thổ với Nga hiện “vẫn xa tầm với”.

Trong khi đó, Tổng thống Putin cũng bày tỏ mong muốn chấm dứt những bất đồng khiến hai nước không thể ký kết hiệp ước hòa bình từ nhiều năm qua. “Tuy nhiên, làm thế nào để chấm dứt lại là một câu hỏi khó”, ông chủ Điện Kremlin nói trong cuộc phỏng vấn với một kênh truyền hình Nhật Bản.

Ngày đầu tiên trong chuyến thăm hai ngày tới Nhật Bản, ông Putin đã có cuộc hội đàm với ông Abe tại một khu nghỉ dưỡng suối nước nóng ở phía Tây Nam Nhật Bản trong vòng 3 giờ đồng hồ. Hai nhà lãnh đạo dự định sẽ tìm kiếm giải pháp cho những tranh chấp xung quanh bốn hòn đảo ở phía Tây Thái Bình Dương mà Nga kiểm soát nhưng Nhật Bản cũng tuyên bố chủ quyền.

Tại cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, nhà lãnh đạo Nga lưu ý rằng họ tiến hành gặp gỡ trên cơ sở thường kỳ. "Về nỗ lực của các bạn, chúng tôi đang chứng kiến một sự thay đổi rõ rệt trong quá trình phát triển các mối quan hệ Nga-Nhật. Những người đồng sự của tôi và tôi hy vọng rằng các cuộc gặp của chúng ta diễn ra hôm nay và ngày mai sẽ đóng góp đáng kể cho sự phát triển quan hệ Nga- Nhật" - Tổng thống Nga Vladimir Putin nói.

Chủ quyền biển đảo

Quần đảo Kuril theo cách gọi của Nga hay quần đảo Chishima theo cách gọi của Nhật Bản nay thuộc tỉnh Sakhalin của Nga, là một quần đảo núi lửa trải dài khoảng 1.300 km về phía Đông Bắc từ Hokkaido, Nhật Bản tới Kamchatka của Nga, ngăn biển Okhotsk bên Tây Bắc và Thái Bình Dương phía Đông Nam. Quần đảo này có khoảng 56 đảo và nhiều đảo đá nhỏ khác.

Sau khi đánh bại phát xít Nhật vào năm 1945, quân đội Liên Xô đã chiếm đóng toàn bộ quần đảo Kuril. Tất cả cư dân trên đảo sau đó đã được đưa sang định cư ở vùng Trung Á thuộc Liên Xô. Tuy nhiên đến nay Nhật vẫn khẳng định chủ quyền của mình ở 4 đảo cực Nam của quần đảo này bao gồm Kunashiri, Etorofu, Shikotan và quần đảo Habomai. Chính vì những khúc mắc liên quan đến quần đảo này mà cho đến nay, sau hơn 70 năm kể từ khi Chiến tranh thế giới lần thứ 2 kết thúc, 2 cường quốc láng giềng này vẫn chưa ký kết hiệp định hòa bình.

Tuy nhiên, trái với kỳ vọng của nhiều người, chuyến công du ngắn ngủi của ông Putin không đủ để phá tan tảng băng trong mối quan hệ giữa 2 nước cũng như gỡ nút thắt quanh quần đảo Kuril.

Phát biểu sau hội đàm với Tổng thống Nga Putin, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thừa nhận tranh chấp lãnh thổ là một vấn đề rất khó giải quyết và ông sẽ phải để lại vướng mắc này cho các thế hệ sau. Phát ngôn của ông Shinzo Abe được chú ý hơn vì với ông Abe việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Nga là di sản từ đời người cha quá cố của ông - cựu Ngoại trưởng Nhật Bản Shintaro Abe. Ông Shintaro là người dẫn đầu phái đoàn Nhật Bản tham gia các cuộc đàm phán với Nga trước đây. Tuy nhiên, hai nước nhất trí xem xét triển khai chương trình khai thác chung quần đảo tranh chấp và tạo điều kiện cho phép những người dân Nhật Bản từng sống ở 4 hòn đảo này được tự do về thăm quê.

Dù sao đây cũng là tín hiệu tích cực cho thấy sự ấm lên trong mối quan hệ giữa 2 cựu thù và tạo tiền đề để 2 nước ký hiệp ước hòa bình trong một tương lai không xa.

Hợp tác kinh tế

Nếu như vấn đề tranh chấp biển đảo đành phải để lại cho các thế hệ sau thì vấn đề kinh tế lại đạt được những khởi sắc không ngờ với các thỏa thuận kinh tế liên quan tới quỹ đầu tư 1 tỷ USD vào các dự án song phương vào dược phẩm và năng lượng. Theo Russia Today, hãng dầu thô lớn của Nga là Rosneft và công ty Nhật Marubeni và Mitsubishi vừa đồng ý nghiên cứu xây dựng khu liên hợp hóa chất khí đốt ở vùng Viễn Đông Nga. Rosneft và một nhóm các doanh nghiệp Nhật Bản, bao gồm Marubeni Corporation, Japan Oil, JOGMEC và Inpex Corporation còn đồng thuận thăm dò thêm vùng thềm lục địa Nga ở vùng biển Nhật Bản.

