Nhiễm khuẩn sau sinh: Nỗi ám ảnh của sản phụ

GiadinhNet - Không ít sản phụ sau sinh, do chủ quan mà không hề biết mình bị nhiễm khuẩn. Theo các bác sĩ sản khoa, những ca nhiễm trùng hậu sản đều rất nguy hiểm.

Một buổi tư vấn kiến thức chăm sóc SKSS - làm mẹ an toàn do ngành Dân số thực hiện tại Lâm Đồng. Ảnh: Dương Ngọc

Tính mạng sẽ bị đe dọa nếu chủ quan

36 tuổi, chị Ninh Thị Diệp (ở Đình Bảng, Hà Nam) mới hạ sinh con đầu lòng. Ba tuần sau sinh, chị được đưa vào viện trong tình trạng sốt trên 38 độ, có khi sốt kèm theo cơn rét run, người bải hoải dần, mạch nhanh. Chị Diệp cho biết, do chủ quan, chị vẫn nghĩ do mới sinh ai cũng mệt nên cứ để tình trạng này kéo dài.

Đến khi chị giật mình phát hiện sản dịch rất hôi, có máu, mủ, tử cung lớn và đau, ngồi cho con bú cũng khó thì mới tá hỏa nhờ người nhà đưa vào viện. Các bác sĩ cho hay, chị bị nhiễm khuẩn huyết sau sinh, nếu để lâu hơn, tính mạng sẽ bị đe dọa.

“Trước đây, công tác chống nhiễm khuẩn chưa được chú trọng nhiều, nhiễm khuẩn bệnh viện trở thành nỗi sợ hãi với nhân viên y tế. Bởi nhiễm khuẩn tại bệnh viện thường rất nặng nề, khi các vi khuẩn kháng nhiều thuốc kháng sinh. Vì vậy, trong những năm gần đây ngành Y tế rất quan tâm chống nhiễm khuẩn, đặc biệt tại các bệnh viện đã ra đời trung tâm chống nhiễm khuẩn”.

PGS.TS Nguyễn Viết Tiến Thứ trưởng Bộ Y tế

Tại Hội thảo “Cập nhật lâm sàng về nhiễm khuẩn sản phụ khoa và trẻ sơ sinh” do Bệnh viện Phụ sản Trung ương tổ chức đầu tháng 3, PGS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết: “Bệnh viện thường xuyên tiếp nhận nhiều thai phụ do không biết cách thực hành vệ sinh tốt, bị nhiễm khuẩn phần phụ”.

Ngoài ra, trong lĩnh vực sản phụ khoa, phụ nữ sau sinh, trẻ sơ sinh, phụ nữ mang thai cũng rất dễ bị nhiễm khuẩn do vi khuẩn ở giường bệnh, dụng cụ y tế; do thao tác chăm sóc của hộ lý, y tá cũng có thể khiến cho vi khuẩn từ người này lây sang người khác...

Theo BS Lê Thị Thanh Vân (Bệnh viện Phụ sản Trung ương), nhiễm khuẩn xuất phát từ bộ phận sinh dục dễ xảy ra trong thời kỳ hậu sản (42 ngày sau đẻ), sau nạo hút thai. Những ca nhiễm trùng hậu sản đều rất nguy hiểm. PGS. TS Nguyễn Viết Tiến cho biết thêm: “Có rất nhiều phụ nữ mang thai bị nhiễm khuẩn âm thầm mà không biết, khá nguy hiểm… Có trường hợp vi khuẩn từ âm đạo của người mẹ vào thai, dẫn đến tình trạng trẻ sơ sinh vừa ra đời đã bị nhiễm khuẩn nặng”.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Viết Tiến, tình trạng nhiễm khuẩn này có thể gây viêm nhiễm ngược dòng lên tử cung, đe dọa sự an toàn của thai nhi, khi sinh trẻ bị nhiễm khuẩn rất nặng ngay trong buồng tử cung, thậm chí không giữ được thai do viêm nhiễm dẫn đến vỡ ối non.

