Nhạy cảm như… vỉa hè!

Câu chuyện làm sao để trả vỉa hè về cho không gian công cộng không có gì mới. Nhưng mỗi lần thực hiện, lại cho thấy quy định quản lý với thực tế có gì đó chưa thấu đáo và triệt để.

Một đoạn vỉa hè đường Nguyễn An Ninh (Q1) bị các cửa hiệu chiếm dụng làm chỗ để xe, du khách phải đi bộ xuống lòng đường. Ảnh chụp sáng 1-3-2016. Ảnh: Nguyễn Huệ Nghi

“Nhạy cảm” có thể là từ được dùng để nói tới việc “dẹp” hàng quán, bãi đỗ xe để lập lại trật tự vỉa hè. Bởi đơn giản, điều đó va phải thực tế thói quen lâu đời trong sinh hoạt, buôn bán, xa hơn, là tập quán làm dịch vụ bình dân ở các đô thị Việt Nam.

Từ lâu, chúng ta đã quen chuyện những người dân nghèo mưu sinh buôn thúng bán bưng lề đường những đô thị lớn, gặp những hàng ăn ngon nổi tiếng ở các vỉa hè góc phố, có những bãi giữ xe do dân tự tổ chức đáp ứng nhu cầu tiện lợi nếu ta cần dạo bộ khu trung tâm khi mà các bãi đỗ xe do địa phương tổ chức đã quá tải… Cuộc mưu sinh khó nhọc trên vỉa hè luôn là hình ảnh, biểu tượng để trắc ẩn hay thương cảm và những gì ngăn trở, cho dù là luật lệ văn minh, thì cũng dễ bị cho là phản cảm.

Và cứ thế, sự vận hành tự nhiên của cung - cầu đã hình thành một đời sống tập quán sinh hoạt vỉa hè có tính tự sinh và nhiều yếu tố tự phát. Nói là văn hóa thì quá tô vẽ, nhưng gọi đó là một phần không tách rời của hình ảnh đô thị Việt Nam cho đến thời kỳ này thì không có gì sai.

Chính vì diễn ra trong tình trạnh bán chính thức, cho nên đi sâu vào thế giới sinh hoạt vỉa hè, có thể nhận thấy phía sau là một bức tranh khác, không tốt đẹp gì trong việc quản lý xã hội. Những điều luật, quy định ra đời nhân danh chuyện bảo vệ đường thông hè thoáng trở thành lá bùa để những người thực thi công vụ sử dụng, lạm quyền và trục lợi qua những thỏa thuận ngầm.

Người dân cần chỗ làm ăn, họ biết cách thu xếp với nhà quản lý địa phương để đôi bên cùng có lợi. Người dân muốn buôn bán, tồn tại trên các vỉa hè, phải chung chi, biết điều với lực lượng chức năng quản lý vỉa hè cấp phường, cấp quận. Điều đó trở thành chuyện thường ngày ở vỉa hè, nhiều người biết.

Thi thoảng, có cảnh những xe bán tải của các phường đi “hốt” những xe bán hàng dạo hay tịch thu bàn ghế những quán cóc đem về phường, thì đa số những chủ hàng sống bám vỉa hè thừa biết rằng, sau tờ biên bản là một khoản tiền phạt chính thức lẫn không chính thức để chuộc lại phương tiện làm ăn, hôm sau chỉ cần “biết chuyện” với cán bộ, sẽ yên ổn làm ăn.

Cả những tình tiết về thế giới dân sự của vỉa hè đó đã tạo nên bức tranh đa sắc thái của đời sống muôn mặt phố phường. Các chuyên gia kinh tế gọi bằng một từ nghe ra sang trọng hơn hẳn: nền kinh tế vỉa hè. Một bản thống kê mới đây đã đưa ra con số giật mình: nền kinh tế vỉa hè giải quyết 30% việc làm và đáp ứng 30% nhu cầu ăn uống của người dân ở Sài Gòn (hẳn Hà Nội và các thành phố khác, cũng không thua kém). Trong bối cảnh số công ty phá sản còn cao, số sinh viên cử nhân ra trường thất bại gia tăng, chuyện giải quyết việc làm của kinh tế vỉa hè, theo nhiều người, không thể đùa. Chính vì vậy mà nói dẹp hẳn buôn bán kinh doanh vỉa hè là chuyện thể nào cũng gặp phải phản ứng.

Vì thế, cần sự suy tính trong tái lập vỉa hè để mọi việc diễn ra không duy ý chí, không tạo ra nhiều tổn thương cho xã hội.

Sự kiên quyết của nhà chức trách cần hài hòa với tập quán và lợi ích của người dân, nhu cầu xã hội. Tốt hơn hết cần một sự quy hoạch, thay thế, nâng cấp không gian và phương thức buôn bán, để làm mới bộ mặt hàng quán sao cho việc kinh doanh vỉa hè diễn ra được văn minh, an toàn; và quan trọng, sao cho các quy định tái lập, tổ chức không gian mua bán dịch vụ trên vỉa hè đô thị được công khai minh bạch để quy định không trở thành lá bùa hộ mệnh cho những người thực thi ra sức “đưa điều kiện” với dân.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/142936/nhay-cam-nhu%e2%80%a6-via-he.html/