CEO Rosneft Igor Sechin cho biết trước báo giới: “Việc này nhằm mục đích lưu chuyển có hiệu quả nguồn tài nguyên dầu thô, khí đốt trong số nhiều tài nguyên khác tại thị trường hứa hẹn Nhật Bản. Đây là sự tiếp nối hợp lý của các thỏa thuận giữa Tổng thống Nga và Thủ tướng Nhật Bản nhằm tăng cường, phát triển quan hệ Nga - Nhật”. Hãng Novatek có ý mở rộng hợp tác khí đốt tự nhiên hóa lỏng với công ty Mitsubishi và Mitsui của Nhật Bản. Ngoài ra, doanh nghiệp Nga và hãng Marubeni cũng sẽ hợp tác trong dự án khí tự nhiên lỏng Arctic-2 của Novatek.

Giới doanh nghiệp Nhật Bản cũng quan tâm đến việc đầu tư vào các cảng vùng Viễn Đông Nga, theo giám đốc điều hành Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga Kirill Dmitriev. Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) và Quỹ Nga vừa đồng ý khởi động công ty đầu tư chung có giá trị 1 tỷ USD. Đổi lại, Nga cũng tạo ra nền tảng giúp các nhà đầu tư Nhật làm việc với nhiều cơ quan thuế của Nga, giúp đỡ họ trong việc đăng ký kinh doanh trong nước và tháo gỡ nhiều loại thủ tục rắc rối.

Tổ chức Năng lượng mới và Phát triển Công nghệ Công nghiệp Nhật Bản (NEDO) dự định xây dựng trang trại gió ở vùng Viễn Đông Nga Yakutia - nổi tiếng có khí hậu lạnh khắc nghiệt. Năm 2015, NEDO từng hỗ trợ mở trang trại gió ở Kamchatka cũng thuộc vùng Viễn Đông Nga.

Ước tính, tổng vốn đầu tư của phía Nhật Bản vào Nga là 300 tỷ yên, tương đương gần 3 tỷ USD.

Trong chuyến công du Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng đã chứng kiến lễ ký nhiều văn kiện hợp tác trong 8 lĩnh vực, trong đó có y tế, công nghệ viễn thông, miễn giảm thị thực cho công dân hai nước, hợp tác giải quyết sự cố rò rỉ phóng xạ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1. Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí tổ chức chuỗi sự kiện giao lưu văn hóa trong năm 2018, đưa năm 2018 thành năm của Nga ở Nhật Bản và năm Nhật Bản ở Nga.

Thái độ của Hoa Kỳ

Trước những tiến triển nhanh chóng trong mối quan hệ Nga - Nhật, không phải ai cũng lấy làm vui mừng, đặc biệt là Hoa Kỳ.

Ngay từ tháng 11, chính quyền Tổng thống Obama đã nhiều lần sử dụng các kênh ngoại giao để bày tỏ sự quan ngại đối với chuyến thăm này. Theo Kyodo, sở dĩ Washington không hài lòng là do lo ngại chuyến thăm có thể làm suy yếu áp lực của nhóm G-7 lên Nga.

Mặc dù vậy, Bộ Ngoại giao Nhật Bản hôm 8/12 đã chính thức ra tuyên bố về chuyến thăm của Tổng thống Putin tới nước này. "Nhật Bản cần đóng vai trò một thành viên G7, nhưng việc chúng tôi theo đuổi lợi ích quốc gia và tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh ở Tokyo không gây vấn đề gì cả", Kyodo dẫn một nguồn tin từ chính phủ Nhật Bản cho biết.

Đối với Hoa Kỳ, vốn là một đồng minh quân sự chứ không ảnh hưởng tới bất kỳ lĩnh vực nào khác đối với Nhật Bản, Washington luôn tìm cách giữ các xung đột bao quanh Tokyo để kiểm tỏa đồng minh.

Nhật Bản là đồng minh chiến lược của Hoa Kỳ tại vùng Đông Bắc Á, mọi xung đột của Tokyo với Moscow đều được xem là có ảnh hưởng tới chiến lược của Washington tại khu vực chiến lược này. Tuy nhiên, Hoa Kỳ rất khó có thể tạo nên tiếng nói nào với Nhật Bản, đặc biệt là tình thế hiện nay, sau khi đã nếm trải quá nhiều trái đắng khiến Tokyo không thể chỉ chọn cách nghiêng theo thế giới đơn cực mà Hoa Kỳ bày ra. Việc Tokyo phớt lờ sự phản đối của Washington để tiến hành cuộc gặp Abe - Putin cho thấy sự khác biệt rõ ràng giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ về vấn đề này.

Như vậy có thể nói, tuy không đạt được tất cả các mục tiêu đề ra nhưng chuyến thăm của Tổng thống Nga được đánh giá là thành công khi hai nước đã ký kết được nhiều thỏa thuận hợp tác kinh tế và mở ra các triển vọng giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ đã kéo dài suốt hàng chục năm qua.

Ngoài ra, kết quả của các cuộc hội đàm cũng cho thấy cái nhìn sáng suốt của người lãnh đạo Nhật Bản khi tạm thời nhượng bộ trước những vấn đề chưa thể giải quyết để hướng tới các mục tiêu trước mắt quan trọng và thực tế hơn, đồng thời thể hiện sự độc lập trong quan hệ ngoại giao của mình trước mọi sức ép, kể cả từ đồng minh thân thiết nhất.

Lê Duy

Nguồn Ngày Nay: http://www.ngaynay.vn/the-gioi/nhat-nga-tam-gac-tranh-chap-cung-huong-toi-loi-ich-chung-36115.html