Chăm sóc sức khỏe sau sinh ngay từ lúc mang thai

Sau khi sinh, người phụ nữ luôn phải đối mặt với những viêm nhiễm phụ khoa, chính vì vậy giai đoạn này người phụ nữ phải chăm sóc thật tốt khâu vệ sinh và đi khám phụ khoa ngay khi có những biểu hiện bất thường.

Ngoài ra, theo BS sản khoa Lê Thị Kim Dung (nguyên bác sĩ tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội), một phần nguyên nhân gây nên tình trạng nhiễm khuẩn sau sinh (mà nguy hiểm nhất là nhiễm khuẩn huyết) là do trong quá trình mang thai, có nhiều thai phụ do “mải mê” khám và siêu âm xem con mình thế nào, còn bản thân thì “lười” khám, thậm chí bỏ quên, đặc biệt là khám phần phụ. Một số khác do ngại chi phí cao.

Do đó, có những bệnh lây truyền qua đường tình dục, viêm nhiễm âm đạo không được phát hiện nên không còn màng ối bảo vệ, khiến nguy cơ bị nhiễm khuẩn sau sinh khá cao.

TS Vũ Bá Quyết, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, Việt Nam nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, độ ẩm không khí rất cao kết hợp với điều kiện sống và làm việc chưa tốt. Đặc biệt, nhiều phụ nữ nông thôn phải làm việc dưới thời tiết khắc nghiệt với phòng hộ lao động kém nên tỷ lệ viêm đường sinh dục khá cao.

Những thủ thuật như nạo hút thai, khám bệnh ở các phòng mạch, trung tâm vô khuẩn chưa tốt. Các kiến thức vệ sinh sinh dục của phụ nữ thiếu khoa học, sự kém hiểu biết về vệ sinh kinh nguyệt, vệ sinh khi “gần gũi” chồng cũng dễ dẫn đến viêm nhiễm bộ phận sinh dục.

Do đó, theo các bác sĩ, muốn tránh tai biến nhiễm khuẩn sau sinh dẫn đến nhiễm khuẩn huyết, chủ yếu là phải phòng ngừa trước; Phải giữ vệ sinh trong thời kỳ thai nghén, nhất là những ngày gần đẻ; Không tắm hay ngâm mình dưới ao hồ, nước bẩn. Hằng ngày, sản phụ phải rửa vùng kín bằng nước sạch, tuyệt đối không thụt rửa sâu bộ phận sinh dục.

Ngoài ra, sản phụ phải sinh tại các cơ sở y tế; Nhân viên y tế phải tuân thủ nguyên tắc vô khuẩn và khử khuẩn; Đỡ đẻ phải đảm bảo an toàn cho mẹ và con; Sử dụng kháng sinh an toàn và hợp lý.

“Trong thời kỳ hậu sản, chăm sóc sản phụ sau sinh, càng vệ sinh sạch sẽ bao nhiêu thì tai biến sản khoa càng giảm đi bấy nhiêu. Vì vậy, sản phụ và cả gia đình sản phụ, nhân viên y tế cần có ý thức giữ vệ sinh bàn tay, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn để phòng lây nhiễm bệnh, phòng chống nhiễm khuẩn bệnh viện”, BS Lê Thị Thanh Vân khuyến cáo.

Để phát hiện nhiễm trùng huyết sau sinh, người ta thường dựa vào những biểu hiện như toàn thân sốt cao liên tục trên 39oC hoặc nhiệt độ hạ thấp dưới 36oC, có khi kèm cơn rét run hoặc nhiệt độ không cao nhưng kéo dài nhiều ngày. Mạch nhanh trên 90 lần/phút.

Mệt mỏi, lờ đờ, vẻ mặt hốc hác, môi khô, lưỡi bẩn, vã mồ hôi. Thể trạng suy sụp nhanh. Tình trạng nặng có thể có dấu hiệu choáng, huyết áp hạ dưới 90mmHg, khó thở, vàng da. Có thể có các triệu chứng của tình trạng nhiễm khuẩn thứ phát ở gan, lách, phổi, xương, da, màng não, nội tâm mạc...

TS.BSLê Minh Toàn

Phó trưởng khoa Phụ sản (BV Trung ương Huế)

Thu Nguyên

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/dan-so/nhiem-khuan-sau-sinh-noi-am-anh-cua-san-phu-20140305111735683.htm