Nhiều băn khoăn về hiệu quả đầu tư

KTĐT - Hôm qua 27/5, Quốc hội đã dành trọn cả ngày làm việc tại hội trường để thảo luận về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2009 và những tháng đầu năm 2010.

Thảo luận tại hội trường, các đại biểu (ĐB) cơ bản đồng tình với báo cáo của Chính phủ về kết quả phát triển kinh tế - xã hội và các giải pháp nhằm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tiếp tục duy trì phục hồi tăng trưởng. Tuy nhiên, các ĐB Quốc hội cũng bày tỏ băn khoăn về nhập siêu còn lớn, điều hành và kiểm soát giá cả còn hạn chế, giá cả nhiều mặt hàng, dịch vụ vẫn dừng ở mức cao, hiệu quả nền kinh tế và đầu tư còn thấp; vấn đề thực hành tiết kiệm, chống lãnh phí, tham nhũng trong xã hội và trong các cơ quan đơn vị; việc thực hiện Nghị quyết của BCH Trung ương Khóa X đối với nông thôn, nông nghiệp và nông dân …. ICO cao đồng nghĩa với hiệu quả làm ăn thấp ĐB Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) cảnh báo kinh tế trong nước và thế giới phục hồi nhanh, nhưng kèm theo đó tiềm ẩn những nguy cơ tái lạm phát cao, nhất là trong tình hình tổng phương tiện thanh toán đang ở mức cao, dư nợ các loại đáng lo ngại. Về chỉ số hiệu quả đầu tư ICO, ĐB Vũ Quang Hải (Hưng Yên) cho rằng, năm 2008 chỉ số này đã xấp xỉ tới 8 đơn vị đầu tư trên một đơn vị phát triển, trong khi đó, năm 2009, Chính phủ đã xin ý kiến Quốc hội chi tới 100.000 tỷ đồng để bảo đảm tăng trưởng chống suy giảm, do vậy ICO năm 2009 chắc chắn sẽ cao hơn. ĐB đề nghị Chính phủ phải công khai để Quốc hội và nhân dân đánh giá hiệu quả của sự phát triển. Chỉ số ICO cao đồng nghĩa với tăng đầu tư công, đồng thời cũng là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng và lãng phí, bất lợi cho nền kinh tế. Liên quan đến chỉ số này, theo ĐB Đỗ Thị Huyền Tâm (Bắc Ninh) chỉ số ICO của nước ta cao gấp 3 lần các nước trong khu vực, nghĩa là hiệu quả làm ăn của chúng ta còn thấp. Nguyên nhân cơ bản và cốt lõi nhất là nguồn nhân lực chưa được quan tâm đào tạo đúng mức. Về dư nợ của Chính phủ, ĐB Vũ Quang Hải cho biết, theo báo cáo của Chính phủ từ năm 2009 dư nợ là 41,9% GDP nhưng theo bản tin A của Bộ Ngoại giao trích dẫn lời ông Cục trưởng Cục Quản lý nợ công của Bộ Tài chính thì nợ công là 44,7%. ĐB đề nghị Chính phủ trong báo cáo thể hiện rõ đó là nợ công của Chính phủ là bao nhiêu, nợ Chính phủ bảo lãnh cho các doanh nghiệp là bao nhiêu và các kỳ họp sau cũng đều được thể hiện. Như vậy các đại biểu Quốc hội có thể giám sát tốt hơn. Không đồng tình với phần đánh giá tồn tại và hạn chế, ĐB Dương Kim Anh (Trà Vinh) cho rằng, báo cáo của Chính phủ chưa nêu bật được nguyên nhân. Trong đó có yếu tố điều hành quản lý của lãnh đạo bộ, ngành, Trung ương, các địa phương nhiều lúc còn thiếu kiên quyết chưa chặt chẽ, thiếu tính thống nhất và chưa sát với tình hình thực tế đang diễn ra. Tính kỷ cương, kỷ luật trong việc thực hiện pháp luật, pháp lệnh chưa thực sự nghiêm minh. Tình trạng về lợi ích cục bộ của từng ngành, từng doanh nghiệp và từng địa phương đã và đang diễn ra ngày càng nhiều làm ảnh hưởng không nhỏ đến lợi ích quốc gia. Nhưng Chính phủ chưa có biện pháp chỉ đạo quyết liệt để khắc phục những mặt hạn chế trong nhiều năm qua. Lãng phí, thất thoát đã ở mức báo động đỏ Liên quan tới lãng phí, thất thoát, ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị) cho rằng, vấn đề này đã ở mức báo động đỏ. Tình trạng khai thác tài nguyên, khoáng sản đang bộc lộ nhiều bất cập từ khâu cấp phép đến quản lý, khai thác, sử dụng gây thất thoát, lãng phí, cạn kiệt, môi trường bị tàn phá, kéo theo những hệ lụy về mặt xã hội như tội phạm và tệ nạn xã hội hoành hành, băng hoại về đạo đức, mất an ninh, an toàn xã hội. Một lĩnh vực đang gây lãng phí thất lớn nhất theo ĐB có lẽ là lĩnh vực đất đai. Theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường, có 3.311 tổ chức sử dụng đất không đúng mục đích, để hoang hóa, lãng phí với diện tích 25.587,82 ha. Sau 1 năm với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, của Bộ Tài nguyên và Môi trường và của các địa phương cũng chỉ thu hồi được 4.731 ha, bằng 1/5 diện tích đất lãng phí thất thoát vi phạm pháp luật. Đến cuối năm 2009, trên cả nước có 1.763 trường hợp quy hoạch treo và dự án treo với tổng diện tích là 110.447 ha. Sau 1 năm xử lý vẫn còn trên 20.000 ha đất dự án treo với 1.000 khu "đất vàng, đất ngọc" hiện còn đang treo lơ lửng như thách thức các cơ quan quản lý, kéo theo hàng trăm nghìn tỷ đồng giá trị đất đang bị chôn vùi trong đất. Cắt điện không còn là vấn đề nhỏ Cũng theo ĐB Lê Như Tiến, thất thoát lãng phí điện năng từ đường dây, trạm điện đến các hộ tiêu thụ, con số công bố mới nhất khoảng từ 11 - 15% tổng lượng điện cả nước. Nhưng thiếu điện thì cắt điện, đó là cách giải thích rất hồn nhiên của ngành điện mà chưa hình dung được tác hại nặng nề của việc cắt điện đối với tăng trưởng kinh tế phát triển xã hội và đời sống nhân dân. ĐB Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên - Huế) cho biết, những ngày Quốc hội họp, cử tri mừng khi nghe Chính phủ báo cáo tình hình kinh tế xã hội phát triển, GDP năm sau cao hơn năm trước, nhưng cử tri không vui vì giá cả leo thang, điện cắt liên tục, GDP là cái gì rất mơ hồ, còn điện thì rất thực tế đối với người dân, mất điện tạo ra bức bối trong nhân dân. Với trên 95% hộ gia đình sử dụng điện, sự bức bối đó trong diện rộng tạo tâm trạng xã hội không tốt, vì vậy việc cắt điện không còn là vấn đề nhỏ. Khánh Linh

Nguồn KTĐT: http://www.ktdt.com.vn/newsdetail.asp?catid=16&newsid=221570