Nhật sửa hiến pháp để động binh

Nguyên thủ tướng Nhật sang Trung Quốc tiếp xúc với phó chủ tịch nước.

Báo Jiji Press (Nhật) đưa tin ngày 4-8, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Itsunori Onodera thông báo quyền tự vệ tập thể (hỗ trợ quân sự khi đồng minh bị tấn công) sẽ được quy định trong hướng dẫn mới về chương trình quốc phòng dự kiến sẽ được nội các thông qua vào cuối năm nay.

Theo cách hiểu hiện nay, hiến pháp hòa bình của Nhật không cho phép Nhật thực thi quyền tự vệ tập thể. Bởi thế, Nhật không thể động binh cho dù bị nước khác tấn công hay đánh chiếm tàu của đồng minh Mỹ hoạt động trong vùng biển quốc tế để bảo vệ Nhật.

Theo Bộ trưởng Itsunori Onodera, nếu trường hợp nêu trên xảy ra thì rõ ràng quan hệ đồng minh an ninh giữa Mỹ và Nhật sẽ bị ảnh hưởng. Ông nhận định cách giải thích hiến pháp hiện nay quá bó hẹp và hạn chế cả những điều mà hiến pháp không cấm.

Nguyên Thủ tướng Nhật Yukio Hatoyama (trái) gặp Phó Chủ tịch Trung Quốc Lý Nguyên Triều tại Bắc Kinh ngày 3-8. Ảnh: THX

Báo Yomiuri Shimbun (Nhật) nhận định để thúc đẩy sửa đổi hiến pháp theo hướng cho phép Nhật có thể áp dụng quyền tự vệ tập thể, Thủ tướng Shinzo Abe dự kiến sẽ tiến hành ba bước:

1. Ban cố vấn về tái thiết nền tảng pháp lý an ninh sẽ soạn thảo báo cáo về cách diễn giải hiến pháp cho phép Nhật có quyền áp dụng quyền tự vệ tập thể và trình lên cho Thủ tướng Shinzo Abe.

2. Chính phủ sẽ xem xét lại cách diễn giải hiến pháp và công bố kết quả.

3. Chính phủ sẽ kiến nghị sửa đổi luật trong trường hợp cần thiết để cho phép Nhật có quyền áp dụng quyền tự vệ tập thể, chẳng hạn như sửa đổi luật về lực lượng phòng vệ.

Ngày 2-8, Thủ tướng Shinzo Abe đã chủ trì cuộc họp để thảo luận bước thứ nhất. Phó Thủ tướng Taro Aso, Chánh văn phòng nội các Yoshihide Suga, Ngoại trưởng Fumio Kishida và Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera cùng tham dự cuộc họp.

Cuộc họp ấn định ba thời điểm mà Ban cố vấn về tái thiết nền tảng pháp lý an ninh nên trình báo cáo về quyền tự vệ tập thể là tháng 9, tháng 11 năm nay hoặc một thời điểm thích hợp vào năm sau. Đây chỉ là gợi ý chứ chưa phải quyết định cuối cùng.

Cuộc họp cũng thảo luận về mô hình Hội đồng An ninh quốc gia tương tự như Mỹ. Nếu được thành lập, Hội đồng An ninh quốc gia sẽ gồm bốn thành viên: Thủ tướng, chánh văn phòng nội các, ngoại trưởng và bộ trưởng Quốc phòng. Hội đồng An ninh quốc gia sẽ là cơ quan chịu trách nhiệm hoạch định các chiến lược ngoại giao và an ninh.

Trong khi đó ngày 3-8, nguyên Thủ tướng Nhật Yukio Hatoyama đã gặp Phó Chủ tịch Lý Nguyên Triều tại Bắc Kinh.

Theo Tân Hoa xã, ông Lý Nguyên Triều đã kêu gọi hai nước đối diện với sự thật và xử lý đúng đắn các vấn đề trong quan hệ song phương. Ông kêu gọi Nhật cùng nỗ lực với Trung Quốc để thúc đẩy cải thiện quan hệ song phương. Ông nói Trung Quốc hy vọng Nhật sẽ rút ra bài học từ quá khứ và kiên định con đường phát triển hòa bình.

Nguyên Thủ tướng Yukio Hatoyama đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng trong quan hệ Nhật-Trung và kêu gọi hai bên giải quyết các bất đồng thông qua đối thoại. Ông nói hai nước nên tăng cường hợp tác về năng lượng và bảo vệ môi trường.

Ngày 4-8, ba tàu tuần tra của Cục Cảnh sát biển Trung Quốc vẫn hiện diện trong vùng tiếp giáp lãnh hải quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Ba tàu đi vào lãnh hải Senkaku/Điếu Ngư tối hôm trước. Cảnh sát biển Nhật thông báo ngày 3-8, một du thuyền đăng ký ở Anh treo cờ Trung Quốc đã tiến vào lãnh hải Senkaku/Điếu Ngư. Trước khi rút đi, những người trên du thuyền ném xuống biển một phao có gắn lá cờ màu đỏ.

LÊ LINH

Nguồn PLO: http://phapluattp.vn/20130804111546117p0c1017/nhat-sua-hien-phap-de-dong-binh.htm