Nhiễm trùng mật

Ở một số người, bệnh sỏi mật không có triệu chứng nhưng lúc bệnh xảy ra biến chứng nhiễm trùng thì lại rất nặng

Cụ bà T.N - 84 tuổi, ở quận 6, TP HCM - đến cấp cứu ở Bệnh viện Vạn Hạnh tháng 4-2014 vì đau bụng từ tối hôm trước. Cụ bị đau bụng dưới sườn bên phải, than mệt và ngủ gà. Các bác sĩ nhanh chóng xác định cụ bị nhiễm trùng đường mật do sỏi, bệnh cần phải mổ lấy sỏi và rửa sạch đường mật bị nhiễm trùng. Rất nhanh sau khi nhập viện, cụ rơi vào tình trạng choáng nhiễm trùng, tụt huyết áp, tim đập nhanh, khó thở, ít nước tiểu… Đây là tình trạng bệnh rất nặng, có nguy cơ tử vong cao, nhất là ở người bệnh lớn tuổi.

Qua cơn nguy kịch

Tập thể các bác sĩ gồm nhiều chuyên khoa như nội khoa, hồi sức, ngoại khoa, nội soi đã tập trung cấp cứu. Các chỉ số sinh học lúc này rất kém, không thể phẫu thuật ngay được. Bằng nhiều biện pháp như thuốc hồi sức tim mạch, kháng sinh liều cao, giải áp đường mật bị nhiễm trùng và theo dõi đánh giá tình trạng người bệnh chặt chẽ suốt ngày đêm. Các chỉ số sinh học được cập nhật thường xuyên, có những lúc rối loạn tế bào máu rất nặng, phải liên tục truyền tiểu cầu để tránh xuất huyết. Bạch cầu trong máu tăng gấp 5 lần người bình thường, các chỉ số sinh hóa rối loạn nặng nề, chức năng của gan, thận suy giảm. Sau 5 ngày “chiến đấu”, bệnh của bà cụ đã cải thiện dần dần và qua cơn nguy kịch. Việc một người lớn tuổi như vậy vượt qua được tình trạng choáng nhiễm trùng, nhiễm trùng máu là một chuyện ít gặp. Mặc dù chậm nhưng bà T.N đến nay đã hồi phục khá nhiều, đã có thể tự ngồi và ăn được cháo. Dự kiến sau một thời gian, khi cụ đã gần trở lại bình thường, sẽ tiến hành phẫu thuật để giải quyết triệt để nguyên nhân của bệnh.

Bà T.N khi đã hồi phục tại Bệnh viện Vạn Hạnh ảnh: V.H

Nguy cơ khi mắc bệnh

Đường mật là những ống nhỏ có hình dạng như một cái cây có nhiều nhánh, nhiều cành. Nếu chỉ một viên sỏi nằm ở gốc cây, chữa trị không phức tạp lắm nhưng nếu sỏi lớn và nằm rải rác ở cả gốc và cành cây thì việc điều trị khó khăn hơn nhiều. Khi sỏi gây nhiễm trùng ở đường mật, triệu chứng đầu tiên là đau bụng ngay dưới ức hay dưới sườn bên phải. Sau đó là lạnh run trước khi sốt, có khi sốt rất cao. Tùy theo vị trí sỏi mà có vàng da hay không. Nhiễm trùng mật là tình trạng cấp cứu, người bệnh cần dùng thuốc chống nhiễm trùng và phẫu thuật loại bỏ nguyên nhân. Các nhiễm trùng mật nếu không được chữa trị kịp thời có thể lan rộng rất nhanh vào máu. Độc lực của vi khuẩn có thể gây choáng nhiễm trùng nguy hiểm tới tính mạng.

Có khoảng 3%-6% dân số bị mắc bệnh sỏi mật, các yếu tố như giới nữ, tuổi cao, béo phì, sinh đẻ nhiều là những yếu tố nguy cơ đã được biết đến từ lâu. Gần đây, người ta chú ý thêm những bệnh mạn tính như đái tháo đường, cao huyết áp, tăng mỡ máu, dùng thuốc ngừa thai, nhiễm ký sinh trùng đường ruột, rượu và thuốc lá, lối sống ít vận động cũng là những yếu tố nguy cơ quan trọng.

Lấy sỏi đường mật

Lấy sỏi qua nội soi đường tiêu hóa từ miệng. Dụng cụ tương tự ống soi dạ dày nhưng phức tạp hơn, được đưa tới chỗ mật chảy vào ruột. Bác sĩ sẽ đưa dụng cụ vào đường mật lấy sỏi ra hoặc luồn một ống nhỏ cho mật chảy ra.

Phẫu thuật lấy sỏi có thể thực hiện bằng 2 cách: Mổ nội soi vào ống mật chủ để lấy sỏi và làm sạch đường mật hoặc mổ mở lấy sỏi ống mật trong một số trường hợp phức tạp.

Nội soi lấy sỏi mật qua một khe nhỏ ở thành bụng do bác sĩ chủ động tạo ra khi mổ. Trường hợp này áp dụng đối với những bệnh nhân không thể lấy hết sỏi trong lần mổ trước.

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/bac-si-gia-dinh/nhiem-trung-mat-20140430145529394.htm