Nhiệm vụ tuyệt mật bảo vệ báu vật quốc gia Mỹ thời Thế chiến II

Các văn bản có ý nghĩa lịch sử đối với nước Mỹ trong thời kỳ Thế chiến II được chuyển tới những địa điểm bí mật nhằm tránh rủi ro bị kẻ thù tiêu hủy.

Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt. Ảnh: biography.com

Tối 26/12/1941, một đoàn tàu trên đường tới căn cứ quân sự Fort Knox, bang Kentucky, bỗng dừng lại tại nhà ga Washington. Con tàu mang theo những kiện hàng trông vô cùng bí ẩn. Chỉ một số ít quan chức chính phủ Mỹ biết bên trong chúng chính là những báu vật quốc gia, gồm Tuyên ngôn Độc lập, bản gốc Hiến pháp và bản nháp Diễn văn Gettysburg do tổng thống Mỹ đời thứ 16 Abraham Lincoln viết. Những báu vật này của nước Mỹ đang được bí mật chuyển đi cất giấu ngay sau sự kiện hải quân Nhật tấn công Trân Châu Cảng, theo New York Post.

Người trực tiếp đưa ra quyết định này là tổng thống Mỹ lúc bấy giờ Franklin D. Roosevelt bởi ông hiểu rất rõ "giá trị biểu tượng của các văn bản này và những thảm họa về tinh thần mà người Mỹ phải hứng chịu nếu chúng bị phá hủy", ông Stephen Puleo, tác giả cuốn sách "Báu vật Quốc gia Mỹ", cho hay.

Theo Puleo, mối lo lắng của tổng thống Roosevelt là hoàn toàn có cơ sở vì khi ấy cũng xuất hiện nhiều mối nghi ngại về việc phát xít Đức có thể tấn công Washington.

"Các tàu ngầm Đức liên tục lượn lờ ngoài khơi bờ biển phía đông nước Mỹ, đánh chìm những con tàu hoạt động gần Mũi May và Mũi Cod", Puleo kể. "Mọi người đều nghĩ chẳng sớm thì muộn oanh tạc cơ sẽ kéo đến. Vì thế, quyết định di chuyển các báu vật quốc gia không phải ý tưởng quá đỗi kỳ quặc hay phù phiếm".

Roosevelt chỉ định Archibald MacLeish, người đứng đầu Thư viện Quốc hội, chịu trách nhiệm lập danh mục và bảo vệ các hồ sơ, giấy tờ liên quan đến lịch sử. Không lâu trước thời điểm những quả bom đầu tiên dội xuống Trân Châu Cảng, MacLeish cùng 700 nhân viên Thư viện Quốc hội đã làm việc quên thời gian, không cần thù lao, để phân loại hàng nghìn tài liệu, xếp hạng chúng theo ý nghĩa lịch sử.

Trong suốt thời kỳ chiến tranh, khoảng 5.000 bản thảo đã được di dời khỏi Washington, trong đó có bản gốc Kinh thánh Gutenberg, ghi chú viết tay của tổng thống Mỹ đời thứ 4 James Madison về Hội nghị Lập hiến, Điều lệ Liên bang, giấy tờ cá nhân của cố tổng thống Mỹ George Washington...

Nhưng không phải tất cả những tài liệu quan trọng kể trên đều có thể lưu trữ ở Fort Knox, hầm chứa vàng an toàn bậc nhất thế giới của Mỹ.

MacLeish phải cân nhắc các địa điểm cất giấu khác, như trong hang động, đường hầm hay mỏ. Nhưng tại những nơi kể trên, giấy tờ nhiều khả năng sẽ bị phá hủy bởi sâu bọ và ẩm mốc. Cuối cùng, chúng được chuyển tới ba ngôi trường là Đại học Virginia ở thành phố Charlottesville, Đại học Washington and Lee và Học viện Quân sự Virginia tại Lexington.

Cả ba địa điểm đều nằm cách xa bờ biển và phát xít Đức không thể tấn công chúng từ ngoài khơi.

Việc giữ bí mật về nơi lưu trữ là tối quan trọng. Nhưng một phóng viên ở Lexington bằng cách nào đó đã phát hiện ra thông tin về các hộp giấy có ghi "Tài sản của Thư viện Quốc hội".

Khi MacLeish biết chuyện nhà báo này hỏi về những thứ chứa bên trong thùng giấy, ông vô cùng giận dữ. Các thủ thư thuộc Đại học Washington and Lee đã tiết lộ sự việc. MacLeish lập tức gọi tất cả đến và bác bỏ mọi câu chuyện liên quan, đảm bảo bí mật về nơi lưu trữ tài liệu. Sau Chiến tranh Thế giới thứ II, gần 5.000 văn bản, tài liệu được cất giấu đã quay trở về Washington.

Theo vne

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/nhiem-vu-tuyet-mat-bao-ve-bau-vat-quoc-gia-my-thoi-the-chien-ii-266978.html